Hà Nội mở 1.000 siêu thị: Đã tính đến phương án ế ẩm, vắng khách?

27/09/2014 07:06
CEO Bùi Văn Quốc
(GDVN) - Nguyên nhân dẫn đến cảnh vắng khách của nhiều siêu thị, TTTM hiện nay ở HN là do tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu.

Đó là nhận định của ông Bùi Văn Quốc hiện là Giám đốc Khối Tư vấn tài chính doanh nghiệp tại ASC, CEO Công ty TNHH Nghiên cứu và Tư vấn Quốc Việt (TP.HCM) trước kế hoạch mở thêm 1.000 siêu thị Hà Nội.

Trước đó tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết trong Quy hoạch hệ thống thương mại trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ hình thành trên 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 23 siêu thị hạng một; hơn 100 siêu thị hạng hai, 865 siêu thị hạng ba và 64 trung tâm thương mại các hạng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Quốc Việt - Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và Tư vấn Quốc Việt đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết đưa ra đánh giá chia sẻ. Bài viết thể hiện quan điểm của người viết:

Cần số liệu nghiên cứu 

Qui hoạch siêu thị là một việc làm hết sức quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên qui hoạch siêu thị phải gắn liền với qui hoạch phát triển đô thị. Ở các nước phát triển, khi qui hoạch độ thị người ta dựa trên đặc điểm dân số và quỹ đất phát triển để tính đến các chỉ tiêu về hệ thống siêu thị, nhà trẻ, bệnh viện, khu vui chơi giải trí cần thiết.

Dựa trên qui hoạch và các chỉ tiêu này,nhà nước khuyến khích đầu tư, cấp phép hoặc hạn chế các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này.

Ảnh chỉ có tính minh họa.
Ảnh chỉ có tính minh họa.

Tuy nhiên, qui hoạch là chuyện của tổng thể và là của kế hoạch, còn thực hiện thì phải phụ thuộc vào quan hệ cung cầu và thói quen mua sắm của người dân và sự phát triển của thị trường. 

Ví dụ, qui hoạch phát triển đô thị phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của ngành bất động sản. Nhiều khu vực ở TP.HCM và Hà Nội vẫn nằm trong qui hoạch treo, sống ở thành phố mà điều kiện sinh hoạt vẫn như nông thôn; quỹ đất dự án được phân lô, làm hạ tầng nhưng người dân không có khả năng để mua ở, nhà xây xong bỏ hoang, người dân không đến ở thì không có nhu cầu về siêu thị, trường học hay bệnh viện tại khu vực đó. 

Thị trường bất động sản trong thời gian qua là một ví dụ cho thấy việc phát triển thị trường này do nhu cầu mua bán qua lại để kiếm lời, chứ thực sự khả năng mua để ở quá thấp so với nguồn cung của thị trường.

Nếu không có số liệu nghiên cứu về nhu cầu của người dân, nhu cầu của doanh nghiệp và hệ thống dự báo của các chỉ số nói trên một cách khoa học sẽ dẫn đến việc xây dựng các siêu thị, khu mua sắm thiếu vắng khách hàng, hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Thực tế ở Hà Nội hiện nay, các trung tâm bán lẻ, trung tâm thương mại hay trung tâm thương mại kết hợp với chợ đã hình thành. Tuy nhiên ngoại trừ những trung tâm tương mại, siêu thị lớn còn lại hầu hết ở trong tình trạng ế ẩm. Hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, gặp nhiều khó khăn, do vậy định vị không đúng thị trường mục tiêu, không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chi phí mặt bằng quá cao

Điển hình là Trung tâm thương mại Parkson Thái Hà đi vào hoạt động được hơn 5 năm với nhiều mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. 90% diện tích ở trung tâm mua sắm này được lấp đầy. Tuy nhiên, khách hàng đến Parkson Thái Hà lại ngày càng thưa thớt. Những lối đi trong trung tâm vắng bóng khách hàng. 

Cùng chung tình trạng này, một số trung tâm thương mại khác như The Garden (Mễ Trì, Nam Từ Liêm), IPH (Xuân Thủy, Cầu Giấy), Mipec Tower (Tây Sơn, Đống Đa), Parkson tại Keangnam Landmark (Phạm Hùng).

