Đặng Lê Nguyên Vũ: Năm 2013, Trung Nguyên bắt đầu chinh phục nước Mỹ

14/01/2013 12:56
Tiểu Phương (Thực hiện)
(GDVN) - Bật mí về kế hoạch phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên trong năm 2013, Chủ tịch HĐQT đồng thời là người sáng lập cà phê Trung Nguyên cho biết: Chúng tôi bắt đầu chinh phục nước Mỹ và lấy Asean làm thị trường nội địa chứ không phải là Việt Nam.
Mới đây, trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã từng chia sẻ: Ông không ngại khi Starbucks – thương hiệu cà phê nổi tiếng Hoa Kỳ sẽ về Việt Nam trong thời gian sắp tới. Bởi với ông, Starbucks chỉ là một “người khổng lồ không bản sắc” và “không ai lại đi sợ một người không còn bản sắc, không còn tư tưởng chủ đạo” – ông Vũ nói.
Những ngày cuối năm 2012, khi dư luận vẫn không ngừng ồn ào, xôn xao bàn tán về “cuộc chiến” trên “đấu trường” giữa Starbucks và Trung Nguyên mà có người coi đó là “cuộc chiến giữa các vị vua”. Phóng viên báo Giaoduc.net.vn đã có buổi trò chuyện với người đứng đầu Tập đoàn cà phê Trung Nguyên về kế hoạch chinh phục thế giới của đơn vị có chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất VN này.

“Starbucks vào Việt Nam, Highland sẽ mất hút”?
- PV: Có ý kiến cho rằng: Trung Nguyên mở rộng mô hình nhượng quyền thương mại, tuy nhiên, chất lượng cửa hàng lại không đồng bộ, thậm chí đang ngày càng xuống cấp, ông có suy nghĩ gì khi nghe nói về điều này?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Cái đó là một sự nhầm lẫn, tôi cảm thấy rất là phiền khi trên diễn đàn có người nói như vậy.

Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cà phê Trung Nguyên: Năm 2013, Trung Nguyên sẽ chinh phục nước Mỹ và lấy Asean làm thị trường nội địa.
Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cà phê Trung Nguyên: Năm 2013, Trung Nguyên sẽ chinh phục nước Mỹ và lấy Asean làm thị trường nội địa.
Vừa rồi, một người hiệu trưởng Úc, 30 năm dạy khắp thế giới, có qua trao đổi với tôi, họ vô cùng kinh ngạc với cách tiếp cận của Trung Nguyên. Thử hỏi từ chiếc xe đạp, không có gì hết, tôi đã đi lên được như thế nào cho tới ngày hôm nay. Ngoài mở rộng các quán cà phê Trung Nguyên tại VN, quán nhượng quyền quốc tế đầu tiên mở tại Tokyo - Nhật bản từ năm 2000, rồi liên tiếp là Trung Quốc, Thái Lan, Cam Pu Chia và sau đó là 2 cửa hàng nhượng quyền tại Singapore,…
Từ không đến có, tôi đã giải quyết các khâu then chốt, từ trên rừng xuống đồng bằng, từ nông thôn tới thành thị, từ rộng tới sâu, từ Việt Nam tới quốc tế.
Ở câu hỏi của bạn, tôi cần nhấn mạnh rằng: chúng ta đang nhìn Trung Nguyên nào, nếu cửa hiệu Trung Nguyên ở Sài Gòn thì tôi tin, chất lượng cao hơn Starbucks xa, còn Trung Nguyên bán sản phẩm lại khác. Trung Nguyên có hàng trăm, hàng trăm ngàn chứ không phải chỉ có những quán như thế này!
Những quán khác nhau bán sản phẩm khác nhau và cũng khác với những quán cung ứng cà phê. 

Đặng Lê Nguyên Vũ: Đúng vậy! Một điều cũng cần chú ý đó là về tâm lý, ngày trước người ta cứ đem so sánh Trung Nguyên với Highland Coffee. Có thể Highland hơn chúng tôi về lợi thế mặt địa lý nhưng thua kém xa về doanh thu cũng như tổng thể các vấn đề khác.
Nói hơi quá chứ trung bình mỗi ngày, Trung Nguyên phải bán hàng trăm tấn cà phê. Tôi nghĩ Highland không thể tồn tại lâu được tầm 2 năm, khi Starbucks vào VN, Highland sẽ mất hút.

- Như ông nói thì Starbucks vào VN, Highland sẽ là đơn vị bị ảnh hưởng nhiều nhất, còn Trung Nguyên không sợ Starbucks?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Đừng có sợ quá, đừng cứ thấy đi khắp các quốc gia, lúc nào cũng đều gặp Starbucks mà sợ! Thực tế, tôi đã vào một quán Starbucks, tôi thấy nó rất tệ. Tôi nói luôn rằng: Nói thật, tôi mà chủ quán của quán đó, tôi sẽ gỡ bỏ ngay. Quán Starbucks ấy không có gì hết, tranh ảnh, bàn ghế thảm hại. Starbucks chỉ được các câu chuyện thôi.
Họ có những triết lý như "Nơi chốn thứ ba", hay "Cả tâm hồn trong đáy cốc"... rồi họ học hỏi kinh nghiệm cà phê của Italy chẳng hạn. Nhưng nay họ có còn cà phê không?
Trong danh sách 100 thương hiệu lớn toàn cầu vừa sắp xếp lại, thì Starbucks nay liệt vào loại công ty fast-food (đồ ăn nhanh) chứ không phải công ty cà phê. Trên logo họ cũng bỏ luôn chữ cà phê đi.
Vì thế, tôi vẫn muốn nói lại một lần nữa: Không ai sợ một người không còn bản sắc.
Năm 2013, Trung Nguyên lấy Asian làm thị trường nội địa
- Từng tuyên bố rằng: “nước Mỹ sẽ phải tìm đến chúng tôi”, ông có thể chia sẻ một chút về kế hoạch kinh doanh của Trung Nguyên trong thời gian tới?
Đặng Lê Nguyên Vũ: Năm sau, ngoài những hoạt động thường niên, tôi nghĩ có 2 sự kiện quan trọng.
Thứ nhất, coi Asean là thị trường nội địa, lấy trung tâm là Singapore để phát triển chứ không phải là TP.HCM như bây giờ. Chúng ta cần phải quốc tế hóa nội lực.
Điều này là một quyết định quan trọng, vì không phải coi VN là thị trường nội địa mà coi Asean là thị trường nội địa. 
Nếu tính toán đúng những điểm rơi thì năm 2013, chúng tôi bắt đầu công cuộc chinh phục nước Mỹ. 
Tôi coi đây là 2 sự kiện lớn – là bước đi của Trung Nguyên trong năm tới này.

- Để thực hiện được chiến lược đó, hiện nay, Trung Nguyên đã chuẩn bị đến đâu rồi, thưa ông?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu rồi. Ở Singapore, Trung Nguyên có thể phát triển và mở rộng thuận lợi vì có một công ty bên đó từ mấy năm rồi.
Ở Mỹ, 3 – 4 năm nay, Trung Nguyên vẫn có một nhóm túc trực tại đây để khảo sát, tìm kiếm những câu trả lời then chốt.
Tính thì chúng tôi cũng đã tính giỏi, giờ là lúc thực thi những điều đã tính. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Tiểu Phương (Thực hiện)