Đọc nhanh tối 3/5: TĐ Hoàng Anh Gia Lai đang nợ ai 11.600 tỷ đồng?

03/05/2012 19:53
P.T (Tổng hợp)
(GDVN) -Việc nợ một số ngân hàng của HAG đang là điểm đáng chú ý của một số thông tin kinh tế chiều tối ngày hôm nay, cụ thể những "chủ nợ" của HAG là ai?


Hoàng Anh Gia Lai đang nợ những ai 11.600 tỷ đồng?

Thông tin từ báo Nguoiduatin, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đang có hệ số tổng nợ phải trả là 15.493 tỷ đồng, bằng 63% tổng tài sản, số liệu này được cụ thể hóa rõ ràng trong báo cáo tài chính năm 2011. Trong đó các khoản nợ phải chịu lãi suất là 11.622 tỷ đồng, bao gồm các khoản vay ngân hàng, trái phiếu thông thường và trái phiếu chuyển đổi. Nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng hơn 27,5%.

BIDV là "chủ nợ" lớn nhất của HAG với giá trị các koản vay là 2.640 tỷ, gồm 410 tỷ vay ngắn hạn và 2.230 tỷ vay dài hạn.

Công ty của bầu Đức đang nợ lên đến 11.600 tỷ đồng?
Công ty của bầu Đức đang nợ lên đến 11.600 tỷ đồng?

Trong năm 2011, HAG phải trả 464 tỷ chi phí lãi vay, trong quý I/2012, số lãi phải trả là 200 tỷ đồng. Cơ cấu thời gian vay dài hạn của HAG chủ yếu là trên 10 năm. Hai khoản vay của BIDV có thời hạn trả thấp đều vay cho các dự án bất động sản.

Chứng khoán tiếp tục mất giá

Theo ghi nhận của báo điện tử VNmedia, sau những ngày nghỉ lễ dài 30/4 - 1/5, thị trường chứng khoán trong nước đã diễn ra trong không khí thực sự chán chường, nhà đầu tư tỏ thái độ thận trọng muốn tạm rời xa sàn giao dịch.

Tại sàn TP.HCM thị trường đã giao dịch kém khi thế ngay từ đầu phiên. Lực cầu trên sàn diễn ra khá yếu, khi áp lực bán gia tăng mạnh trên sàn, đẩy giá cổ phiếu giảm dần.

Chỉ số Vn-Index đuối sức và lao xuống mức 470,54 điểm, giảm 1,92 điểm, tương đương 0,41 % khi khép lại đợt làm việc thứ nhất. Khối lượng giao dịch đạt 5,4 triệu đơn vị, tương đương 70,54 tỷ đồng.

Cuối phiên chiều nay, chỉ số Vn-Index đứng ở mức 468,8 điểm, giảm 3,66 điểm, tương đương 0,77%. Khối lượng giao dịch đạt 103,8 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 1.572,43 tỷ đồng. Chỉ số HNX-Index đứng ở mức 79,69 điểm, tăng nhẹ 0,34 điểm, tương đương 0,43%. Khối lượng giao dịch đạt 94,4 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 938,48 tỷ đồng.

Thủ tưởng yêu cầu lùi thời điểm thu phí bảo trì đường bộ

Chiều tối ngày 3/5, báo Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đưa tin,  Chính phủ vừa giao liên bộ Giao thông Vận tải - Tài chính nghiên cứu lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ đến ngày 1/1/2013.

Trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các ngành nghiên cứu có thể lùi thu quỹ bảo trì đường bộ đến 1/1/2013. Bởi đời sống của người dân đang gặp nhiều khó khăn, nếu thu phí từ ngày 1/6 tới sẽ ảnh hưởng đến dân. Sau khi các bộ báo cáo, Thủ tướng sẽ quyết định thời điểm thu phí.

Trước đó, dự thảo thông tư về quỹ bảo trì đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra mức phí bảo trì với ôtô theo 8 nhóm, với mức thu 180.000-1.440.000 đồng/ tháng. Với xe máy là từ 80.000-180.000 đồng/năm.

Niềm tin tiêu dùng xuống thấp nhất kể từ 2010

Thời báo Kinh tế Sài gòn cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng của Việt Nam trong quí 1/2012 hạ xuống mức thấp nhất kể từ quí 3/2010 do lo ngại về tình hình kinh tế khó khăn, theo báo cáo công bố hôm 3/5 của Nielsen.

Theo báo cáo, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam giảm 5 điểm so với quí trước, xuống mốc 94 điểm trong quí 1/2012. Khảo sát của Nielsen còn cho thấy cứ mỗi 4 người tiêu dùng được hỏi thì có đến 3 người (73%) cho rằng hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để mua sắm.

Người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ thái độ bi quan khi có tới 61% người được hỏi cho rằng Việt Nam đang gặp khủng hoảng kinh tế, giảm từ 66% trong quí trước và không thay đổi so với cùng kỳ 2011. 68% cho rằng Việt Nam sẽ khó thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trong 12 tháng tới, tăng 3% so với quí 4/2011.

Khảo sát trực tuyến toàn cầu của Nielsen bao gồm khảo sát niềm tin của người tiêu dùng trực tuyến toàn cầu  được bắt đầu thực hiện từ năm 2005.


Doanh nghiệp bưu chính đề xuất thành lập Hiệp hội bưu chính

Báo Vnexpress.net cho hay 44 doanh nghiệp bưu chính trong nước đang đối mặt với cuộc cạnh tranh thị phần của 4 công ty truyền phát nước ngoài là FedEx, UPS (Mỹ), TNT (Hà Lan) và DHL (Đức). Ông Lương Ngọc Hải, Tổng giám đốc Viettel Post nêu vướng mắc gần đây nhất khi giá xăng tăng liên tiếp nhưng cước bưu chính vẫn "giậm chân tại chỗ".

Những thách thức mà các doanh nghiệp bưu chính đang gặp phải chi phí nhiên liệu đắt lên, cước vận tải đều đồng loạt tăng, nhưng những đơn vị bưu chính vẫn phải "nhìn nhau" và mãi đến cả tháng sau mới có thể điều chỉnh giá.

Trước những khó khăn của ngành bưu chính trong nước, các doanh nghiệp đề xuất thành lập Hiệp hội bưu chính Việt Nam. Ảnh VNE
Trước những khó khăn của ngành bưu chính trong nước, các doanh nghiệp đề xuất thành lập Hiệp hội bưu chính Việt Nam. Ảnh VNE

Ngoài ra, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này hiện nay được đào tạo quá ít, trong khi các trường, các ngành đều chỉ chú trọng đến viễn thông. Điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bưu chính trong tương lai.

Trước hàng loạt khó khăn đó, ông Lương Ngọc Hải  đề xuất thành lập hiệp hội bưu chính. Điều này nhằm hợp tác sử dụng chung hạ tầng, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ cũng như ban hàng điều lệ chung, quy định giá sàn, tránh tình trạng công ty "chui" phá giá mà không đảm bảo chất lượng...

P.T (Tổng hợp)