Giấc mơ mới của TGĐ FPT Trương Gia Bình

25/06/2013 13:52
The o Nhịp cầu đầu tư
Ở tuổi 25, FPT lại đang chập chững những bước đầu tiên vào thế giới của các công nghệ phức tạp như điện toán đám mây, hay dữ liệu lớn, giống như 15 năm trước họ đã dám vượt qua tự ti yếu công nghệ của người Việt Nam để tiến vào ngành phần mềm. Và một khi giấc mơ phần mềm đã phần nào thực hiện được, nhà lãnh đạo Trương Gia Bình có quyền hy vọng vào giấc mơ đám mây trong 20 năm tới.
Quay trở lại chiếc ghế Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trương Gia Bình đang vẽ lại con đường tăng trưởng tiếp theo cho FPT. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, từ Cloud (điện toán đám mây) được ông Bình nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Theo ông, lĩnh vực này chính là tương lai của thế giới và FPT không thể đứng ngoài tương lai đó.
Từ giấc mơ phần mềm
Cuối những năm 1990, cùng với sự xuất hiện của một vài công ty gia công phần mềm của các Việt kiều về thành lập trong nước, cụm từ xuất khẩu phần mềm xuất hiện và nhanh chóng trở thành một lĩnh vực thời thượng. Vào thời điểm đó, xuất khẩu phần mềm được xem như một cứu cánh để các công ty công nghệ thông tin non nớt của Việt Nam bước chân ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, sau những háo hức ban đầu, các doanh nghiệp phần mềm Việt nhanh chóng nhận ra xuất khẩu phần mềm có lẽ vẫn là giấc mơ lãng mạn của người Việt Nam khi thị trường này đã bị các công ty phần mềm Ấn Độ chiếm giữ. Năm 1998, FPT bắt đầu tính chuyện xuất khẩu phần mềm, nhưng đã không gặt hái được thành công như mong đợi trong những thương vụ đầu tiên tại Ấn Độ và Mỹ. Tấn công châu Âu cũng thất bại. Sau 2 năm xuất khẩu sang các thị trường này, năm 2000, doanh thu mảng này của FPT đạt trên 400.000 USD, nhưng tổng số tiền bỏ ra đầu tư đã lên đến 920.000 USD.
TGĐ FPT Trương Gia Bình.
TGĐ FPT Trương Gia Bình.
Sau 2 lần thất thủ tại Ấn Độ và Mỹ, các nhà lãnh đạo FPT thời điểm đó bắt đầu nhận ra rằng, cần phải có cách đi riêng chứ không chỉ đơn thuần đi theo con đường của các cường quốc về xuất khẩu phần mềm. Và muốn thành công, con đường xuất khẩu phần mềm của FPT đâu đó sẽ là giữa mô hình của Ấn Độ và Israel. Theo kế hoạch ban đầu, các nhà lãnh đạo của FPT đã nghĩ rằng sau khi thành công ở Mỹ và châu Âu, họ mới tiến sang Nhật, vì Nhật là thị trường khó nhất. Tuy nhiên, sau thất bại đó, ông Bình cùng các đồng sự đã họp bàn và quyết định liều mình tìm đường sang Nhật cho dù một chữ tiếng Nhật bẻ đôi không biết, như lời ông kể lại. Cơ duyên đã đến khi ông Nishida, lúc đó là Tổng Giám đốc của Sumitomo, một người rất yêu quý Việt Nam
đến gặp ông Bình và bảo: “Muốn làm với Nhật thì phải đến Nhật. Tôi sẽ đưa ông đi”. Hồi đó mảng phần mềm của FPT còn lỗ nên ông Bình dự định chỉ đi một mình để tiết kiệm chi phí, nhưng Nishida bảo không được đi một mình, không tạo cho đối tác cảm thấy mình nghiêm túc. Ông Bình đành bấm bụng kéo thêm ông Nguyễn Thành Nam, lúc đó đang phụ trách Trung tâm Giải pháp Phần mềm FPT. Nishida lại kéo thêm 3 người của Sumitomo nữa là 5 người. Nishida còn mang cả phiên dịch viên tiếng Nhật từ Việt Nam sang, do người Nhật hầu như không nói tiếng Anh. “Đó là một sự giúp đỡ vô giá”, ông Bình nói. Chuyến đi đó 2 nhà lãnh đạo FPT đã gặp gỡ rất nhiều công ty, nhưng với tâm lý thất bại ở các thị trường trước, họ không hy vọng nhiều. Cuộc gặp để lại ấn tượng nhiều nhất với ông Bình và ông Nam là với Công ty NTT IT, bởi trong cuộc gặp có 7 người thì cả 7 người đều là tiến sĩ. Ngoài điểm trùng hợp thú vị đó ra thì không có gì nổi bật. Tuy nhiên, may mắn đã đến bất ngờ khi NTT IT có một hợp đồng cần thực hiện gấp trong 2 tuần. Không cần suy nghĩ, 2 nhà lãnh đạo FPT nhận ngay và hoàn thành đúng hạn. NTT là