Không đảm bảo an toàn, vì sao hàng loạt chung cư của ông Thản vẫn hoạt động?

02/08/2016 11:33
Mai Anh
(GDVN) - Không thực hiện đầy đủ pháp luật phòng cháy chữa cháy nhưng chung cư của ông Lê Thanh Thản vẫn ngang nhiên hoạt động trong thời gian dài...

Trong danh sách 38 chung cư cao tầng tại Hà Nội thực hiện không đầy đủ quy định về phòng cháy chữa cháy do Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội công bố, có đến 15 chung cư cao tầng do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (giám đốc là ông Lê Thanh Thản - PV) làm chủ đầu tư.

Điều đáng nói là hầu hết các chung cư  của ông Lê Thanh Thản trong “danh sách đen” đã đưa vào sử dụng cách đây từ 2-3 năm. Điều đó cho thấy, trong suốt thời gian dài vừa qua, các chung cư này hoạt động trong tình trạng không an toàn cháy, nổ. 

Có thể kể đến như tổ hợp chung cư văn phòng VP5 thuộc khu bán đảo Linh Đàm (Q.Hoàng Mai – Hà Nội) được hoàn thành và đi vào sử dụng từ năm 2014. Các dự án chung cư như CT1, CT2, CT3, CT4, CT6 và Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp thuộc Khu đô thị Xa La - Hà Đông cũng đã hoạt động từ năm 2012 -2013. 

Tòa nhà VP5 một trong 15 chung cư của đại gia Lê Thanh Thản thiếu an toàn về phòng cháy chữa cháy - ảnh H.Lực.
Tòa nhà VP5 một trong 15 chung cư của đại gia Lê Thanh Thản thiếu an toàn về phòng cháy chữa cháy - ảnh H.Lực.

Thực tế này đặt ra câu hỏi: Tại sao hàng loạt chung cư của ông Thản không an toàn nhưng vẫn được nghiệm thu và cho hoạt động? Có hay không tồn tại những lỗ hổng pháp lý để những dự án không an toàn ngang nhiên tồn tại?

Hầu hết chủ đầu tư "nợ" điều kiện phòng cháy chữa cháy?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết: “Phòng cháy chữa cháy là yêu cầu bắt buộc với chung cư cao tầng. Theo quy định của pháp luật, nếu không đủ các điều kiện phòng cháy chữa cháy thì chung cư không được nghiệm thu và bàn giao cho khách hàng”.

Nghị định số 15/2013 của Chính phủ và Thông tư số 10/2013 do Bộ Xây dựng ban hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng nêu rất rõ điều này. Cụ thể, dự án chung cư của ông Lê Thanh Thản thuộc diện công trình do Cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng kiểm tra, nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng sự lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến chung cư thiếu điều kiện phòng cháy chữa cháy vẫn ngang nhiên tồn tại - ảnh nguồn: Báo Lao Động.
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng sự lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến chung cư thiếu điều kiện phòng cháy chữa cháy vẫn ngang nhiên tồn tại - ảnh nguồn: Báo Lao Động.

Theo quy định tại điểm đ, điểm e, khoản 1, Điều 22 Thông tư số 10/2013/TT-BXD, dự án chung cư phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về phòng chống cháy, nổ; an toàn môi trường; an toàn vận hành theo quy định và kết luận của cơ quan chuyên môn về xây dựng với đủ điều kiện được nghiệm thu hoàn thành hạng mục và đưa vào sử dụng.

Dù quy định pháp luật đã có và đầy đủ nhưng ông Nguyễn Văn Đực cho biết: "Luật quy định là vậy nhưng trên thực tế, hầu hết dự án chung cư khi đi vào hoạt động, sử dụng nều “nợ” các điều kiện, trong đó điều kiện phòng chống cháy nổ vì là dễ nhất. Nếu không có nước, không có điện, không có đường giao thông… những điều kiện nhìn thấy, người dân sẽ không đến ở. Nhưng phòng cháy chữa cháy thì khác, chỉ khi xảy ra sự cố hoặc kiểm tra mới phát hiện ra. Vì thế chủ đầu tư thường "nợ" điều kiện phòng cháy chữa cháy”.

Theo ông Đực, với các dự án chung cư "nợ" điều kiện phòng cháy chữa cháy, phải sau vài tháng thậm chí sau vài năm đi vào hoạt động, chủ đầu tư mới hoàn thành hạng mục này.

Chung cư sau khi hoàn thành cần phải được nghiệm thu trước khi cho phép đưa vào sử dụng. Để được nghiệm thu, chung cư phải đảm bảo các điều kiện: Phòng chống cháy, nổ; điều kiện an toàn môi trường; an toàn vận hành; điều kiện cơ sở hạ tầng đường xá, điện, nước.

