Không minh bạch doanh thu BOT, trách nhiệm Bộ Giao thông hay Bộ Tài chính?

22/02/2019 06:14
Nhật Minh
(GDVN) - Thời gian qua, cử tri rất quan tâm về vấn đề thất thu thuế tại các trạm BOT khi chậm triển khai thu phí không dừng.

Ngày 21/2, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội - bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, cử tri rất quan tâm về vấn đề thất thu thuế tại các trạm BOT khi chậm triển khai thu phí không dừng.

Theo nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2019, việc thu phí không dừng ở các trạm BOT phải hoàn thành.

Tại Điều 15, khoản 8 quy định rất rõ về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng trong việc kết nối, cung cấp thông tin liên quan đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, hành khách.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu quan tâm của cử tri về vấn đề thất thu thuế tại các trạm BOT. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu quan tâm của cử tri về vấn đề thất thu thuế tại các trạm BOT. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với đó là kết nối, cung cấp thông tin về tiêu chí kỹ thuật liên quan đến quản lý thu đối với tài sản là phương tiện phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.

“Không quản lý được một cách công khai, minh bạch lượng xe qua các trạm BOT, không quản lý được doanh thu… thì trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính hay Bộ Giao thông?”, Trưởng ban Dân nguyện đặt câu hỏi.

Một vấn đề khác cũng được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhắc đến là sự chồng chéo trong trách nhiệm thanh tra, kiểm toán của cơ quan quản lý thuế và Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thiết kế trong dự luật Quản lý thuế (sửa đổi) hiện chưa phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan. Khi kết luận thanh tra ban ra, đối tượng nộp thuế không biết làm việc với cơ quan nào.

Cùng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cơ quan thuế ra quyết định thì phải dựa trên kết luận của kiểm toán và thanh tra, kết luận đó phải được thi hành.

Đầu mối quản lý Nhà nước phải thống nhất là một, không để đối tượng chịu thuế chạy hết thanh tra, kiểm toán rồi lại thuế.

Sau các phát biểu trên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại diện cơ quan soạn thảo, xin tiếp thu các ý kiến và cho biết sẽ tiếp tục rà soát.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin thêm, 5 năm qua, có 14 vụ kiện của doanh nghiệp đã phát sinh theo kết luận của kiểm toán.

Trong số này, tòa xử 10 vụ thì 10 vụ cơ quan thuế đều thua. Còn lại đang 3 vụ đang thụ lý và 1 vụ đang tạm dừng do phát sinh tình tiết mới.

Bộ trưởng Tài chính phân tích, một là kiểm toán trực tiếp tại đơn vị người nộp thuế thì kiểm toán phải có kết luận. Doanh nghiệp có kiện là kiện Kiểm toán Nhà nước.

Còn trường hợp thứ hai, là kiểm toán thông qua cơ quan quản lý thuế thì phải có nghĩa vụ liên quan và trích lục để cơ quan quản lý thuế căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, thu thuế.

Kết luận lại nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh cần nêu rõ trách nhiệm cơ quan thuế, kiểm toán và thanh tra.

“Nếu kiểm toán vào kiểm toán trực tiếp thì trực tiếp chịu trách nhiệm trước tổ chức, cá nhân.

Còn nếu qua cơ quan thuế thì kiểm toán phải có trích lục để cơ quan quản lý thuế căn cứ vào đó ra kết luận. Đặc biệt, khi có khiếu kiện thì phải phối hợp với nhau để tạo công bằng, tránh gây áp lực với các tổ chức, cá nhân”, ông Hiển nhấn mạnh.

Nhật Minh