Dân vây trạm thu phí Hạc Trì: Phải làm rõ việc đặt trụ bê tông ngăn cầu Việt Trì

21/06/2016 07:25
Mai Anh
(GDVN) - Câu hỏi trên được PGS.TS Phạm Quý Thọ đặt ra khi chủ đầu tư dự án cầu Hạc Trì dựng trụ bê tông ngăn ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì.

Có đang bị "ép" đi đường BOT?

Tối 17/6, nhiều người dân trên địa bàn phường Bạch Hạc (TP Việt Trì, Phú Thọ) đã bức xúc kéo đến khu vực trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì (TP.Việt Trì) không cho xe ô tô đi qua để phản đối việc đơn vị BOT đã cho dựng các ụ bê tông chặn chắn ngang đường ngăn không cho ô tô qua cầu Việt Trì cũ.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên người dân tập trung tại trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì phản đối đơn vị BOT. Mặc dù đại diện Bộ Giao thông vận tải, người dân và chủ đầu tư BOT đã gặp gỡ trao đổi tuy nhiên người dân vẫn chưa đồng tình.

Từ câu chuyện người dân phản đối đơn vị BOT cầu Hạc Trì cũng như những vấn đề trong việc cấp phép đầu tư dự án BOT giao thông hiện nay, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Phạm Quý Thọ - gia chính sách công nhận định: Hình thức đầu tư BOT giao thông đang cho thấy bất cập ở nhiều khâu.

Trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì (Việt Trì - Phú Thọ) - ảnh nguồn Báo Nhân dân.
Trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì (Việt Trì - Phú Thọ) - ảnh nguồn Báo Nhân dân.

Qua thông tin báo chí, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho hay, dự án cầu Hạc Trì bắc qua sông Lô được xây dựng nhằm thay thế cầu đường bộ - đường sắt Việt Trì có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng theo hình thức BOT. 

Dự án do Công ty CP BOT cầu Hạc Trì làm chủ đầu tư thông xe từ tháng 5/2015, bắt đầu thu phí hoàn vốn từ 7/12/2015, mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ, cao nhất là 180.000 đồng/lượt từ 18 tấn trở lên.

Tuy nhiên ngay khi bước vào thu phí, người dân đã tập trung tại trạm BOT phản đối việc mức phí cao. Sau đó đơn vị BOT phải giảm 80% mức phí BOT cho người dân phường Bạch Hạc.

Cùng với việc giảm mức phí, đơn vị BOT đắp ụ bê tông hai đầu cầu Việt Trì cũng nhằm ngăn xe ô tô qua đó buộc phương tiện ô tô phải qua cầu Bạch Hạc. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người dân có những phản ứng thời gian qua.

Giải thích việc đặt ụ bê tông hai đầu cầu Việt Trì, Công ty CP BOT cầu Hạc Trì lý giải do căn cứ theo quyết định của Tổng cục Đường bộ.  

Dân vây trạm thu phí Hạc Trì: Phải làm rõ việc đặt trụ bê tông ngăn cầu Việt Trì ảnh 2

Tỉnh xin giảm phí BOT, Bộ nói "quyền của chủ đầu tư"

(GDVN) - UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản gửi các cơ quan ban ngành xem xét điều chỉnh giảm mức phí xe container trên Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Trong khi đó ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thì cầu Việt Trì (Phú Thọ) là cầu đường sắt đi chung với đường bộ, phần đường sắt đi ở giữa, phần đường bộ đi ở hai cánh gà hai bên. Mỗi chiều chỉ có một làn xe đi chung cả ô tô lẫn xe máy nên rất chật hẹp đã bị yếu, thường xuyên rung lắc, bị vỡ các tấm bê tông cốt thép lắp ghép mặt cầu phần đường bộ. 

Căn cứ kết quả kiểm định cầu được thực hiện từ tháng 7/2015, để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình, duy trì tuổi thọ công trình, ưu tiên cho vận tải đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đã tạm thời cấm xe ô tô lưu thông qua cầu (các phương tiện xe thô sơ, xe máy và tầu hỏa vẫn đi lại bình thường).

Trước lý giải đơn vị BOT cũng như Tổng cục Đường Bộ, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ phải làm rõ vấn đề: Thứ nhất kết quả kiểm định cầu nói cầu Việt Trì yếu không đảm bảo an toàn có được công khai minh bạch; Thứ hai, ai đã đặt ụ bê tông tại cầu Việt Trì, đặt từ khi nào?

Từ vấn đề này theo ông Thọ, nếu Tổng cục Đường bộ có kết quả kiểm nghiệm chất lượng cầu tại sao không công bố công khai về tải trọng của cầu cũng như có những khuyến cáo cụ thể về khả năng chịu lực của cầu.

Mặt khác, từ việc công bố khả năng chịu lực của cầu đó Tổng cục Đường bộ khuyến cáo người dân ra sao phải có quy trình, nếu nhận thấy người dân không chấp hành có thể gây nguy hiểm đến tính mạng mới dựng ụ bê tông. 

Lợi ích giữa các bên

PGS.TS Phạm Qúy Thọ cho biết, trước đây các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đều dùng vốn ngân sách nhà nước, nói cách khác nhà nước làm dân hưởng thụ. Sau đó do vốn nhà nước không đủ, bắt đầu kêu gọi đầu tư BOT nước ngoài.

“Đầu tư dự án giao thông bằng cách kêu gọi BOT nước ngoài là bước thử, cũng là lúc để nhà nước xem hiệu quả và lợi ích mang lại.

Đúng lúc BOT giao thông vốn nước ngoài lên cao năm 2006 - 2007, kinh tế đất nước khủng hoảng. Khủng hoảng kinh tế tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân vươn lên. Lúc này BOT giao thông bủng nổ với dãy dài các dự án”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết.

PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (nguyên Trưởng Khoa Chính sách công - Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - Ảnh H.Lực.
PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (nguyên Trưởng Khoa Chính sách công - Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - Ảnh H.Lực.

Theo PGS.TS Thọ việc các dự án BOT giao thông bùng nổ trong khi doanh nghiệp tư nhân không phải ai cũng có đủ năng lực dẫn đến chạy dự án, vay tiền làm dự án. Để bù vào khoảng trống đó doanh nghiệp BOT khai khống, đội giá xây dựng lên dẫn đến suất đầu tư đường BOT cao và cuối cùng dân phải đóng phí cao, thời gian thu phí dài.

Hiện BOT giao thông đang là vòng tròn giữa người dân, Chính phủ và chủ đầu tư. Mỗi bên đều có lợi ích riêng, trong đó chủ đầu tư đang được cơ quan quản lý tạo điều kiện để đảm bảo dự án cũng như hợp đồng dự án an toàn nhất.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại của hình thức kêu gọi đầu tư BOT đường giao thông hiện nay theo PGS.TS Phạm Quý Thọ phải tôn trọng nhu cầu thị trường.

“Trước một dự án đường BOT, Bộ Giao thông vận tải phải tính toán được tổng mức đầu tư, tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật sau đó tiến hành mời thầu, đấu thầu công khai, ai đảm bảo tiêu chuẩn phê duyệt ai không loại bỏ. Tiêu chuẩn bao gồm cả vốn góp, kinh nghiệm và điều kiện thi công thực hiện dự án…Phải đưa về thị trường, để thị trường quyết định, thị trường chính là minh bạch và người dân được tham gia”, ông Thọ đề xuất.

Mai Anh