Đồng rúp đang hồi phục: Những bước đi chiến lược của Nga

31/12/2014 07:29
Lâm Giang
(GDVN) - Nhu cầu cấp bách đối với ngoại tệ đã đi qua và các nhà quản lý tài chính, kinh tế Nga đã học được cách giữ biến động của đồng rúp trong sự kiểm soát.

Đồng rúp đã tìm thấy sự ổn định xung quanh ngưỡng trên 50 rúp đổi 1 USD sau những ngày biến động mạnh, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Alexie Ulyukayev nói với truyền thông trong nước hôm cuối tuần vừa qua. 

Theo ông, đỉnh cao của nhu cầu cấp bách đối với ngoại tệ đã đi qua và các nhà quản lý tài chính, kinh tế Nga đã học được cách giữ biến động của đồng rúp trong sự kiểm soát.

Tỷ giá đồng rúp đã tăng trở lại do các động thái tích cực nhằm ổn định thị trường tiền tệ của chính phủ Nga.
Tỷ giá đồng rúp đã tăng trở lại do các động thái tích cực nhằm ổn định thị trường tiền tệ của chính phủ Nga.

Đồng rúp đã đánh dấu sự trở lại của nó sau khi bị mất gần 50% giá trị so với USD và Euro hồi đầu tháng này buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải ra quyết định khẩn cấp trong đêm tăng lãi suất cơ bản lên đến 17%. 

Sau động thái này, đồng rúp từ ngưỡng 80 rúp/USD và 100 rúp/Euro đã tụt trở lại mức 70 rúp/USD hôm 16/12 và xuống còn 51 rúp/USD trong cuối tuần qua. Trong phiên giao dịch ngày 29/12, rúp đạt ngưỡng 56 rúp/USD. Dự kiến, tỉ giá đồng rúp sẽ vẫn tương đối ổn định ở mức trên 50 rúp/USD trong một thời gian nữa, Forbes cho biết. 

Bộ trưởng Ulyukayev đổ lỗi cho sự biến động tỷ giá đồng rúp với các ngoại tệ mạnh gần đây là do nhu cầu thanh toán nợ nước ngoài ngắn hạn của nhiều công ty Nga.

"Nó gây ra áp lực quá mức trên thị trường trong nước và tạo ra một vấn đề về tỷ giá tiền tệ. Đây là một sự bất khả kháng", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Komsomolskaya Pravda công bố hôm 27/12. "Tháng 1 tới là tháng rất thoải mái cho chúng ta, và chúng tôi đã chuẩn bị cho tương lai", ông nói thêm.

Do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây khiến khả năng truy cập vào các thị trường quốc tế bị hạn chế, nhiều công ty của Nga đã buộc phải đổi tiền dự trữ lấy ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ bằng USD và Euro. Nhu cầu đồng USD và Euro trong Nga gia tăng đột biến trong tháng này.

Để khắc phục tình trạng khan hiếm ngoại tệ dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chợ đen, đầu tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga đã tung ra khoản hỗ trợ 30 tỉ rúp (gần 500 triệu USD) để giải cứu Bank Trust khỏi nguy cơ phá sản do các đợt rút tiền ồ ạt. 

Chính phủ Nga cũng vừa công bố những bước đi mới để vực dậy ngành ngân hàng. Thủ tướng Dmitry Medvedev vừa ký một nghị định cung cấp tổng cộng 1 nghìn tỷ rúp ($ 19,6 tỉ USD) để giải cứu các ngân hàng Nga. Danh sách các ngân hàng và số tiền mà mỗi người sẽ nhận được dự kiến sẽ được công bố vào giữa tháng 1, theo ABC News dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov hôm 29/12 cho biết.

Đồng rúp đã bắt đầu ổn định trở lại sau vài ngày bất ổn nhờ Moscow đã nỗ lực trấn an thị trường.
Đồng rúp đã bắt đầu ổn định trở lại sau vài ngày bất ổn nhờ Moscow đã nỗ lực trấn an thị trường.

Phụ thuộc ngân hàng Nga vào phương Tây không nên bị phóng đại. Đây là những tổ chức lớn với vốn trong nước dồi dào, và Ngân hàng Trung ương Nga có đủ dự trữ để cứu trợ nếu cần thiết để ngăn chặn tình trạng sụp đổ hàng loạt. Nga có khoảng 340 tỉ USD dự trữ ngoại tệ, Bộ trưởng Ulyukayev nói thêm.

Tổng số nợ nước ngoài của ngành ngân hàng vào cuối quý III là hơn 190 tỷ USD, chiếm 22% tổng nợ nước ngoài của Nga, The Economist trong tháng này cho biết. 

Đồng rúp đã bắt đầu ổn định trở lại sau vài ngày bất ổn nhờ Moscow đã nỗ lực trấn an thị trường, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhận định thêm. 

Theo tờ Financial Times của Anh hôm 25/12, người Nga đã bình tĩnh hơn và tâm lí sợ hãi dẫn tới rút tiền ồ ạt đã tạm lắng lại, tiền tệ đã tìm được sự cân bằng. 

Tuy nhiên, Boris Schlossberg - Giám đốc chiến lược tiền tệ tại BK Asset Management, nói với CNBC rằng vận may của Nga trong năm tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu.   

"Nếu giá dầu duy trì ở mức 50 USD/thùng trong một năm thì nó thực sự sẽ tạo ra một áp lực rất lớn cho Nga", ông nói./.

Lâm Giang