Các điều kiện này đều phải có cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá và có văn bản chấp thuận. Văn bản đó là cơ sở để cơ quan chuyên môn về xây dựng nghiệm thu cho công trình được đưa vào sử dụng

Ông Đực cho rằng, dù nhiều chung cư chưa đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy nhưng khi kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước chỉ xử phạt hành chính vì vậy chủ đầu tư “nhờn” luật.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay xử phạt trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy quy định tại Nghị định 167/2013 còn ở mức nhẹ. Cụ thể, với vi phạm phòng cháy chữa cháy trong dự án xây dựng, mức phạt cao nhất chỉ là 50 triệu đồng, quá nhỏ so với lợi nhuận thu về của chủ đầu tư từ việc bán căn hộ.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, “lỗ hổng” để dự án thiếu điều kiện phòng cháy chữa cháy trong thời gian dài chính là việc lỏng lẻo trong quản lý.

Lật lại thời điểm nghiệm thu dự án, chính việc dễ dãi chấp nhận nghiệm thu dự án của cơ quan quản lý nhà nước là nguyên nhân dẫn đến dự án sử dụng nhiều năm nhưng điều kiện phòng cháy chữa cháy chưa đạt.

Khi dự án được nghiệm thu và cho cư dân vào ở, nếu thiếu điều kiện phòng cháy chữa cháy cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ kiểm tra nhắc nhở rồi phạt hành chính, trong khi mức phạt không đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, "lỗ hổng" đáng nói nhất chính là đạo đức kinh doanh của chủ đầu tư. Mặc dù biết chung cư không an toàn, chủ đầu tư vẫn tìm cách lách luật, giao nhà cho khách. Điều này chứng tỏ chủ đầu tư bất chấp tính mạng, tài sản của khách hàng để thu lợi nhuận. 

Cho "nợ" là tiếp tay cho vi phạm

Chung quan điểm trên, Ths.LS Trương Anh Tuấn - Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu quan điểm: Những chung cư của ông Thản không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy cho thấy trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước trong việc nghiệm thu thu dự án.

Không đảm bảo an toàn, vì sao hàng loạt chung cư của ông Thản vẫn hoạt động? ảnh 3

Chung cư của ông Thản dẫn đầu danh sách "đen" mất an toàn cháy, nổ

(GDVN) - Có đến 15 trong tổng số 38 chung cư trên địa bàn Hà Nội không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy là của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản.

Theo quy trình, khi dự án hoàn thành phải được nghiệm thu, trong đó có nghiệm thu về phòng chống cháy nổ.

Đơn vị nghiệm thu là cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Theo đó, nếu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ đúng thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo giấy phép được cấp khi triển khai dự án thì cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ có văn bản chấp thuận.

Dựa vào văn bản này, cơ quan chuyên môn về xây dựng mới nghiệm thu công trình và cho phép đưa công trình vào hoạt động.

Như vậy, ở đây đặt ra hai vấn đề: Thứ nhất, nếu thời điểm dự án của ông Thản đi vào hoạt động có thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy nhưng cảnh sát phòng cháy chữa cháy vẫn có văn bản chấp thuận cho chủ đầu tư thì trách nhiệm thuộc về cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

Thứ hai, nếu thời điểm khi nghiệm thu chung cư của ông Thản thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, sau quá trình sử dụng, cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra thấy thực hiện không đầy đủ thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư.

“Nếu đúng có hiện tượng cơ quan quản lý nhà nước cho nhà đầu tư “nợ” điều kiện phòng cháy chữa cháy thì cần làm rõ trách nhiệm cán bộ nhà nước, người đứng đầu ký phê duyệt văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Chúng ta đã có quy định và văn bản luật hướng dẫn cụ thể, rõ ràng nhưng anh lại cố tình làm trái luật, tiếp tay cho sai phạm thì phải xử lý”, LS. Tuấn nêu quan điểm.

Cũng theo ông Tuấn, có những dự án có thể do yếu tố khách quan dẫn đến thực hiện chưa đầy đủ quy định phòng cháy chữa cháy, cơ quan quản lý nhà nước châm trước. “Tuy nhiên, phải có quy định rõ thời điểm hoàn thành và cơ quan quản lý phải kiểm tra đôn đốc. Nếu làm nghiêm túc đúng luật, chắc chắn chủ đầu tư phải chấp nhận thực hiện đầy đủ quy định phòng cháy chữa cháy”, LS. Tuấn nói.

Phòng cháy, chữa cháy mặc dù không phải là hạng mục có thể nhìn thấy ngay hiệu quả khi khách được bàn giao căn hộ, tuy nhiên nếu vì thế mà cho "nợ" hay nghiệm thu cho có sẽ gây hậu quả lớn đến tính mạng, tài sản con người khi xảy ra sự cố. 

Theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy với nhà cao tầng, kết cấu xây dựng của nhà phải có giới hạn chịu lửa phù hợp với tính chất sử dụng và chiều cao của nhà theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.

Tường, vách ngăn và trần treo của đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, các gian phòng công cộng tập trung đông người không được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu dễ cháy.

Phải có lối thoát nạn, cứu người khi có cháy xảy ra; có giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu và động cơ; hệ thống báo cháy, chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác; hệ thống, thiết bị phát hiện và xử lý sự cố rò rỉ các chất khí, chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ.

Mai Anh