"Giun sán trong mỳ tôm" là tin đồn phá hoại

19/11/2015 07:27
Mai Anh
(GDVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Thực phẩm Đại học Bách Khoa, thông tin có giun, sán trong mỳ tôm là tin đồn phá hoại, gây hoang mang dư luận.

Những ngày qua, người dân nhiều xã huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) truyền tai nhau thông tin mỳ Kokomi của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan có dị vật như giun, sán.

Ngay sau đó Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Trung tâm kiểm nghiệm, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa tiến hành lấy mẫu sản phẩm cùng loại trên thị trường để phân tích.

Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hoá số 158/2015 và báo cáo số 343/BC-ATTP của Chi cục ATVSTP tỉnh Thanh Hoá ngày 16/11/2015 cho thấy: Sản phẩm mỳ Kokomi tôm chua cay đạt các tiêu chuẩn kiểm nghiệm như công bố, không có vật lạ giun, sán như thông tin trên.

Cũng trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định: “Không thể có giun sán trong mỳ tôm”. 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích: Giun, sán thường tồn tại trong thịt động vật, rau nhưng dưới dạng ấu trùng. Con người dễ bị nhiễm giun, sán khi ăn thức ăn tái, thức ăn chưa nấu chín ví dụ tiết canh, thịt bò tái, lợn tái, rau sống…

“Nói như vậy để thấy giun, sán không thể tồn tại trong môi trường bột mỳ hay phụ gia sản xuất mỳ tôm được. Bột mỳ không phải môi trường sinh sống của giun sán”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ảnh nguồn VietQ): "Không thể có giun, sán trong mì tôm".
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ảnh nguồn VietQ): "Không thể có giun, sán trong mì tôm".

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, mỳ tôm được sản xuất qua nhiều công đoạn: Từ bột mỳ nhào trộn với nước, phụ gia sau đó được cán, dát và cắt sợi. Tiếp theo được hấp chín, cắt chia thành từng gói sau đó được chiên và làm nguội trước khi phân loại và đống gói.

“Với quy trình sản xuất được hấp chín, lại được chiên nữa không thể ký sinh trùng như giun, sán tồn tại được”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm.

“Theo dõi thông tin trên truyền thông, thấy người ta dựng lên câu chuyện sữa có đỉa, mỳ tôm có giun, sán tôi thấy lạ bởi đó là những thông tin méo mó, không có kiểm chứng. Đôi khi là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, được đưa lên gây dư luận không tốt, khiến người tiêu dùng hoang mang.

Ngay cả miến, mỳ gạo sản xuất thủ công ở Việt Nam cũng không có giun, sán huống chi trong môi trường công nghệ sản xuất hiện đại như mỳ tôm. Tôi khẳng định lại thông tin mỳ tôm có giun, sán là không có cơ sở”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh kết luận.

Có thể thấy thời gian qua trên mạng xã hội, xuất hiện hàng loạt tin về thực phẩm giả, thực phẩm bẩn gây hoang mang cho người tiêu dùng. 

Tuy nhiên sau khi cơ quan quản lý tiến hành kiểm tra, xác mình thì mới biết đây không phải thông tin chính xác. Điều này không những ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm.

Trước thực tế này, trao đổi với phóng viên TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, thực tế thời gian qua rất nhiều tin đồn về thực phẩm có thể kể ra: Gạo giả, trứng giả, sữa có đỉa, mỳ tôm có giun sán…

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ chất lượng sản phẩm cần báo ngay cho cơ quan chức năng để tiến hành xác minh không đưa thông tin theo cảm quan của mình tránh tin đồn thất thiệt.

Với người dân khi tiếp nhận thông tin chưa được cơ quan chức năng công bống cần bình tĩnh, không hoang mang. 

Ngoài ra theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, với cơ quan truyền thông, trước thông tin nghi vấn chất lượng thực phẩm cần phối hợp với cơ quan chuyên môn đưa thông tin chính xác tránh ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Mai Anh