Du lịch Đà Nẵng đã vượt qua "nỗi sợ hãi"… 17 con cá chết

29/04/2016 07:16
Việt Hoài
(GDVN) - Điều mà Đà Nẵng, Thừa thiên-Huế làm được chính là đã vượt qua nỗi “sợ hãi trong tâm tưởng” vốn đã ăn vào tiềm thức của không ít người có trách nhiệm trước dân.

17 con cá chết được người dân phát hiện ở bãi biển Đà Nẵng.

Tin báo tới chính quyền, lập tức Sở Tài nguyên - Môi trường tiến hành lấy mẫu nước biển ở một số địa bàn, để kiểm tra xem độc tố làm cá chết đã đến biển Đà Nẵng chưa?

Chỉ hai ngày sau, kết quả đã khiến cả người dân và chính quyền Đà Nẵng thở phào. Biển Đà Nẵng vẫn an toàn - dù cách Vũng Chuối ( Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế), điểm cuối của thảm họa cá chết hàng loạt - có hơn 30km mà thôi.

Một con cá chình chết trong tình trạng đang phân hủy, dạt vào bãi biển Nam Ô sáng 27/4. Ảnh: Nguyễn Đông - VnExpress.
Một con cá chình chết trong tình trạng đang phân hủy, dạt vào bãi biển Nam Ô sáng 27/4. Ảnh: Nguyễn Đông - VnExpress.

Người dân Đà Nẵng cũng đang cùng gánh chịu thảm họa cá chết đồng loạt. Tiểu thương bán hải sản thì ế ẩm, khách du lịch thì hủy tour.

Thế mạnh của Đà Nẵng là du lịch. Năm 2015, nguồn thu từ du lịch là 12.768 tỷ đồng, nhưng chưa bước vào mùa cao điểm mà khách đã ngần ngại… vì sợ là chính.

Nhưng với cách sòng phẳng với sự thật, minh bạch thông tin đã giúp Đà Nẵng nhanh chóng thoát khỏi nghi ngờ, đồn thổi, khủng hoảng truyền thông.

Chỉ sau ngày đã có kết quả kiểm tra mẫu nước biển. Thông số đều an toàn, nằm trong giới hạn cho phép. Thế là khách du lịch yên tâm tắm biển.

Còn hải sản thì sao? Để thực khách yên tâm, nhiều nhà hàng đã để cho khách nhìn thấy hải sản tươi sống trước khi chế biến. Du khách có thể yên tâm tắm biển, ăn hải sản.

Theo thông cáo báo chí của Đà Nẵng: Từ ngày 28/4 sẽ thực hiện quan trắc sinh học nước biển của Đà Nẵng. Sẽ lấy mẫu nước ở vùng vịnh và vùng ngoài khơi biển Đà Nẵng để thả nuôi cá.

Từ ngày 29/4 kết quả được công bố hàng ngày trên trang Thông tin điện tử của Trung tâm Kỹ thuật môi trường.

Mới đây, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế năm 2016 cũng khẳng định: Nếu du khách nào đến Huế trong dịp lễ, bị ngộ độc thực phẩm, tôi xin chịu trách nhiệm”.

Trong khi Thừa Thiên - Huế là một trong bốn tỉnh chịu thảm họa cá chết đồng loạt, nhưng có người đứng ra chịu trách nhiệm, hẳn du khách yên lòng đến với Huế, với Đà Nẵng hơn nhiều.

Cũng là một lời mời “yên tâm tắm biển, ăn cá Vũng Áng” của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Đặng Ngọc Sơn thì lại vấp phải sự phản ứng của dư luận.

Người dân mời ông tắm trước, ăn cá trước để dân yên tâm thì lại chẳng thấy vị Phó Chủ tịch đáp lời.

Dư luận phản ứng vì lời mời nhưng không có “lời chịu trách nhiệm”.

Nếu như các địa phương Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và các bộ ngành có trách nhiệm về cá chết mà làm được như Đà Nẵng, như Trưởng Ban tổ chức Festival Huế thì người dân thấy được chính quyền, cơ quan nhà nước đang sát cánh cùng họ qua cơn hoạn nạn.
 
Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đến vùng biển Vũng Áng lấy mẫu nước và mẫu trầm tích, để tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt thời gian qua.

Bộ trưởng nói rằng: “Đây là một thảm họa môi trường hết sức nghiêm trọng, lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Các bộ, ngành mặc dù có những sự nỗ lực, nhưng việc điều phối triển khai sự cố chưa có kinh nghiệm, lúng túng.

Việc xử lý còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của bà con cũng như giới truyền thông. Với tư cách là bộ trưởng, tôi xin nhận khuyết điểm trước sự việc này”.

Đây cũng là bài học đắt giá trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông.

Điều mà Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế làm được, chính là đã vượt qua nỗi “sợ hãi trong tâm tưởng” vốn đã ăn vào tiềm thức của không ít những người có trách nhiệm trước dân.

Việt Hoài