một công ty nhỏ nhưng trực thuộc tập đoàn hàng đầu tại Nhật NTT, nhờ quan hệ đó mà FPT bắt đầu được biết tên ở Nhật. Và cho đến nay, khi nói về vị thế của FPT ở Nhật, Chủ tịch Trương Gia Bình có thể tự tin nói ngắn gọn “60 công ty có danh vọng nhất ở Nhật đều là khách hàng của FPT”. Năm 2012, trong khi các lĩnh vực khác chật vật chống chọi với khủng hoảng kinh tế (đặc biệt là mảng thương mại sụt giảm 10% doanh thu), mảng xuất khẩu phần mềm của FPT vẫn khá xông xênh với mức tăng trưởng 30%, đạt doanh thu 81 triệu USD. Và theo mục tiêu được đưa ra tại Đại hội Cổ đông tháng 4, năm 2013 lĩnh vực này sẽ lần đầu tiên cán mốc doanh thu 100 triệu USD. Một trong những con đường để FPT thực hiện mục tiêu này là tiếp tục đánh mạnh vào mảng ủy thác nghiệp vụ kinh doanh (Business Process Outsourcing - BPO) cho các thị trường phát triển như Nhật, Mỹ, châu Âu, trong đó Nhật tiếp tục là tiêu điểm, chiếm khoảng 50% doanh thu. Theo ông Bình, chưa có lúc nào cơ hội tại Nhật lại lớn đến vậy đối với các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc vẫn là nước dẫn đầu về gia công phần mềm cho Nhật. So với Trung Quốc doanh nghiệp phần mềm Việt chỉ chiếm 1/30 về doanh thu phần mềm tại thị trường này. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Trung - Nhật nhạy cảm như hiện nay, các doanh nghiệp Nhật thực sự coi Việt Nam như một lời giải cho những vấn đề mà họ đang gặp phải như vấn đề Trung Quốc + 1, thiếu nhân lực, cắt giảm chi phí. “Giai đoạn này, Nhật thực sự là cơ hội tăng trưởng không giới hạn cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam. Điều quan trọng hiện nay chỉ là các doanh nghiệp Việt Nam có coi việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Nhật là cơ hội hay không. Nếu chúng ta không nhanh tay nắm bắt cơ hội này, đương nhiên cá sẽ bơi sang ao khác”, ông Bình khẳng định. Sau gần 15 năm làm xuất khẩu phần mềm, FPT cũng đang nỗ lực thoát khỏi cái mác gia công. FPT đã bắt đầu có thể đứng ở vị trí tư vấn, cung cấp cho đối tác những giải pháp, dịch vụ trọn gói, đặc biệt là các giải pháp công nghệ còn khá mới mẻ. Theo tiết lộ của Chủ tịch Trương Gia Bình, FPT đã và đang triển khai giải pháp và phát triển ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây của Amazon với một công ty sản xuất tivi hàng đầu của Nhật, hay hợp đồng về dịch vụ điện toán đám mây và công nghệ di động với một hãng hàng không lớn bậc nhất của Mỹ. “Chúng tôi hy vọng trong 3 năm nữa, tỉ lệ giữa việc đi làm thuê và cung cấp các giải pháp, dịch vụ trọn gói trong lĩnh vực này của FPT sẽ đạt con số 80%-20%”, ông Bình nói. Tuy nhiên, không chỉ là kế hoạch kinh doanh trong vài ba năm tới, câu chuyện tăng trưởng của FPT đang được tính toán với một tầm nhìn xa hơn nhiều.… đến giấc mơ đám mây FPT đã đi được gần 1/4 thế kỷ, tốc độ tăng trưởng về doanh thu của Tập đoàn này vài năm gần đây không còn cao. Vì vậy, thúc đẩy tăng trưởng sẽ là bài toán đau đầu đối với các nhà lãnh đạo FPT. Năm 2013, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng khá khiêm tốn, 6% về doanh thu và 10% về lợi nhuận. Trong đó, 4 động lực tăng trưởng chính sẽ là xuất khẩu phần mềm, nội dung số, dịch vụ tin học và viễn thông. Đây là các mảng tạo giá trị gia tăng cao, mang lại dòng tiền ổn định, ngay cả trong thời điểm khó khăn. Và theo Chủ tịch Trương Gia Bình, FPT sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào các mảng dịch vụ, vào phát triển công nghệ, tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo. Cốt lõi của toàn bộ chiến lược tăng trưởng này được ông Bình gói gọn trong 3 từ: tính thông minh. Và như để minh họa cho chiến lược này, tại Đại hội Cổ đông FPT tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Trương Gia Bình không xuất hiện một mình mà đi cùng