Hướng các nhà đầu tư tới Việt Nam với cái nhìn dài hạn và tin tưởng

10/06/2013 13:59
Xuân Thu
(GDVN) - Với những chính sách tài khóa, bằng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, minh bạch trong thu hút đầu tư, cải cách hành chính công và chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang hướng các nhà đầu tư tới Việt Nam với cái nhìn dài hạn và tin tưởng.

Minh bạch trong thu hút đầu tư

Tác giả Lee Moon-shik đã nhận định như vậy trong bài báo đăng trên tờ The Korea Herald của Hàn Quốc ngày 7/6/2013. VietNamNet trích đăng bài viết này.

Được truyền thông quốc tế khen ngợi trong suốt tuần qua, sau bài phát biểu “khai sáng” tại Shangrila 2013, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trở nên nổi bật trên chính trường châu Á, tăng niềm tin cho nhà đầu tư tới Việt Nam.

Nhiều học giả danh tiếng trên thế giới đã dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lời ngợi khen, cổ súy cho những thông điệp của ông về “xây dựng niềm tin chiến lược” như chìa khóa để gìn giữ hòa bình và thúc đẩy sự phát triển.

IMF mới đây đã có những đánh giá tích cực về một số diễn biến kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách của Việt Nam.
IMF mới đây đã có những đánh giá tích cực về một số diễn biến kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách của Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng nhưng Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế GDP 8,23% năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ đô la Mỹ, tăng 24% so với năm 2005, và vượt kế hoạch 2 tỷ đô la. Thị trường chứng khoán đạt 800 điểm, đầu tư nước ngoài tăng đột biến, đạt trên 10 tỷ đô la, ODA cam kết hỗ trợ 4,5 tỷ đô la.

Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới WTO, và chính phủ Mỹ thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam PNTR. Quan trọng hơn, tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội được đánh giá là khá ổn định.

Kiên quyết nhưng khôn khéo, đầy bản lĩnh, ông trở thành chính trị gia có tầm ảnh hưởng, có tiếng nói thuyết phục về vấn đề biển Đông với quan điểm cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Tại Shangrila 2013, một lần nữa thông điệp về hòa bình được ông đưa ra dưới quan điểm cần xây dựng niềm tin chiến lược.

Cũng niềm tin ấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang hướng các nhà đầu tư tới với Việt Nam với cái nhìn dài hạn và tin tưởng. Ông chứng minh cho nhà đầu tư thấy họ có thể tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam, bằng các chính sách tài khóa, bằng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, minh bạch trong thu hút đầu tư, cải cách hành chính công và chống tham nhũng.

Tín hiệu tích cực về kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách của Việt Nam

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã có những đánh giá tích cực về một số diễn biến kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách của Việt Nam. IMF khẳng định thị trường tài chính Việt Nam đã bình ổn trở lại, nhờ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc cung cấp thanh khoản và sáp nhập một số ngân hàng nhỏ, yếu kém. Thặng dư cán cân vãng lai tăng lên hơn 9 tỷ USD trong năm 2012 một phần nhờ nhập khẩu thấp và hoạt động kinh tế yếu.

Nhờ đó, tổng dự trữ quốc tế tính đến cuối tháng 2/2013 đã tăng lên hơn 2,5 tháng nhập khẩu dự kiến đối với hàng hóa và dịch vụ. Cũng theo IMF, chính sách kinh tế của Việt Nam đã khá thành công trong việc tái lập sự ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này được thể hiện qua việc lạm phát giảm mạnh, nhờ đó củng cố niềm tin vào đồng nội tệ.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trở lại, nổi bật là dòng vốn từ các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hiện có 1.500 nhà máy của các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện diện ở Việt Nam. Thậm chí, ở thời điểm này, các doanh nghiệp Hàn Quốc lên kế hoạch chi hàng tỷ USD vào Việt Nam qua các dự án công nghệ cao và trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Sau khi đã có tổ hợp sản xuất điện thoại di động trị giá 1,5 tỷ USD tại Bắc Ninh, tháng 3 vừa qua, Samsung đã khởi động việc rót thêm 2 tỷ USD để xây tổ hợp sản xuất điện thoại di động và các thiết bị công nghệ cao tại Thái Nguyên. Với dự án mới này, dự kiến mỗi năm tập đoàn cho ra đời thêm 100 triệu sản phẩm.

Tập đoàn LG Electronics cũng đang có kế hoạch đầu tư 300 triệu USD triển khai dự án điện tử, điện máy tại Hải Phòng. Mới đây, Công ty TNHH Heasung Vina chuyên sản xuất camera cho điện thoại thông minh của Samsung đã tăng vốn gấp 3 lần, lên 36 triệu USD nhằm nâng công suất lên 25 triệu sản phẩm mỗi năm. Ngày 14/5 vừa qua, công ty TNHH Doosun Industries cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư 14 triệu USD để xây một nhà máy in công nghệ cao phụ trợ cho Samsung.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho biết, thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều các doanh nghiệp vệ tinh đầu tư vào Việt Nam theo các dự án của Samsung và LG.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ có niềm tin vào sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội mới “níu” chân được các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.

Xuân Thu