Đường đi của 4.003 m2 đất thành 118 nhà công vụ

31/03/2012 20:00
Theo Phunutoday
Hiện dư luận đang xôn xao trước thông tin quỹ nhà ở dành cho tái định cư của TP được xây dựng trên đất 20% tại tòa CT1- CT2 (Green Park Tower) do Công ty Contrexim HOD làm chủ đầu tư tại khu đô thị mới Yên Hòa - Hà Nội bất ngờ được bán cho Bộ Xây dựng theo đề xuất của Bộ này. Nhìn vào lộ trình của quỹ đất qua gần 10 năm có thể thấy hành động hô biến nhà tái định cư thành nhà công vụ như thế nào.
Xin điểm lại đường đi của 4.003m2 đất (20% diện tích đất xây dựng nhà ở) thành 118 căn nhà công vụ do UBND TP. Hà Nội và Bộ Xây dựng thực hiện.
 
Ngày 12/6/2003, UBND TP Hà Nội có quyết định giao cho công ty Đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (nay là Tổng công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam - Constrexim Holdings) lô đất 57.862m2 để đầu tư xây dựng Khu nhà ở và công trình công cộng Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo Quyết định này, diện tích 4.003m2 gồm các CT1, CT2 (20% diện tích đất xây dựng nhà ở) Constrexim Holdings phải bàn giao cho Thành phố kể cả hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở, bổ sung vào quỹ nhà của Thành phố. Quyết định này được ban hành tại văn bản 3278/QĐ-UB do Phó Chủ tịch  UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn ký duyệt.
Ngày 15/9/2003, UBND TP Hà Nội có văn bản 2838/UB-XDĐT giao cho Công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Việt Nam (nay là Constrexim Holdings) làm chủ đầu tư, tổ chức nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng phục vụ công tác di dân GPMB của thành phố tại phần diện tích 20% của dự án Khu nhà ở và công trình công cộng Yên Hòa.

Dự án Green Park Tower được xây trên lô đất CT1, CT2
Dự án Green Park Tower được xây trên lô đất CT1, CT2
Ngày 6/10/2009, Phó CT UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã ký quyết định chấp thuận đầu tư dự án xây dựng Tòa nhà chung cư cao tầng CT1 - CT2 thuộc Khu nhà ở và công trình công cộng tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội trên quy mô sử dụng đất là 4.003m2 do Constrexim HOD làm chủ đầu tư.
Tại đây, TP chấp thuận cho xây dựng công trình nhà ở cao tầng (3 tầng để chủ yếu làm chức năng dịch vụ công cộng, 22 tầng thân làm nhà ở và 2 tầng hầm, 2 tầng kỹ thuật) với tổng diện tích sàn xây dựng công trình khoảng 46.023m2 tại ô đất CT1-CT2 thuộc Dự án Khu nhà ở và công trình công cộng tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy theo quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận nhằm góp phần bổ sung quỹ nhà ở trên địa bàn Thành phố (bao gồm cả nhà tái định cư).
Trong khối lượng các hạng mục chủ yếu, nội dung quyết định này cho biết: chức năng nhà ở từ tầng 4 đến tầng 25. Trong đó, từ tầng 4 đến tầng 15 tháp B bố trí chức năng làm nhà ở tái định cư với diện tích sàn xây dựng khoảng 900m2/tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10.800m2 với 118 căn hộ.
Đồng thời, TP đã giao cho Quỹ Đầu tư phát triển TP tiến hành các thủ tục đặt mua quỹ nhà 118 căn hộ tái định cư với khoảng 10.800m2 sàn xây dựng được bố trí từ tầng 4 đến tầng 15 của tòa nhà tháp B này.
Ngày 16/11/2009, UBND TP Hà Nội quyết định thu hồi 4.003m2 tại ô CT1-CT2 thuộc dự án Khu nhà ở và công trình công cộng tại phường Yên Hòa của Constrexim Holdings giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Constrexim (Constrexim HOD) làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Đây là nội dung được Phó CT UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký quyết định tại văn bản số 5894/QĐ-UBND ở thời điểm trên.
Tại quyết định này, Constrexim HOD có nghĩa vụ phải bàn giao cho TP Quỹ nhà ở tái định cư ngay sau khi công trình hoàn thành 118 căn hộ khoảng 10.800m2 sàn xây dựng được bố trí từ tầng 4 đến tầng 15 của tháp B (bằng vốn ứng trước của đơn vị).
Phần diện tích sàn còn lại trong tòa nhà này đơn vị được kinh doanh và phải nộp toàn bộ tiền sử dụng đất cho diện tích phần kinh doanh nhà ở thương mại vào ngân sách Nhà nước.