một “nhân vật” đặc biệt: Robot Smartoshin. Theo lãnh đạo FPT, con robot này là sản phẩm phần cứng do FPT mua về từ nước ngoài và các kỹ sư công nghệ của FPT tiến hành lập trình các ứng dụng phần mềm trên robot. Từ smart trong tên gọi của Smartoshin cũng đã ám chỉ chiến lược thông minh mà ông Bình nói tới. Theo ông, sở dĩ con robot này được gọi là thông minh vì mọi bộ phận của nó đều mang nét trí tuệ như con người. Con mắt của Smartoshin không chỉ đơn thuần là ghi lại hình ảnh của một người mà còn nhận ra được người đấy là ai. Tai của nó có thể nghe và hiểu người đối diện nói gì. Và khi hiểu rồi thì miệng của nó có thể trả lời, bằng cách chuyển đổi dữ liệu từ dạng chữ sang giọng nói. Quan trọng hơn, con robot này là robot ứng dụng điện toán đám mây. Tất cả năng lực tính toán của Smartoshin được đặt trên đám mây điện toán này, thay vì đặt trên con robot như trước đây. Vì vậy, khả năng mở rộng các ứng dụng của robot này gần như là không giới hạn. Hơn 20 năm qua, FPT dù được gọi là một tập đoàn công nghệ nhưng hơn một nửa doanh thu vẫn đang đến từ mảng thương mại. Lúc này, Chủ tịch Trương Gia Bình đang muốn tạo ra một vận mệnh mới cho Tập đoàn, với định hướng trong 20 năm tiếp là “trở thành tập đoàn toàn cầu hàng đầu về dịch vụ thông minh”, theo lời ông Bình. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi về chiến lược này, có 3 từ luôn được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Đó là Cloud, Mobility và Big Data. Có thể hiểu rằng 3 cụm từ này là câu thần chú giúp FPT mở rộng cánh cửa toàn cầu hóa. Theo ông Bình, cả thế giới đang dịch chuyển từ mô hình máy chủ - máy trạm (Client - Server) sang công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn. Điều này có nghĩa Việt Nam có cơ hội để cùng đứng chung với cả thế giới ở điểm xuất phát trong cuộc đua dịch chuyển công nghệ này. Quá trình dịch chuyển này, theo cách ví von của ông Bình, giống như chuyển từ nhà trong làng ra khu đô thị. Việc chuyển nhà đó cần nhiều yếu tố. Thứ nhất là nhân lực. Thứ hai, nhân lực đó phải hiểu được khu đô thị có những chức năng gì, có điểm nào khác biệt, tiện lợi hơn. Và một khi đã dịch chuyển thì tốc độ dịch chuyển này sẽ rất nhanh, đòi hỏi các dịch vụ kèm theo. Cuối cùng, khi ra sống ở khu đô thị chúng ta lại cần một nền tảng để xây nhà trên đó. “Chúng tôi am hiểu cả cuộc sống ở làng lẫn đô thị. Sức mạnh của FPT là tất cả các công nghệ đó chúng tôi đều có đủ chuyên gia giàu kinh nghiệm”, ông Bình nói. Điện toán đám mây chiếm đến 85% các bản chào hàng về phần mềm và dịch vụ. FPT chỉ mới bắt đầu tham gia lĩnh vực này từ giữa năm ngoái và mức tăng trưởng đến nay là trên 100%. Thành công đầu tiên, theo ông Bình, là điện toán đám mây đã làm thay đổi cách nhìn của đối tác về FPT. Trước đây, khi tôi đi gặp các đối tác quốc tế và chào dịch vụ outsourcing, họ chỉ bảo sẽ xem xét. Chuyện thay đối tác không đơn giản; không phải vì mình chào giá cạnh tranh mà họ thay đổi hợp đồng làm việc với đối tác Ấn Độ. Tuy nhiên, gần đây, khi FPT tập trung làm về di động hóa, đám mây hóa và các vấn đề về trí tuệ nhân tạo như nhận dạng, nhận dạng biểu hiện, chữ, tiếng nói... thì tất cả đều quan tâm và tạo cơ hội cho FPT. Ở tuổi 25, FPT lại đang chập chững những bước đầu tiên vào thế giới của các công nghệ phức tạp như điện toán đám mây, hay dữ liệu lớn, giống như 15 năm trước họ đã dám vượt qua tự ti yếu công nghệ của người Việt Nam để tiến vào ngành phần mềm. Và một khi giấc mơ phần mềm đã phần nào thực hiện được, nhà lãnh đạo Trương Gia Bình có quyền hy vọng vào giấc mơ đám mây trong 20 năm tới.
- Không khó để nhận thấy sự hào hứng của ông đối với robot Smartoshin. Tuy nhiên, không ít người trong giới công nghệ lại không đánh giá cao sự thông minh của con robot này?