Ông Bùi Văn Quốc - Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và Tư vấn Quốc Việt
Ông Bùi Văn Quốc - Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và Tư vấn Quốc Việt

Hà Nội hiện có 25 trung tâm thương mại, 120 siêu thị. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, nguyên nhân dẫn đến cảnh vắng khách của các trung tâm thương mại xa xỉ đình đám một thời, trước hết là do tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. 

Trong bối cảnh này, Hà Nội cần thận trọng khi kêu gọi đầu tư 1.000 siêu thị. Khi tính đến việc xây dựng hệ thống siêu thị, người ta dựa trên 2 nguồn thông tin quan trọng, đó là nhu cầu mặt bằng kinh doanh và nhu cầu về mua sắm của người dân. Hiện nay những thông tin dự báo về 2 nguồn này chủ yếu là do các công ty bất động sản và nhà kinh doanh bán lẻ đặt hàng nghiên cứu. 

Các chỉ số quan trọng để quyết định đầu tư về ngành bán lẻ phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm dân số, mật độ dân cư, thói quen mua sắm của người tiêu dùng và sự canh tranh của các nhà bán lẻ…Vậy để có quy hoạch tổng thể cho hệ thống siêu thị, cần có đánh giá từ sức mua, thói quen mua của người tiêu dùng và sức mạnh của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, mới xác định được nhu cầu về mặt bằng kinh doanh bán lẻ, hay hệ thống các kênh phân phối siêu thị và trung tâm thương mại theo tiêu chuẩn.

Quan hệ cung cầu trên thị trường là yếu tố quyết định đến việc dự báo và quy hoạch đạt hiệu quả về mặt kinh tế và đảm bảo phát triển an sinh xã hội.

Lo ngại thị trường nội bị thâu tóm

Một vấn đề quan trọng mà nhà nước cần quan tâm hiện nay theo tôi đó là làm sao khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Hệ thống siêu thị là kênh phân phối quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng.

Nếu các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam bị mất thị phần, các sản phẩm Việt Nam ngày càng xa rời với người tiêu dùng Việt.

Còn việc xây dựng chỉ tiêu phát triển số siêu thị khi các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém thì chỉ để khuyến khích các tập đoàn bán lẻ nước ngoài ào ạt phát triển, thì vô hình chung chúng ta đẩy nhanh sự xâm chiếm thị trường của các tập đa quốc gia.

Thực tế hiện nay bên cạnh BigC, MeTro một loạt thương hiệu bán lẻ lớn như Lotte Mart, Aeon (Nhật Bản), Parkson (Ma-lai-xi-a), Robinson của Thái-lan (với trung tâm mua sắm Robins)…Đang dần chiếm lĩnh thị trường bán lẻ nội địa. Cùng với những ưu đãi của nhà nước cho khối doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội càng khó cạnh tranh. Nguy cơ thị trường bán lẻ trong nước bị thâu tóm rất gần.

Bên cạnh đó, về chủ quan sự chuẩn bị của các doanh nghiệp trong nước còn chậm chạp và khả năng cạnh tranh còn hạn chế thì chúng ta càng đẩy nhanh việc phụ thuộc ngày càng nhiều ở thị trường nước ngoài. Người dân Việt Nam chủ yếu là thu nhập thấp, hàng hóa, chi phí tiêu dùng càng ngày cao dẫn đến tỉ lệ nghèo ngày càng cao.

Vấn đề nữa là khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm, sản xuất hàng hóa chất lượng cao,  đồng thời phát động chương trình ưu tiên dùng hàng hóa trong nước. Như vây khi hội nhập với thị trường thế giới, nền kinh tế không phụ thuộc vào biến động của thị trường thế giới, có như vậy mới bảo vệ được doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.

Tóm lại, quy hoạch hệ thống siêu thị cần đảm bảo về số lượng, đồng thời có chất lượng và hiệu quả hoạt động dài hạn, góp phần phát triển bền vững và phù hợp với quy hoạch đô thị của Hà Nội trong tương lai. 

Quy hoạch hệ thống siêu thị ở Hà Nội cần phải đi theo quy luật thị trường, theo quan hệ cung cầu, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng đồng thời đảm bảo hiểu quả kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động tại hệ thống siêu thị.

CEO Bùi Văn Quốc