Hệ thống “quẹt thẻ” tối tân, cư dân Keangnam chỉ biết khóc ròng?

20/06/2011 07:24
(GDVN) - Quẹt thẻ từ để ra và tòa nhà Keangnam được xem là biện pháp quản lý hiện đại tuy nhiên, không ít cư dân tại đây xem đó là điều rắc rối, khó chịu.

(GDVN) – Để được ra vào tòa nhà chung cư cao cấp 48 tầng của Keangnam, điều kiện đầu tiên của bất cứ khách hàng hay dân cư nào là phải có thẻ từ để quẹt. Đây là biện pháp tối ưu để đảm bảo an ninh trật tự khu nhà cao tầng tại các nước phát triển, tuy nhiên, do thói quen ở Việt Nam, không ít cư dân ở đây xem đó là một điều rắc rối, khó chịu.

>> Có thể phải hầu tòa, Keangnam nói gì?

>> Bức xúc phí dịch vụ "cắt cổ', cư dân Keangnam dọa kiện

Được mệnh danh là tòa nhà cao nhất Việt Nam, Keangnam đang "độc quyền" áp dụng mức giá gửi xe cao một cách phi lý, gây bức xúc cho nhiều người dân cư ngụ tại đây.

Như Báo Giáo Dục Việt Nam đã phản ánh, hiện tại, ban đại diện của khu dân cư đã mời luật sư để bảo vệ cho quyền lợi của mọi người và sẽ đấu tranh để mức phí giảm xuống theo đúng quy định của UBND TP.Hà Nội. Tuy nhiên, không chỉ bức xúc về phí gửi xe, "thượng đế" ở chung cư cao cấp, hạng sang này vẫn tiếp tục than phiền về bất cập từ những dịch vụ cao cấp khác trong đó có việc quản lý bằng cách quẹt thẻ tự động mỗi khi ra vào tòa nhà này.

Mặc dù biết rất rõ hình thức quẹt thẻ không mới ở Việt Nam, rất nhiều các tập đoàn công ty và các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng trong quá trình làm việc, công tác, nhằm mục đích đảm bảo tốt nhất an ninh trật tự, tránh tình trạng ăn cắp, ẩu đả, gây rối an ninh công cộng nhưng không ít hộ dân ở Keangnam vẫn tỏ ra bức xúc.

a
Việc quẹt thẻ đảm bảo an ninh được Keangnam quy định thực
hiện ngay tại khâu cầu thang máy gây bất bình cho người dân.

“Theo quy định, những ai có thẻ quẹt mới  được đi cầu thang máy. Khi có khách tới nhà chơi, nếu được thông báo trước, chủ nhà sẽ xác nhận mối quan hệ quen biết với lễ tân và yêu cầu mở cửa, còn nếu không biết, chủ nhà buộc phải xuống tận tầng 1 để quẹt thẻ đưa khách vào. Buổi tối nào mà có khoảng 4 – 5 vị khách, nhà tôi lại tận tầng thứ 30 thì không biết sẽ mệt mỏi như thế nào. Hơn nữa đối với chủ doanh nghiệp, rất nhiều khách hàng tới, mình cũng không biết họ là ai, chẳng nhẽ mình cứ phải xuống tận nơi để quẹt thẻ”, anh Huy - cư dân tại tòa nhà Keangnam bức xúc.

Một cư dân khác cho biết: “Đối với công ty thì tôi không nói làm gì, nhưng đây là một tòa nhà chung cư – có thể coi là một nơi công cộng, việc ra vào quẹt thẻ đánh mất sự tự do của người dân. Như thế là không hợp lý”.

Cũng đồng quan điểm trên, chị N, cư dân thuộc tầng 7 cho rằng: “Quẹt thẻ chỉ nên sử dụng khi kiểm tra sự hợp pháp của dân cư, chỉ áp dụng quẹt thẻ trước khi vào nhà thôi chứ quản lý ở cả các khu vực tiện ích như thế này rất bất tiện. Việt Nam không giống khu vực khác trên thế giới, bạn có thể áp dụng quẹt thẻ với khách sạn thì đồng ý còn khu dân cư thì không nên. Các dịch vụ, các nguyên tắc được lập ra để phục vụ dân cư nhưng những hành động, sự việc làm cản trở dân cư, mang tính chất áp đặt thì nên xem xét lại”.