TGĐ FPT Trương Gia Bình: Tôi xác định nhiệm vụ của FPT là xây dựng nền tảng cho con robot, phần còn lại sẽ dùng sức mạnh trí tuệ của đám đông để làm cho nó ngày càng thông minh hơn. Chúng tôi đang có ý tưởng xây dựng một kho ứng dụng, tạm gọi là Smart Store và sẽ mở ra cho người dùng tham gia phát triển các ứng dụng. Trước mắt, dự kiến tháng 9 năm nay chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc thi phát triển ứng dụng cho Smartoshin, trao giải cho các ứng dụng hay nhất. Điện toán đám mây đang là xu hướng của cả nhân loại, không có lý gì thanh niên Việt Nam lại đứng ngoài.

Tôi tin rằng với sự tham gia của cộng đồng, khả năng của con robot này là vô hạn.

Smartoshin cũng là công cụ để FPT nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới của thế giới như điện toán đám mây, di động, dữ liệu lớn... Các dịch vụ này có thể xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống, chẳng hạn như giao thông thông minh, bệnh viện điện tử, chính phủ điện tử, sách giáo khoa điện tử... Và đây đang là xu hướng dịch chuyển của toàn cầu.

Trong tương lai, các ứng dụng được thử nghiệm trên Smartosin có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề bức xúc của xã hội. Chẳng hạn, các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đang xây dựng một kho dữ liệu y khoa, tập hợp các kiến thức, phác đồ điều trị của các thế hệ y bác sĩ giàu kinh nghiệm. Kho dữ liệu này giống như một dạng trí tuệ nhân tạo mà khi kết nối vào Smartoshin robot này có thể trở thành một trợ lý, hỗ trợ cho các bác sĩ mới ra trường, còn thiếu kinh nghiệm, chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Bạn thử tưởng tượng xem điều này sẽ tác động lớn như thế nào trong việc giải quyết bài toán thiếu y bác sĩ giỏi ở các vùng sâu, vùng xa, khó thu hút nhân tài.

- Trước nay FPT cũng có nhiều sản phẩm như điện thoại, máy tính, máy tính bảng... nhưng không được đánh giá cao và vẫn mang mác máy sản xuất ở Trung Quốc?

