Kiểm toán nhà nước: VAMC xử lý nợ xấu ngân hàng chưa hiệu quả

29/08/2016 07:55
Nguồn: Chinhphu.vn
(GDVN) - Kiểm toán nhà nước cho rằng, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC, nhưng xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả;

Sau khi thực hiện công tác kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và kiểm toán chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá: Ngân hàng nhà nước đã điều hành tương đối linh hoạt và hiệu quả chính sách tiền tệ, lượng tiền cung ứng nhìn chung hợp lý, bảo đảm kiểm soát tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm từ 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013;

Cơ cấu tín dụng tiếp tục được dịch chuyển theo hướng tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, qua đó đã tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm bảo đảm các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động; 10/11 tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán kinh doanh có lãi. Lợi nhuận kế toán trước thuế của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 6.316 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) 5.843 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) 7.303 tỷ đồng…

Ông Phan Thanh Sơn - Kiểm toán trưởng Kiểm toán khu vực VII của Kiểm toán nhà nước, cho rằng qua tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các chỉ tiêu cơ bản đã được cải thiện như tài sản có được nâng lên, dư nợ cũng tăng lên trong các năm và nợ xấu giảm.

Song, bên cạnh những mặt tích cực, Kiểm toán nhà nước cũng cho rằng, hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và còn tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu toàn hệ thống tại thời điểm 31/12/2014 là 145,2 nghìn tỷ đồng (tăng 28,7 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 24,6% so với cuối năm 2013), chiếm 3,25% tổng dư nợ (giảm 0,36% so với năm 2013), theo đánh giá của NHNN là 4,83%; tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cao và tăng nhanh.

Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nhưng xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả;

VDB cân đối giữa huy động và sử dụng vốn chưa phù hợp, dẫn đến tồn đọng vốn lớn làm gia tăng cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách Nhà nước; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam có nhiều khoản nợ đến hạn phải xin gia hạn hoặc chuyển nợ quá hạn. Một số đơn vị có tỷ lệ nợ phải thu khó đòi cao; một số khoản phải thu tồn đọng từ nhiều năm chưa có biện pháp thu hồi và xử lý dứt điểm...

Cần xử lý nợ xấu một cách thực chất

Kết quả kiểm toán Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 cho thấy: Hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, các ngân hàng thương mại nói riêng đã từng bước được lành mạnh hóa.

Tuy nhiên, Kiểm toán nhà nước cho rằng, trong quá trình triển khai và thực hiện Đề án, các tổ chức tín dụng còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) phải thực hiện chính sách về cho vay nông nghiệp nông thôn, trong khi vẫn phải bảo đảm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng nhà nước.

Việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém có chất lượng tín dụng không tốt, tạo áp lực lớn trong việc bảo đảm mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và bảo đảm các mục tiêu hiệu quả hoạt động như cam kết tại phương án cơ cấu lại; quy định tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần trên 5% tại các tổ chức tín dụng khác phải thoái vốn trong thời gian 1 năm sẽ ảnh hưởng đến giá bán, lợi ích của tổ chức tín dụng.

Về quan điểm xử lý nợ xấu, ông Dương Quốc Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, theo kinh nghiệm của các nước, khi có nợ xấu, trước hết các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm xử lý nợ xấu của mình. Khi họ xử lý không nổi thì bán lại cho cơ quan quản lý nợ xấu Trung ương, cơ quan này thường trực thuộc Bộ Tài chính hay Ngân hàng Trung ương, và bán theo giá thị trường.

Cơ quan này sẽ tổng hợp nợ xấu và đánh giá trên tài sản bảo đảm và phát hành trái phiếu có nguồn từ ngân sách Nhà nước.

Được biết, Ngân hàng nhà nước đang chuẩn bị trình Chính phủ Đề án Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016-2020. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu chính là điểm nghẽn lớn nhất cần được xử lý trong quá trình tái cơ cấu hệ thống. Cần khuyến kích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu...

Đồng thời, phải khẩn trương thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu và tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Nguồn: Chinhphu.vn