Kiểm toán Nhà nước phản đối "cơ chế mềm" cho dự án BOT

26/08/2016 14:48
Cao Nguyên (nguồn: TTXVN)
(GDVN) - "Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các bộ, ngành không để 'cơ chế mềm', phải rõ 70km là 70km", đại diện Kiểm toán Nhà nước lên tiếng.

Những vấn đề nóng về sai phạm trong việc xây dựng các trạm thu phí BOT đã được Kiểm toán nhà nước trả lời trong cuộc họp báo Công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2015 sáng nay (26/8).

Tại cuộc họp báo, ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV cho hay, qua kiểm toán, các trạm thu phí hiện tại được bố trí theo khoảng cách đúng quy định.

Theo ông Quý, nhà nước đã có quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trạm là 70km. Tuy nhiên, lại có một cơ chế khác là dưới mức này thì nhà đầu tư được quyền thỏa thuận với địa phương, báo cáo Bộ Tài chính, dẫn đến tình trạng các trạm thu phí dày đặc như hiện nay.

"Tất cả các trạm có khoảng cách dưới 70km đều làm đúng quy trình này", ông Quý nói. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Giao thông.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Giao thông.

Đây cũng là vấn đề theo ông Quý cần khắc phục. "Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các bộ, ngành không để 'cơ chế mềm', phải rõ 70km là 70km", đại diện Kiểm toán Nhà nước lên tiếng.

Nếu để cơ chế như hiện tại, thực tế có trường hợp 2 trạm chỉ cách nhau khoảng 40km.

Kiểm toán Nhà nước phản đối "cơ chế mềm" cho dự án BOT ảnh 2

Mới kiểm toán 4 trạm BOT đã rút ngắn được 5-11 năm thu phí

(GDVN) - Đề nghị rút ngắn thời gian thu phí 4 trạm BOT sau khi kiểm toán đã cho thấy, khâu tính toán đầu vào của các dự án BOT có vấn đề nghiêm trọng.

Thậm chí, điển hình như khoảng cách từ trạm thu phí của dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km597+549-Km605+000 và đoạn Km617+614 tỉnh Quảng Bình đến trạm thu phí hầm Đèo Ngang chỉ là 10 km.

Ông Quý cho rằng, quy định hiện tại chỉ xác định khoảng cách trên một tuyến nhưng thực tế "ra khỏi tuyến đường này thì đã gặp ngay trạm BOT của tuyến khác".

Cũng về dự án BOT, ông Nguyễn Huỳnh Tịnh - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IX góp ý thêm, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng, xét duyệt định mức phù hợp với công trình để quyết toán thuận lợi. Theo ông, một số định mức kỹ thuật hiện chưa được quan tâm như định mức thi công trên nền đất yếu. 

"Kiểm toán Nhà nước đã có ý kiến nhưng Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa xét duyệt định mức này", ông Tịnh nói.

Ngoài khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa được hợp lý, cần phải được chấn chỉnh, khắc phục, báo cáo của Kiểm toán nhà nước cũng chỉ rõ, tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên tổng vốn đầu tư thấp hơn cam kết.

Cho rằng những kết quả, kiến nghị trên chỉ là sơ bộ, ông Cao Tấn Khổng - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, kết quả kiểm toán cụ thể các trạm BOT sẽ được công bố trong năm 2017.

Trạm thu phí BOT dày đặc

Tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT giai đoạn 2011 - 2015, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho hay, hiện nay cả nước có 88 trạm thu phí trên tuyến quốc lộ. Đáng lưu ý, trong số đó có khoảng 20 trạm thu phí chỉ cách nhau chưa đến 60km.

Thứ trưởng Nhật thừa nhận, xây dựng quy hoạch trạm thu phí hiện chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng đánh giá, các trạm thu phí hiện nay bố trí quá dày nhau, người dân và doanh nghiệp không có quyền lựa chọn, như đoạn Hà Nội - Thái Bình có tới 4 trạm, tiền phí cao hơn tiền xăng. Bên cạnh đó, việc thu phí vẫn thiếu công khai, minh bạch do áp dụng thu phí bằng tiền mặt.

Cao Nguyên (nguồn: TTXVN)