TGĐ FPT Trương Gia Bình: Việt Nam chỉ mạnh về phần mềm, không nên làm phần cứng. Như bạn thấy Apple chỉ thiết kế, việc lắp ráp họ giao hẳn sang Trung Quốc. FPT chọn làm chủ phần mềm cho các sản phẩm công nghệ, viết ứng dụng cho chúng, đó là sức mạnh cốt lõi. Vừa rồi tôi đi Mỹ thì anh thấy những sản phẩm rất vui. Chẳng hạn như máy báo khóc để trong phòng em bé để quan sát con khóc, nó phân biệt được em bé là do đói, lạnh hay vì lý do nào khác để bảo cho bố mẹ. Máy chỉ là một cục nhỏ nhưng giá bán đến vài trăm đô. Đó chính là những loại sản phẩm mà FPT rất có tiềm năng và khả năng tham gia ngay được.

Đối với mảng phần cứng, chúng tôi vẫn phải duy trì vì các sản phẩm công nghệ như vậy phải hiểu rõ cả phần mềm và phần cứng mới làm tốt được. FPT cần những khả năng ấy để tiếp cận xu hướng thông minh của thế giới. Nếu thiếu khả năng tích hợp mềm - cứng với nhau FPT sẽ không có khả năng phát triển những sản phẩm chuyên dụng.

- Vậy đối với mảng phần mềm và dịch vụ, theo ông đâu là những sản phẩm “made by FPT” thành công nhất?

TGĐ FPT Trương Gia Bình: Thứ nhất là giải pháp quản lý bệnh viện - FPT eHospital. Bạn biết đấy, quản lý một bệnh viện với hàng ngàn lượt bệnh nhân mỗi ngày, với hàng ngàn hồ sơ bệnh án riêng biệt và mỗi thông tin đều có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh con người là cả một vấn đề. Ứng dụng công nghệ thông tin là điều bắt buộc đối với bệnh viện và hiện nay đã có 50 bệnh viện trên cả nước triển khai giải pháp quản lý này của FPT. Bây giờ, chúng tôi có thể nâng cấp lên thành một giải pháp nền tảng để tích hợp các bệnh viên từ trung ương đến địa phương, sao cho các dòng ngừơi đi khám bệnh không ùn vào một bệnh viện, mà phân bổ thông minh nhất, kết nối bác sĩ, bệnh nhân, bệnh viện vào hệ thống.

Một sản phẩm quan trọng nữa là hệ thống thông tin chính quyền điện tử (FPT.eGov), vốn là thế mạnh xưa nay của FPT. Đây là hệ thống công nghệ thông tin phục vụ quản lý hành chính tổng thể của một tỉnh hoặc thành phố, với sự kết nối thông tin thông suốt giữa các cấp, từ cấp tỉnh - thành phố xuống đến phường - xã.

- Infosys (Ấn Độ) có mô hình khá giống FPT, ra đời trước FPT chỉ 7 năm nhưng có quy mô, doanh thu, lợi nhuận gấp nhiều lần so với FPT. Ông nghĩ bao lâu nữa FPT mới đạt được quy mô này?

TGĐ FPT Trương Gia Bình: Nếu so sánh toàn bộ FPT với Infosys thì hơi khập khiễng, vì Infosys chỉ làm phần mềm; nếu so với FSoft thì hợp lý hơn. Từ những ngày đầu bước chân vào lĩnh vực phần mềm cho đến bây giờ, chúng tôi luôn coi Infosys như một hình mẫu.

Đầu năm nay, lãnh đạo FPT cũng đã có chuyến đi về nguồn Infosys để học hỏi cách thức tổ chức, quản lý tài chính, tuyển dụng và đào tạo trong bối cảnh tăng trưởng cao, đồng thời định vị chỗ đứng của FPT hiện nay trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm. Infosys thành lập năm 1981, vào năm 2004, sau 23 năm thành lập, đạt mốc doanh thu 1 tỉ USD.

Năm nay FSoft đang ở năm thứ 14 và đạt khoảng 100 triệu USD; như vậy nếu chúng tôi giữ nguyên tốc độ tăng trưởng như hiện nay là 30%/năm thì 9 năm nữa sẽ bằng họ, đạt doanh thu 1 tỉ USD sau 23 năm. Tôi tin tưởng điều này là có thể, nhất là khi FPT đã nhận ra cơ hội mới của thị trường công nghệ là các dịch vụ thông minh và đi vào con đường này một cách mạch lạc. Tôi không thấy có sự chênh lệch lớn lắm.
The o Nhịp cầu đầu tư