Đặc biệt, đối với các quý bà, quý cô là cư dân của tòa nhà, việc quẹt thẻ càng trở nên vô cùng rắc rối và phức tạp. Theo quy định của tòa nhà, thẻ được kiểm soát từ lúc vào thang máy, khi đi vào khu dân cư hoặc các tiện ích khác như bể bơi, phòng tập,… phải có thẻ mới được vào.

“Tôi thấy việc quẹt thẻ rất bất hợp lý. Vì không phải lúc nào, tôi cũng ăn mặc tươm tất để cầm thẻ theo, nhiều khi, đang ở nhà nấu cơm, thiếu ít gia vị, muốn chạy ùa đi mua, đôi lúc vội vã lại quên thẻ. Hoặc khi đi bơi, tôi không cầm theo túi xách gì, vất thẻ ở chỗ nào, tự nhiên vác cái thẻ theo rất là khó chịu”, cô Hà mới chuyển đến căn hộ tại Keangnam chưa đầy một tháng buồn phiền than thở.

alt
Cách quản lý bằng cách quẹt thẻ khi ra vào đang khiến không ít
cư dân Keangnam bối rối. (Ảnh minh họa).

Để thử nghiệm những bức xúc của cư dân ở tòa nhà cao nhất Hà Nội, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam cùng đi với 1 người dân ở Keangnam vào tòa nhà này. Khi vào, do người đi cùng có thẻ từ nên mọi việc tương đối thuận lợi, dễ dàng. Nhưng khi quay trở ra, vì không để ý quy định của tòa nhà nên phóng viên phải loay hoay cố gắng kéo mạnh cửa kính nhưng…vô dụng. Ngó nghiêng một hồi, đọc đi đọc lại bảng hướng dẫn đính nhỏ trên góc trái của cửa ra vào, phóng viên bấm nút điều khiển để kết nối với bảo vệ. Sau vài phút giải thích loằng ngoằng, nhân viên tổng đài mới chấp nhận và mở cửa cho phóng viên ra và thở phào: “Không ngờ nó lại rắc rối đến vậy”.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, phòng chăm sóc khách hàng của Keangnam giải thích: Cư dân trước khi mua nhà có thể đã nghiên cứu rất kỹ quyền lợi hợp pháp của họ trong hợp đồng mua bán. “Chúng tôi áp dụng hình thức này do yêu cầu của nhiều hộ gia đình để đảm bảo an ninh trật tự một cách tối đa”.

Còn theo anh Nguyễn Vương Nhật, kiến trúc sư - một thành viên trong ban quản trị của tòa nhà: Chính người dân chưa nắm được quy định, chưa nắm rõ hướng dẫn, chưa chịu tìm hiểu các cách thức ra vào khu chung cư dành cho cả khách và cư dân tòa nhà. Trước mỗi cánh cửa đều có ghi biển hiện nhắc nhở và hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết người dân phải làm gì khi không có thẻ từ ra vào, phải bấm vào nút nào, vị trí nào để nối máy nói chuyện với bộ phận bảo vệ. “Nếu cư dân đòi hỏi dễ dãi quá, sẽ mất sự an toàn, gây thiệt hại cho chính cho cư  dân như mất đồ, cướp của, giết người…”.

Tuy vậy, theo những người dân phản đối hình thức quẹt thẻ này, ban quản lý Keangnam nên tìm ra một biện pháp thích hợp khác để bảo vệ được an ninh trật tự khu chung cư. “Một biện pháp bảo vệ có thể đề cao tính tự giác của người dân hoặc phía Keangnam phải tăng cường nghiệp vụ quản lý, lắp đặt thêm nhiều camera, giám sát bằng cách kiểm tra chứng minh thư, phát thẻ khách hay bằng một cách nào đó, thay vì bắt tất cả những ai ra vào phải quẹt thẻ”, một người dân đại diện khu dân cư cho biết.

Tiểu Phương

>> Có thể phải hầu tòa, Keangnam nói gì?

>> Bức xúc phí dịch vụ "cắt cổ', cư dân Keangnam dọa kiện