ESCAP dự đoán kinh tế VN tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm

18/04/2013 13:52
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo đánh giá của ESCAP, dù cho tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong Quý I/2013 giảm 4,9% (giảm so với tốc độ tăng trưởng Quý IV/2012 5,4%) nhưng sẽ phục hồi vào 6 tháng cuối năm và tăng nhẹ lên đạt mức 5,5%.
Sáng ngày 18/4, Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) đã tổ chức công bố kết quả Điều tra Kinh tế - Xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2013 trong đó có Việt Nam.

Báo cáo thông tin tóm lược kết quả điều tra về Việt Nam của ESCAP khẳng định, dù cho bối cảnh có những thách thức về cơ cấu và trong từng chu kỳ nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng.
Theo đánh giá của ESCAP, hoạt động công nghiệp ở Việt Nam yếu ớt vào thời điểm đầu năm 2012, tuy nhiên về cuối năm tình hình đã được cải thiện. Cộng với việc nền kinh tế có xu hướng tăng và phát triển mở rộng khu vực dịch vụ, trong đo ngành du lịch, khách sạn nhà hàng năm 2012 tăng trưởng 20% so với năm 2011.

ESCAP công bố kết quả Điều tra Kinh tế - Xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2013.
ESCAP công bố kết quả Điều tra Kinh tế - Xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2013.

Cũng theo đánh giá của ESCAP, dù cho tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong Quý I/2013 giảm 4,9% (giảm so với tốc độ tăng trưởng Quý IV/2012 5,4%) nhưng sẽ phục hồi vào 6 tháng cuối năm và tăng nhẹ lên đạt mức 5,5%. Tuy nhiên ESCAP khẳng định, để đạt được mức độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào khả năng khôi phục lòng tin về nền kinh tế thông qua mức kiểm soát lạm phát.
Cùng với việc kiểm soát mức lạm phát cần phải khắc phục được lỗ hổng trong ngành ngân hàng. Nói cách khác, ESCAP chỉ ra rằng việc nguồn vốn phải được sử dụng đúng mục đích nhằm tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả như chỉ thị của chính phủ được thông qua tháng 2/2013. ESCAP cũng đánh giá cao trong việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam cụ thể con số lạm phát giảm từ 18,7% năm 2011 xuống còn 9,3% năm 2012.
Trong báo cáo kết quả điều tra của Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) cũng chỉ ra 4 điểm Việt Nam đã làm được để vượt qua khó khăn duy trì tốc độ tăng trưởng Kinh tế-Xã hội: Chính sách tiền tệ phải kìm giữ lạm phát mức thấp, tập trung cải cách doanh nghiệp nhà nước, xuất khẩu vẫn giữ mức tăng mạnh, chương trình bảo hiểm xã hội được mở rộng.
Tuy nhiên Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) cũng cảnh báo Việt Nam về tình hình lạm phát mức cao trong một số ngành như Y tế, Giáo dục và Giao thông sẽ khiến các hộ gia đình bậc thấp và trung có nguy cơ phải chịu giá cả tăng cao ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội. Cùng với đó là luồn vốn đầu tư trực tiếp từ nhà nước giảm sẽ khiến nguồn tiền thực hiện mục tiêu tái cơ cấu gặp khó. 
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Hoàng Lực