Gần Tết, hành khách của VNA tá hỏa phát hiện bị lừa vé bay

30/12/2013 07:28
Phạm Liễu
(GDVN) - Thời điểm giáp tết, nhiều khách hàng của hãng hàng không Vietnam Airline phát hiện bị lừa mất vé.
Phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chị V.A. (Xuân Diệu, Hà Nội) cho biết: Tháng 6/2013 vừa qua, biết được thông tin hãng hàng không Vietnam Airline có chương trình mua vé máy bay đi Malaysia giá rẻ, chị V.A đã vào website của hãng để tìm mua vé. Tuy nhiên, vì mạng quá chậm nên chị V.A không thể đặt mua được.
Đồng thời, trong khoảng thời gian đó, chị V.A có biết đến đại lý máy bay Mybay với tên gọi: Công ty TNHH Mybay, trú tại địa chỉ 6N, cư xá Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Ngay sau đó, chị V.A đã liên hệ với đại lý Mybay và đặt vấn đề tìm mua vé đi Malaysia. Phía đại lý máy bay Mybay đã tìm được vé giá rẻ cho chị V.A với giá trị 10.402.000 đồng.
Ngày 27/6, chị V.A đã hoàn thành thủ tục thanh toán tiền cho phía địa lý Mybay. Phía đại lý đã xuất hóa đơn thu tiền cho chị V.A. Được biết, trong hóa đơn người lập phiếu có tên Bùi Thị Mỹ Duyên, cùng với kế toán trưởng tên Hoàng Xuân Trường.
Cận tết, nhiều khách hàng "té ngửa" vì biết vé máy bay của mình bị các đại lý "ma" lừa mất.
Cận tết, nhiều khách hàng "té ngửa" vì biết vé máy bay của mình bị các đại lý "ma" lừa mất.
Tuy nhiên, đến gần ngày bay vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2013, chị V.A đã cẩn thận check lại vé với phía đại lý máy bay Mybay thì điện thoại không liên lạc được, email gửi bị trả lại vì phía đại lý đã khóa tài khoản. Lập tức, chị V.A kiểm tra với đại lý máy bay của Vietnam Airline thì được biết vé của gia đình chị đã bị hoàn trả từ tháng 9/2013 mà không hề hay biết. 
Đồng thời, chồng chị V.A là anh T.T có kiểm tra mã số thuế của đại lý Mybay như trên hóa đơn thì được biết, đại lý này đã không đóng thuế từ tháng 8/2013.
“Tôi muốn đưa sự việc của mình ra để cảnh báo cho mọi người được biết và cẩn thận khi có nhu cầu đặt mua vé máy bay của các đại lý. Bởi nếu khách hàng mua phải những địa lý máy bay “ma” không những bị lừa đảo mất một số tiền lớn mà còn bị ảnh hưởng rất nhiều đến lịch trình đi, công việc. Đồng thời, tôi kính mong hãng hàng không Vietnam Airline có những biện pháp giải quyết triệt để, nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng”, chị V.A chia sẻ.
Được biết, trường hợp bị các địa lý “ma” lừa tiền vé máy bay như chị V.A không phải duy nhất. Trước đó, VTV đã phản ánh về trường hợp của anh Trung, một người làm việc tại TP.HCM mua vé máy bay về quê ăn tết nhưng đã bị lừa mất. Anh Trung cho biết, trong một lần lướt web, vô tình đọc được thông tin rao bán vé máy bay Tết của một người bạn làm quen trên facebook. Người này cam kết sẽ tìm được một vé máy bay giá rẻ hơn giá vé chính hãng. 
Sau khi so sánh, anh Trung quyết định đặt vé rồi gọi điện với tổng đài của hãng để đối chiếu, thấy trùng khớp thông tin, anh Trung mới chuyển tiền cho người bạn. Nhưng hai ngày sau gọi điện kiểm tra lại, anh Trung "té ngửa" vì bị mất tiền và không hề có vé.
Lần tìm vào trang facebook của người bán, anh Trung phát hiện ra rằng không chỉ riêng anh mà còn khoảng 4, 5 người khác cũng bị lừa. Anh Trung cho biết, thủ đoạn lừa bán vé máy bay của người này khá tinh vi, không phải yêu cầu đặt vé nào cũng được chấp nhận mà chỉ lựa chọn một số giờ bay, ngày bay nhất định. Cách này đã khiến cho những người từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực đặt vé máy bay trên mạng như anh Trung cũng bị sập bẫy.
Theo đó, thủ đoạn chung của những kẻ lừa đảo là nhận đặt vé với hãng hàng không Vietnam Airlines theo tên và ngày giờ khách yêu cầu rồi thanh toán như bình thường để khi khách hàng kiểm tra với tổng đài, đối chứng thông tin thì hoàn toàn chính xác.


Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, biết chắc rằng khách hàng đã kiểm tra với tổng đài về thông tin của vé, những kẻ lừa đảo sẽ lặng lẽ gọi điện yêu cầu đến hãng bay và yêu cầu hoàn vé. Đương nhiên, họ chấp nhận đóng một khoản tiền phạt gọi là tiền bồi hoàn vé, nhưng bù lại sẽ được hưởng trọn vẹn khoản tiền chênh lệch giữa tiền thu của khách và tiền phí hồi hoàn.

Phạm Liễu