Đánh thuế nhà ở trên 700 triệu, gánh nặng kinh tế lại dồn lên vai người dân

16/04/2018 06:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Theo dự thảo Luật Thuế tài sản, nhà ở có giá trị 700 triệu đồng trở lên sẽ bị đánh thuế đang khiến các hộ gia đình ở thành phố “đứng ngồi không yên”.

Bộ Tài chính đang kiến nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, với đề xuất đánh thuế đối với nhà ở. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án đánh thuế với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.

Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế là phần có giá trị trên 700 triệu đồng. Mức thuế được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng định là 0,3- 0,4%.

Đề xuất này lập tức gây tranh cãi ngay từ khi còn trong “trứng nước”.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều cặp vợ chồng, gia đình tích cóp, vay ngân hàng mua được căn hộ mà phải đóng đủ loại thuế, phí đương nhiên không ai thích cả.

“Nhưng dù gì, thuế nhà ở cũng hợp lý hơn thuế bảo vệ môi trường vì người nghèo đương nhiên là không có tài sản để mà đóng.

Nếu thu thuế nhà ở, giá trị nhà ở phải là trên1 tỷ đồng”, ông Đực nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Văn Đực.
Ông Nguyễn Văn Đực.

Phân tích rõ hơn cho quan điểm của mình, ông Đực dẫn chứng, ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, làm gì tìm được căn hộ chung cư, nhà ở nào có giá 700 triệu đồng.

Ngay cả nhà ở xã hội theo gói 30.000 tỷ đồng cũng không có căn hộ nào 700 triệu đồng.

Mức thu thuế với nhà ở có giá trị 700 triệu đồng trở lên mà Bộ Tài chính nghiêng về là bất hợp lý.

“Tôi cho rằng khi xây dựng Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính không nên nhắm vào đối tượng thuộc thành phần mới qua khỏi ngưỡng "xóa nghèo" như vậy”, ông Đực nhấn mạnh.

Theo ông Đực đúng ra phải giảm chi thường xuyên cho bộ máy quản lý cồng kềnh, không hiệu quả, tiền cho các Hội, đoàn… để giảm chi ngân sách.

Đánh thuế nhà ở trên 700 triệu, gánh nặng kinh tế lại dồn lên vai người dân ảnh 2

Căn hộ chung cư sẽ phải nộp thuế đất

Tuy nhiên, việc này bao năm chúng ta làm vẫn ì ạch, không giảm được bao nhiêu biên chế, người ăn lương Nhà nước.

Thay vào đó, chúng ta đang cố tìm cách dễ thực hiện hơn là tăng ngân sách bằng thu thuế từ người dân.

Theo ông Đực, Luật Thuế tài sản nếu được ban hành tại thời điểm hiện nay sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường bất động sản và người tiêu dùng.

Ông Đực quan ngại sẽ xảy ra tình trạng "thuế chồng thuế", do người tiêu dùng (người mua nhà) vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản.

Tiếp đó, sẽ tác động đến mặt bằng giá cả nói chung mà trực tiếp là giá cả trên thị trường bất động sản.

Ông Phạm Sỹ Liêm. (Ảnh:vtv.vn)
Ông Phạm Sỹ Liêm. (Ảnh:vtv.vn)

Ở góc độ khác, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Bộ Tài chính chưa đưa ra được lý do thuyết phục về thuế nhà ở và mức thu thuế.

Dù ủng hộ việc thu thuế tài sản nhưng theo ông Liêm, dư luận cần được hiểu rõ trước đã.

“Không phải cứ muốn thu, là thu”, ông Liêm nói

Theo ông Liêm, mặt tích cực của thuế tài sản là tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh.

“Tài sản đi đôi với quyền tài sản. Quyền tài sản phải được xác nhận, phải được bảo vệ, kể cả việc biến động tài sản.

Nhà nước phải quản lý, phải mất chi phí. Nguồn thu đương nhiên phải từ chính tài sản”, ông Liêm phân tích.

Tuy nhiên, giá trị tài sản không chỉ phụ thuộc vào bản thân tài sản mà còn phụ thuộc vào hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho tài sản đó.

Đánh thuế nhà ở trên 700 triệu, gánh nặng kinh tế lại dồn lên vai người dân ảnh 4Thêm một dự án nhà ở xã hội chuẩn bị được khởi công

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật càng tốt thì giá trị tài sản càng cao. Hạ tầng không có gì thì cho không cũng chả ai lấy.

“Quan điểm của tôi là tất cả tài sản phải thu thuế, có thu thuế thì mới bảo vệ, theo dõi nó được.

Tuy nhiên, thu tượng trưng thôi.  

Mức đề xuất của Bộ là quá cao.

Mức thuế cần phải lũy tiến chứ không thể đánh thuế phổ thông tất cả như nhau vậy được”, ông Liêm nhấn mạnh.

Được biết, dự án Luật Thuế tài sản sẽ được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, UBND các địa phương và người dân. Sau khi tiếp thu ý kiến rộng rãi, bộ này mới xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội.  

Đỗ Thơm