Hàng không Việt thời "Ai cũng có thể bay"

30/01/2015 09:51
Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng
(GDVN) - "Xét cho cùng, sự xuất hiện của VietJet có lợi hơn cho người tiêu dùng bởi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn chứ không bị bó hẹp như trước"...

Thị trường hàng không những năm qua chứng kiến sự thay đổi lớn. Đặc biệt với sự xuất hiện của hãng bay VietJet, cuộc chơi trên thị trường hàng không không còn là của "vùng trời" của Vietnam Airlines hay Jetstar.

Với chiến lược đi vào phân khúc thị trường giá rẻ và tiêu chí “không ngừng khuyến mãi” ghi vào trí nhớ người tiêu dùng, VietJet đã chiếm lĩnh 35% thị phần hàng không nội đia Việt Nam (báo cáo tổng kết năm 2014 của VietJet) chỉ sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, con số ấn tượng của một hãng hàng không trẻ.

Con số ấn tượng trên của VietJet hội tụ nhiều yếu tố trong đó phải kể đến vai trò trong việc xây dựng thương hiệu, chiến lược phát triển… Ấn tượng với cách làm thương hiệu của VietJet, chuyên gia Marketing thương hiệu Hoàng Tùng (tác giả cuốn Chiến lược Marketing hiện đại từ thực tiễn thương trường) gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phân tích dưới đây:

Chuyên gia Marketing thương hiệu Hoàng Tùng.
Chuyên gia Marketing thương hiệu Hoàng Tùng.

"Trong khi một số hãng hàng không khác liên tục gặp khó khăn, phải ngừng bay như Air Mekong, Indochina Airlines... thì rõ ràng sự vươn lên mạnh mẽ của VietJet là hiện tượng thú vị đối với giới kinh doanh. Theo tôi, sự thành công của VietJet Air đến từ nhiều yều tố.

Thứ nhất: Về mặt tâm lý, khách hàng không muốn bị phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất. Đó là lý do khi có một nhãn hàng mới nổi có khả năng thách thức ông lớn dẫn đầu ngành hàng, một số lượng không nhỏ khách hàng thường có xu thế ủng hộ thương hiệu mới.

Người tiêu dùng đã chứng kiến Vietnam Airlines đứng ở vị thế gần như độc quyền quá lâu rồi nên chỉ cần có một tên tuổi mới đủ sức trở thành đối trọng đối với "ông lớn", thương hiệu đó sẽ nhận được sự ủng hộ. Trong trường hợp này VietJet đã vươn lên trên những thương hiệu khác cũng như trở thành đối trọng với Vietnam Airlines.

Còn nhớ thị trường viễn thông di động cách đây hơn 10 năm, khi VinaPhone và MobiFone mải miết với chốn thị thành thì Viettel lại tìm đến vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Cách tấn công thị trường đó đã giúp Viettel trở thành thương hiệu viễn thông gần gũi với tất cả mọi người khiến việc sử dụng điện thoại di động, thuê bao di động không còn là điều gì xa lạ, cao cấp.

Cách làm của VietJet cũng tương tự. Thời điểm VietJet xuất hiện, việc đi lại bằng máy bay vẫn còn là điều gì đó xa xỉ so với thu nhập của người dân Việt Nam. Do đó, khi VietJet tiến mạnh vào phân khúc thị trường hàng không giá rẻ, với slogan “bay là thích ngay”, VietJet biến việc đi máy bay trở nên gần gũi, biến hàng không trở nên bình thường giống như bao phương tiện giao thông khác và hiển nhiên được khách hàng nhớ đến. Đây là điều khác biệt giữa VietJet và các hãng hàng không khác.

Thứ hai, VietJet có chiến lược khác biệt. Để có thể trở thành đối trọng của những thương hiệu lớn trên thị trường, kẻ đến sau cần phải có chiến lược khác biệt hóa về mặt thương hiệu nhằm đem lại lợi ích mạnh mẽ đối với người tiêu dùng. VietJet đã sử dụng chiến lược mô phỏng như hãng bay Virgin Atlantic của Sir Richard Branson khi đối đầu với Bristish Airway.

VietJet đã thay đổi suy nghĩ của mọi người về hàng không và việc đi máy bay không chỉ dành cho giới doanh nhân, người có tiền mà là cho tất cả mọi người.
VietJet đã thay đổi suy nghĩ của mọi người về hàng không và việc đi máy bay không chỉ dành cho giới doanh nhân, người có tiền mà là cho tất cả mọi người.

Như ta đã biết, hãng hàng không Virgin Atlantic với sự lèo lái của Sir Branson đã rất thành công với những quảng cáo đầy cá tính, tươi trẻ và phá cách để tạo sự khác biệt đối với ông lớn "già cỗi" British Airway. Chiến lược thành công này được lặp lại với những màn múa bikini, bộ hình tiếp viên "mát mẻ" với hình ành Ngọc Trinh tạo nên tính cách tươi trẻ cho thương hiệu VietJet.

Và cuối cùng, với chiến lược lựa chọn hướng đi là một hãng hàng không thế hệ mới, VietJet rõ ràng đã đáp ứng một nhu cầu rất lớn của người dân khi muốn được bay với một mức giá hợp lý hơn. Với những lý do căn bản trên thì VietJet đã thành công trong việc tạo dấu ấn thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng. 

Đó là cách VietJet đã tồn tại mà không gặp phải những khó khăn như Indochina Airlines hay Air Mekong. Bởi Indochina Airlines hay Air Mekong hầu như không tạo được một hình ảnh gì rõ ràng trong tâm trí người tiêu dùng. 

Sẽ ngày càng có những khách hàng thích thú với hình ảnh tươi trẻ của VietJet, nhưng cũng sẽ có những khách hàng thích sự lịch lãm và cổ điển của Vietnam Airlines. Thói quen của người tiêu dùng sẽ không phải một sớm một chiều mà thay đổi. Tuy nhiên, sự có mặt của VietJet rõ ràng đã khiến Vietnam Airlines phải củng cố hơn về mặt dịch vụ bởi lợi thế "gần như" độc quyền ngày trước đã bị hao hụt rất nhiều. Và xét cho cùng, sự xuất hiện của VietJet có lợi hơn cho người tiêu dùng bởi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn chứ không bị bó hẹp như trước nữa.

Với chiến lược thể hiện rõ trong câu slogan “Bay là thích ngay” cùng hàng loạt chương trình giảm giá "sốc" bay chỉ với 0 đồng, 3.000 đồng hay 9.000 đồng... sự xuất hiện của VietJet là cần thiết để thị trường hàng không trở nên cân bằng hơn, có tính cạnh tranh cao hơn và đó là xu hướng dẫn tới lợi ích của người tiêu dùng sẽ được tốt hơn"...

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng