Doanh nghiệp Đức: Môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn hơn Trung Quốc

02/06/2016 10:19
Mai Anh
(GDVN) - Doanh nghiệp Đức cho rằng, Việt Nam là địa điểm đầu tư an toàn, bền vững và tiềm năng hơn so với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác.

Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) vừa công bố kết quả khảo sát triển vọng phát triển kinh tế trong giới doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.

Được biết đây là khảo sát thường niên được tổ chức bởi hệ thống các phòng Công nghiệp và Thương mại Đức ở 90 nước trên thế giới. Khảo sát năm nay nhận được sự tham dự của hơn 3.400 doanh nghiệp Đức tại khắp nơi trên thế giới.

Mục đích của việc đánh giá này nhằm tìm hiểu những dự định và kỳ vọng của công động doanh nghiệp Đức tại Việt Nam hiện tại và trong trung hạn, những rào cản và thách thức đối với họ trong quá trình hoạt động tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Đức Đức tại Việt Nam rất lạc quan và tin tưởng vào sự phát triển trong trung hạn của Việt Nam - ảnh Ngày hội việc làm của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam 2015 / nguồn Báo Đầu tư
Doanh nghiệp Đức Đức tại Việt Nam rất lạc quan và tin tưởng vào sự phát triển trong trung hạn của Việt Nam - ảnh Ngày hội việc làm của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam 2015 / nguồn Báo Đầu tư 

Theo đó, nhà đầu tư Đức rất lạc quan và tin tưởng vào sự phát triển trong trung hạn của Việt Nam.

Môi trường đầu tư và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam thu hút giới doanh nghiệp Đức. Nhiều doanh nghiệp dự định mở rộng đầu tư và tuyển thêm lao động trong 12 thời gian tới

“Về cơ bản, rất nhiều doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại đây, vì họ nhận thấy thị trường Việt Nam đang tăng dần tính thu hút khi AEC chính thức được thành lập, khi Việt Nam ký kết những hiệp định thương mại tự do quan trọng như FTA EU-Việt Nam hay TPP, và cả những lợi thế có sẵn của thị trường”, ông Marko Walde -Trưởng đại diện GIC/AHK Việt Nam cho biết.

Kết quả khảo sát của GIC/AHK Việt Nam cho thấy, hơn một nửa các doanh nghiệp Đức lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, 47% trong số số doanh nghiệp Đức được hỏi tin tưởng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới. 70% doanh nghiệp Đức rất hài lòng với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mình tại Việt Nam, 58% trong số họ đều tin vào viễn cảnh tăng trưởng doanh thu trong năm tới.

Từ kết quả kinh doanh tốt tại Việt Nam, có đến 54% doanh nghiệp Đức được hỏi đều khẳng định họ sẽ tăng vốn đầu tư tại đây và 58% trong số họ có kế hoạch tuyển dụng trong năm 2017.

Tuy nhiên theo GIC/AHK Việt Nam, rào cản và thách thức dành cho nhà đầu tư Đức tại Việt Nam chính là chính sách kinh tế, việc thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề hay lương công nhân tăng nhanh được cho là những nguy cơ tiềm ẩn kìm hãm sự đầu tư và mở rộng của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Đức cũng khẳng định những tiến bộ rõ rệt trong phát triển hạ tầng cơ sở và chi phí hấp dẫn của nguyên vật liệu, năng lượng tại Việt Nam.

So sánh với các nước Đông Nam Á khác, với Trung Quốc và Ấn Độ, doanh nghiệp Đức đánh giá: Tại Việt Nam, doanh nghiệp Đức thể hiện sự tin tưởng  hơn hẳn vào phát triển kinh tế vĩ mô và vi mô, khi so sánh với các nước Đông Nam Á khác, hay với Trung Quốc và Ấn Độ. Các chỉ số cho thấy rằng, môi trường đầu tư Việt Nam đã thực sự thu hút nhà đầu tư Đức và là địa điểm đầu tư an toàn, bền vững và đầy tiềm năng.

Những cố gắng của chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới, thông qua một loạt các Hiệp định Thương mại tự do và sự thành lập AEC, cũng như những lợi thế sẵn có đã giúp Việt Nam thu hút và thuyết phục các nhà đầu tư Đức về một môi trường hiệu quả và bền vững.

Để nâng cao cạnh tranh thu hút nhà đầu tư GIC/AHK Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp như: Xây dựng hệ thống đào tạo nghề hiện đại, phù hợp với nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp cũng như có tính thực tế cao nhằm đáp ứng được những đòi hỏi của doanh nghiệp và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững về đầu tư của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và tính chuyên nghiệp để có thể đủ nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp khác khi AEC, TPP cũng như FTAs có hiệu lực.

Được biết, Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu với kim ngạch hai chiều năm 2013 đạt gần 8 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-EU. Đức cũng là một trong những nhà tài trợ phát triển (ODA) hàng đầu cho Việt Nam.

Mai Anh