Doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 97%, sử dụng 62% lao động

15/09/2017 09:01
Ngọc Bích
(GDVN) - Doanh nghiệp ngoài nhà nước đang là lực lượng chính, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp và sử dụng gần 62% tổng số lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

Ngày 14/9 tại Trung tâm Hội nghị Công đoàn Việt Nam, số 1A Yết Kiêu, Hà Nội, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về “Xu hướng phát triển của lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam”.

Hình ảnh hội thảo “Xu hướng phát triển của lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam”. (Ảnh: Ngọc Bích).
Hình ảnh hội thảo “Xu hướng phát triển của lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam”. (Ảnh: Ngọc Bích).

Tới tham dự hội thảo có ông Trần Văn Thuật – Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó giáo sư Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuật – Phó Tổng phụ trách Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội, Phó giáo sư Cao Văn Sâm – Phó tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Tiến sĩ Trần Thị Minh Phương – Trường Đại học Lao động và Xã Hội … cùng đông đảo các đại biểu đến từ các trường đại học, ban ngành đoàn thể.

Hội thảo thu hút đông đảo khách tham dự (Ảnh: Ngọc Bích).
Hội thảo thu hút đông đảo khách tham dự (Ảnh: Ngọc Bích).

Tại đây, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuật – Phó Tổng phụ trách Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội đã có những trao đổi về định vị xu hướng phát triển của lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước tại Việt Nam đến năm 2030. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuật – Phó Tổng phụ trách Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội (Ảnh: Ngọc Bích).
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuật – Phó Tổng phụ trách Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội (Ảnh: Ngọc Bích).

Theo đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là hai loại hình doanh nghiệp phân theo hình thức sở hữu ở nước ta đang diễn ra theo hướng đối lập nhau xét ở 3 tiêu chí là: số lượng doanh nghiệp, tỷ trọng đóng góp vào vốn đầu tư nước ngoài và số lao động làm việc.

Cụ thể là doanh nghiệp ngoài nhà nước đang trong xu hướng giảm về cả 3 tiêu chí nêu trên, trong khi doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng gia tăng. 

Hiện nay, doanh nghiệp ngoài nhà nước đang là lực lượng chính, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp và sử dụng gần 62% tổng số lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp của cả nước.

Có thể nói, cùng với tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta, doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng ngày càng có được bước phát triển vượt bậc và giữ vị thế, vai trò động lực ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. 

Điều này không chỉ thể hiện là doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng tăng về số lượng, có đóng góp ngày càng to lớn vào tăng trưởng kinh tế, mà còn ngày càng sử dụng nhiều lao động.

Nếu như năm 2007, doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ có khoảng hơn 140 nghìn doanh nghiệp thì đến năm 2015 đã có hơn 427 nghìn doanh nghiệp, tăng gần 3 lần và chiếm 96,6% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 97%, sử dụng 62% lao động ảnh 4

Nhà trường cùng doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp ngoài nhà nước đã phát triển khá nhanh ở tất cả các vùng và các địa phương trong cả nước, nhiều chỉ tiêu kinh tế cơ bản của loại hình doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng cao hơn doanh nghiệp nhà nước như: số lao động, nguồn vốn, tài sản cố định, doanh thu…

Những điều nêu trên cho thấy, doanh nghiệp ngoài nhà nước đang là lực lượng chính, ngày càng nâng dần vai trò động lực quan trọng hơn đối với toàn bộ nền kinh tế và được cho là sẽ có vai trò quyết định trong các loại hình doanh nghiệp ở nước ta.

Vì vậy, việc phát triển loại hình doanh nghiệp này đang là vấn đề cấp thiết không chỉ để nâng cao sức mạnh nội tại của nền kinh tế nước ta nói chung, sức mạnh của doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng, mà còn để đáp ứng nhu cầu của phát triển kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nêu trên của doanh nghiệp ngoài nhà nước, những vấn đề cố hữu của doanh nghiệp nước ta nói chung.

Trong đó chủ yếu là doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng vẫn còn chưa được giải quyết như: năng suất lao động thấp, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, công nghệ còn lạc hậu, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu vắng lực lượng doanh nghiệp có quy mô đủ lớn để hội nhập và tạo sức phát triển lan tỏa mạnh trong nền kinh tế nói chung, đến các địa phương nói riêng.

Từ những điều nêu trên, có thể nói, sự phát triển của doanh nghiệp ngoài nhà nước đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen nhau.

Trong đó cơ hội nhiều hơn thách thức và giữa chúng có thể chuyển hóa cho nhau từ chính nội lực của mỗi doanh nghiệp…

Số liệu thống kê hàng năm cho thấy, số lao động có việc làm trong thành phần kinh tế ngoài nhà nước của nước ta năm 2016 là gần 46 triệu người.

