Dự báo nợ công Việt Nam tăng 60% GDP, lạm phát tăng 6,5% năm 2016

25/03/2015 11:54
Mai Anh (tổng hợp)
(GDVN) - Việt Nam có thể đối mặt với rủi ro khi nợ công và lạm phát tăng cao năm 2016, yếu tố tác động đến việc tăng nợ công và lạm phát do biến động giá xăng dầu.

Theo đó tại buổi họp báo cập nhật tình hình phát triển kinh tế ngày 24/3, chuyên gia kinh tế nhà nước của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Dominic Mellor nhận định, Việt Nam có thể đối mặt với những rủi ro về nợ công khi thâm hụt ngân sách dự báo sẽ tăng.

Theo số liệu của ADB, từ năm 2010 đến 2014, tài trợ và thu ngân sách TƯ tại Việt Nam giảm từ 27,6% GDP xuống khoảng 21,5% GDP. Việc giá dầu giảm cũng tác động tới số thu thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp; dự báo nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng đến 60%.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB tại Việt Nam cũng dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ 6,1% vào năm 2015 và 6,2% năm 2016.

Dự báo nợ công sẽ tăng lên 60% GDP năm 2016 (ảnh nguồn Vietnamnet)
Dự báo nợ công sẽ tăng lên 60% GDP năm 2016 (ảnh nguồn Vietnamnet)

Trong khi đó, lạm phát dự kiến ở mức 2,5% năm 2015 và sẽ nhanh chóng tăng lên mức 4% vào năm 2016 khi cầu trong nước và giá dầu thế giới đều tăng.

Trước đó tại Kỳ hợp thứ 8 - Quốc hội khóa 13, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề nợ công của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Nợ công của quốc gia là vấn đề hệ trọng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đặc biệt quan tâm", Vneconomy trích văn bản trả lời của Thủ tướng.

Đưa ra những diễn giải về lý do tăng nợ công, Thủ tướng khẳng định từ năm 2010, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015.

"Mức nợ công này vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên Thủ tướng cũng nhìn nhận là nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng.

Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng chi đầu tư giảm; bội chi còn cao.  

"Thực trạng này gây lo lắng, bức xúc trong xã hội; nếu chủ quan, buông lỏng, không tiếp tục chủ động kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô", Thủ tướng nhìn nhận.

Từ thực trạng trên Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung thực hiện tốt các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính đúng tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch.

Rà soát, thẩm định, đánh giá tác động lên nợ công của các chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương ngay từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn vay.

Mai Anh (tổng hợp)