"Gạt" nợ doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi nợ công để tránh ỷ lại

03/06/2017 06:29
Mai Anh
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi nợ công để giảm gánh nặng trả nợ cho Chính phủ đồng thời phát huy tính tự chủ của doanh nghiệp.

“Gạt” nợ doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi nợ công

Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) không chỉ là vấn đề nóng trên nghị trường Quốc hội những ngày qua mà còn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Sở dĩ nợ công nhận được sự quan tâm lớn bởi con số nợ công chúng ta đang ngày một phình to, kèm theo đó là gánh nặng trả nợ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính đến cuối năm 2016, nợ công nước ta ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu Ngân sách Nhà nước.

Nguyên nhân khiến nợ công nước ta ở mức cao và gia tăng do Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài, đến khi doanh nghiệp thua lỗ, Chính phủ buộc phải đứng ra trả nợ.

Vấn đề được quan tâm hiện nay là việc: Có nên “gạt” nợ doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi nợ công?

Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) được thảo luận trên nghị trường Quốc hội thu hút sự quan tâm của dư luận - ảnh minh họa/ nguồn Báo Tuổi Trẻ.
Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) được thảo luận trên nghị trường Quốc hội thu hút sự quan tâm của dư luận - ảnh minh họa/ nguồn Báo Tuổi Trẻ.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Tôi nhất trí với quan điểm không đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công để doanh nghiệp Nhà nước phải tự chịu trách nhiệm.

Đồng thời tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế thị trường cũng như hạn chế tính ỷ lại vào Chính phủ của doanh nghiệp Nhà nước khi làm ăn kém hiệu quả hay thua lỗ”.

Nợ doanh nghiệp Nhà nước hiện nay đang mức cao, báo cáo ngày 11/1/2015 của Chính phủ cho thấy, nợ nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lên đến hơn 300 nghìn tỷ đồng. 

Trong đó, vay ODA của Chính phủ 117.986 tỷ đồng, vay lại nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 124.104 tỷ đồng và các tập đoàn tổng công ty tự vay tự trả là 91.879 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ bảo lãnh rất cao.

Tiến sĩ Hồ phân tích, doanh nghiệp Nhà nước có nhiều vấn đề dẫn tới làm ăn không hiệu quả cần phải cải cách. Tiêu biểu là 12 dự án thua lỗ yếu kém của ngành Công Thương. Trong 12 dự án hiện nay 6 dự án đã dừng lại rồi, 6 dự án đang phải xử lý. 

Yếu kém của doanh nghiệp Nhà nước như vậy nếu đưa nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công đồng nghĩa hàng năm Chính phủ phải chi thêm ngân sách để trả nợ.

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ảnh: H oàng Lực
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ảnh: H oàng Lực

“Trong Luật quản lý nợ công (sửa đổi) cần quy định không đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công, điều đó có nghĩa từ nay về sau doanh nghiệp Nhà nước phải tự vay phải tự trả, Chính phủ không trả nợ thay. 

Trường hợp doanh nghiệp cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm đồng thời tính đến phá sản, bán tài sản của doanh nghiệp để trả nợ. Trong trường hợp bán tài sản vẫn không đủ trả nợ Nhà nước mới vào cuộc xử lý.  

Tuy nhiên với khoản vay tồn tại từ trước đây do chưa quy định rạch ròi nên cũng cần phải tính toán trách nhiệm của nhà nước ở trong đó”, Tiến sĩ Hồ cho biết. 

Giảm bảo lãnh Chính phủ

Cũng liên quan đến vấn đề dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng khoa Chính sách công (Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Trong bối cảnh nợ công ngày càng cao và vấn đề quản lý nợ công còn nhiều bất cập thì việc Quốc hội thảo luận tiến tới ban hành Luật quản lý nợ công (sửa đổi) rất cần thiết. Trong đó cần phải quy định rõ không đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công”.

Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ cho rằng, nợ doanh nghiệp Nhà nước hiện đang ở mức báo động, sắp xếp như thế nào trong bối cảnh nợ công quốc gia tăng, ngân sách eo hẹp là vấn đề không dễ giải quyết.

"Gạt" nợ doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi nợ công để tránh ỷ lại ảnh 3

Đề nghị truy trách nhiệm cá nhân nếu có thất thoát, lãng phí

Theo Phó Giáo sư Thọ hiện đang có hai quan điểm: Thứ nhất, “gạt” nợ doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi nợ công để giảm nợ công quốc gia, giảm gánh nặng trả nợ;

Thứ hai, doanh nghiệp Nhà nước đều do Nhà nước quyết hết từ nhân sự cho đến chiến lược sản xuất kinh doanh thậm chí còn phải làm nhiệm vụ chính trị - xã hội... Cho nên hiệu quả kinh doanh ra sao Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm.

“Hai quan điểm mỗi cái đều có lý lẽ riêng, tuy nhiên cần phải phân tách các khoản nợ doanh nghiệp Nhà nước từ trước đến khi Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) ra đời và sau khi luật chính thức ban hành để xử lý giải quyết.

Theo tôi với khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước trước đây do không rạch ròi trách nhiệm trả nợ nên khi “con vay” – tức doanh nghiệp Nhà nước đi vay thì cuối cùng “bố, mẹ” - chính là Nhà nước vẫn phải lo lắng. 

Trong việc xử lý khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước trước đây cần làm rõ và xử lý trách nhiệm cá nhân đứng đầu doanh nghiệp, trách nhiệm của bộ, ngành quản lý doanh nghiệp.

Khi xử lý nợ nên phân loại khoản nợ và căn cứ vào tình hình của doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, dự án quá yếu kém nên tính đến cho phá sản, thanh lý tài sản để trả nợ.

Riêng với khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước từ nay về sau, trừ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh còn lại doanh nghiệp phải tự vay, tự trả, Chính phủ không có trách nhiệm trả nợ thay”, Phó Giáo sư Thọ cho biết.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng khoa Chính sách công (Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - ảnh: Hoàng Lực.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng khoa Chính sách công (Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - ảnh: Hoàng Lực.

Theo Phó Giáo sư Thọ, sở dĩ nợ công quốc gia tăng vì Chính phủ đang bảo lãnh vay nợ nước ngoài cho doanh nghiệp Nhà nước quá nhiều.

Báo cáo của Bộ Tài chính ngày 1/3/2017 cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2015, tổng trị giá cấp bảo lãnh Chính phủ đạt 568,5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp, ngân hàng chính sách tiếp cận được với các nguồn vốn vay dài hạn trong và ngoài nước thực hiện chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn. 

Phó Giáo sư Thọ chỉ rõ, hầu hết các dự án đầu tư mà Chính phủ bảo lãnh thời gian qua đều là những dự án của doanh nghiệp Nhà nước. Trong khi đó, rất nhiều dự án của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, thua lỗ lớn.

Điển hình như việc Chính phủ phải bảo lãnh nợ Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC - tiền thân của Vinashin) dự kiến nợ dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới 63,2 nghìn tỷ đồng.

Tương tự là dự án bột giấy Phương Nam, sau 10 năm đầu tư số tiền gần 3.000 tỷ đồng đầu tư trong đó bao gồm vốn vay trong nước 1.952 tỷ đồng và vốn vay nước ngoài là 968 tỷ đồng - do Bộ Tài chính bảo lãnh đến nay dự án không có khả năng thu hồi vốn và Chính phủ đang phải trả nợ thay cho dự án.

Bên cạnh việc gây ra nợ công tăng cao, bảo lãnh nợ còn cho doanh nghiệp Nhà nước còn tạo nên sự bất công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp, mất công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

“Bên cạnh quy định không đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) cũng cần quy định để giảm tối đa bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp Nhà nước đi vay vốn”, Phó Giáo sư Thọ nói.

Mai Anh