Trong đó lao động làm việc trong doanh nghiệp ngoài nhà nước ước tính khoảng hơn 8,4 triệu lao động, chiếm trên 18% tổng số lao động có việc làm trong thành phần kinh tế này.

Xét ở góc độ lao động làm công ăn lương, loại hình lao động này ở nước ta đang trong xu hướng gia tăng năm sau cao hơn so với năm trước và tăng nhanh hơn kể từ năm 2014, bình quân mỗi năm tăng 765 nghìn người trong giai đoạn 2010-2016, chủ yếu là do doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 97%, sử dụng 62% lao động ảnh 5

Tương lai nền kinh tế Việt Nam trước nhiều cơ hội và thách thức

Cụ thể, số lao động làm công ăn lương của nước ta năm 2010 là 16,6 triệu người đã tăng lên 21,9 triệu người năm 2016.

Trong khi lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2010 là gần 6 triệu lao động đã tăng lên hơn 8,4 triệu lao động năm 2016, chiếm  38,3% tổng số lao động làm công ăn lương của cả nước và tăng bình quân mỗi năm khoảng 350 nghìn người trong cùng giai đoạn.

Chất lượng lao động và năng suất lao động

Chất lượng lao động là một trong những nhân tố cơ bản phản ánh và tác động đến năng suất lao động.

Điều này có nghĩa là chất lượng lao động cao sẽ góp phần quan trọng dẫn đến năng suất lao động cao và ngược lại, đây cũng là tính khách quan trong quan hệ cùng chiều giữa chất lượng lao động với năng suất lao động.

Chất lượng lao động được thể hiện thông qua hai tiêu chí cơ bản là thể lực và trí lực của nguồn lao động (sức khỏe và trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng cần thiết để đảm đương các chức vụ trong quản lý, kinh doanh và các hoạt động nghề nghiệp).

Năng suất lao động thì phản ánh cách thức và hiệu quả sử dụng lao động,... Nói một cách bao quát, năng suất lao động phản ánh hiệu quả hoạt động sản xuất của nguồn lao động trong sản xuất.

Xét về chất lượng lao động có việc làm phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng cho thấy, lao động làm việc hàng năm không có trình độ chuyên môn kỹ thuật đang trong xu hướng giảm nhưng vẫn còn rất chậm và chiếm tỷ lệ cũng rất cao.

Về chất lượng lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tay nghề và kỹ năng của lao động trong loại hình doanh nghiệp này vẫn còn thấp, không ít doanh nghiệp đã phải tự đào tạo lao động hoặc đào tạo lại lao động theo hình thức vừa học vừa làm và điều này đang là một trong những nút thắt cơ bản trong quá trình phát triển của doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 97%, sử dụng 62% lao động ảnh 6

Tại sao chất lượng lao động của Việt Nam lại thua xa các nước khác?

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục và đào tạo của nước ta cũng còn nhiều bất cập, chất lượng đào tạo thấp hoặc đào tạo không phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống của nguồn lao động và vì vậy phấn đấu nâng cao tiền lương là yêu cầu tất yếu của nguồn lao động, mục đích này tạo động lực để nguồn lao động phát triển trình độ và khả năng lao động của mình.

Hơn nữa, lương cũng là một trong những công cụ kinh tế quan trọng nhất trong quản lý lao động, người ta dùng công cụ này để kích thích thái độ quan tâm và trách nhiệm với công việc của nguồn lao động.

Do đó, tiền lương là một nhân tố mạnh mẽ để tăng năng suất lao động, hay nói cách khác, đối với nguồn lao động, tiền lương là khoản thu nhập chính, để tăng tiền lương họ phải tăng năng suất lao động...

Xu hướng phát triển

Doanh nghiệp ngoài nhà nước đang ở trong xu hướng ngày càng phát triển, với tốc độ ngày một mạnh hơn, đặc biệt là sẽ có sự gia tăng mạnh về số lượng doanh nghiệp.

Do đó, tất yếu sẽ kéo theo xu hướng phát triển của lao động trong thời gian tới trên hai bình diện là nhu cầu sử dụng lao động của loại hình doanh nghiệp này ngày một nhiều hơn và chất lượng lao động cũng đòi hỏi ngày càng cao hơn do chính thực tiễn phát triển của doanh nghiệp ngoài nhà nước đặt ra.

Cầu lao động đến năm 2030

Số lao động làm việc trong doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ đạt khoảng 12.845 nghìn người vào năm 2022, 16.020 nghìn người vào năm 2026 và 19.400 nghìn người vào năm 2030.

Tính bình quân hàng năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cầu lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ tăng bình quân 733 nghìn lao động/năm.

Ngọc Bích