Văn bản UBND TP Hà Nội gửi Bộ Xây dựng ghi rõ đồng ý bán nhà thuộc quỹ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Văn bản UBND TP Hà Nội gửi Bộ Xây dựng ghi rõ đồng ý bán nhà thuộc quỹ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Ngày 12/3/2012, trong văn bản 1618/UBND-XD do Phó CT Nguyễn Văn Khôi ký gửi Bộ Xây dựng, trong đó có ý kiến của UBND TP Hà Nội đồng ý dành toàn bộ 10.800m2 sàn xây dựng tại dự án nhà ở CT1- CT2 (Green Park Tower) Khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội (do Công ty CP Đầu tư phát triển Constrexim làm chủ đầu tư, bàn giao cho TP để phục vụ công tác GPMB, tái định cư) bán toàn bộ cho Bộ Xây dựng theo đề xuất của Sở Xây dựng tại văn bản số 933/SXD - PTN ngày 24/2/2012.
Như vậy, sau mục tiêu tốt đẹp ban đầu là TP dành toàn bộ quỹ đất 20% (với diện tích khoảng 4.003m2) tại tòa nhà CT1-CT2 (Green Park Tower) do Công ty Constrexim HOD làm chủ đầu tư, Khu đô thị mới Yên Hòa, Hà Nội làm quỹ nhà ở dành cho công tác GPMB, tái định cư; sau một thời gian, đến nay lại được rao bán giá cao và 118 căn còn lại tương ứng với 10.800 m2 sàn xây dựng lại để đáp ứng đề xuất của Bộ Xây dựng.
Không hiểu vì sao, TP Hà Nội liên tục nói rằng thiếu nhà tái định cư cho thành phố, thậm chí, Sở Xây dựng đã đề nghị Thành phố cho xây dựng cơ chế để mua lại nhà thương mại đã xây xong của doanh nghiệp để phục vụ tái định cư.
Và rồi từ năm 2010, TP có hứa trong vòng 1 - 2 năm nữa sẽ tạo điều kiện để người được tái định cư có quyền lựa chọn một vài địa điểm phù hợp với cuộc sống của mình.
Tuy nhiên, với hành động bán quỹ đất phục vụ công tác GPMB, tái định cư vừa qua, phải chăng TP đã "tước" đi quyền lựa chọn đó của những người dân đang bị thiệt hại do công tác thu hồi đất đai?
Kỳ vọng vào Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

Chủ tịch có biết rằng, ngay sau khi Chủ tịch thông báo sẽ kiểm tra lại sự việc, chúng tôi đã mừng đến thế nào không? Bởi vì vẫn còn có lãnh đạo quan tâm đến chúng tôi, củng cố niềm tin trong lòng dân.

Thư gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

Kính chào ngài Chủ tịch!

Tôi là một người dân có nhà nằm trong diện giải phóng mặt bằng ở quận Hoàng Mai để phục vụ dự án của thành phố. Mấy ngày qua, tôi và những gia đình xung quanh tôi vô cùng bức xúc trước thông tin đất 20% của thành phố tại dự án Green Park vốn để làm nhà tái định cư, nhà xã hội cho những người dân chúng tôi lại bị biến thành nhà thương mại. Việc đó khiến chúng tôi vô cùng mất niềm tin vào chủ trương an sinh xã hội của thành phố.

Những cụ già mấy chục năm sinh hoạt Đảng trong khu nhà tôi bảo "dùng  đất20% tại các dự án lớn để phục vụ cho nhà tái định cư, nhà xã hội thì chủ trương ấy nhân văn quá". Và chính các cụ là những người bức xúc đầu tiên về thông tin đất 20% bị phù phép thành nhà thương mại.

Chúng tôi chỉ là những người dân không có quyền thế, không có tiếng nói. Sự việc mà báo chí đưa về dự án Green Park, về câu nói của ông Tuấn, phó giám đốc sở xây dựng "việc bán căn hộ tái định cư tại CT1, CT2 Yên Hòa làm nhà công vụ cũng ảnh hưởng đến quỹ nhà tái định cư, song nhu cầu về nhà công vụ cấp thiết hơn nên cần ưu tiên". Rồi lại đến văn bản của PCT TP Nguyễn Văn Khôi kí chuyển nhà tái định cư làm nhà công vụ  làm chúng tôi vô cùng hoang mang. Phải chăng, chính quyền đã bỏ qua những người dân mất nhà cửa như chúng tôi?

Chủ tịch có biết rằng, ngay sau khi Chủ tịch thông báo sẽ kiểm tra lại sự việc, chúng tôi đã mừng đến thế nào không? Bởi vì vẫn còn có lãnh đạo quan tâm đến chúng tôi, củng cố niềm tin trong lòng dân.

Tôi còn nhớ, tại một buổi họp về giải phóng mặt bằng phục vụ công tác làm công trình giao thông, chủ tịch có nhấn mạnh với các đơn vị " khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cần vận dụng chính sách linh hoạt, theo hướng có lợi nhất cho dân trên cơ sở phù hợp với quy định hiện hành. Phải lo nơi ăn chốn ở cho người dân trong diện quy hoạch đến nơi tái định cư một cách tử tế".  Và động thái thông báo với báo chí về việc sẽ kiểm tra đất 20% của dự án Green Park đã khiến chúng tôi được củng cố niềm tin vào một Chủ tịch Thủ đô liêm khiết, công bằng và yêu dân.

Chúng tôi phải hết sức vất vả để kiếm được một suất tái định cư. Trong khi đó, quỹ nhà dành cho dự án này còn thiếu trầm trọng. Vì vậy, nhà tái định cư tại Green Park Tower là giấc mơ của chúng tôi. Lấy những căn nhà đáng ra của những người dân thấp cổ bé họng, đã sẵn sàng từ bỏ tài sản của mình để phục vụ lợi ích công công để bán đi làm nhà công vụ quả là điều bất nhẫn. Phải ưu tiên những người mất đất, mất nhà vì thành phố hơn là các cán bộ nhà nước chứ? Tôi cho rằng ở đây đã có một nhóm lợi ích nào đó?

Tôi càng hiểu chắc chắn vì sao ông Nguyễn Thế Thảo đạt xấp xỉ 94% phiếu bầu và trở thành Chủ tịch UBND Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016. Và ông  là ứng viên duy nhất cho chức vụ này. Tôi tin rằng, trong nhiệm kì khi ông làm Chủ tịch, chắc chắn sẽ không còn những điều vô lý như chuyện ở dự án Green Park nữa.

Chúng tôi tin tưởng và chờ đợi ở ngài.

Thu Hoài (Quận Hoàng Mai-Hà Nội)

Có thể bạn quan tâm:
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày

Theo Phunutoday