Lấy số lượng bù chất lượng thì nông dân vẫn khổ, đất nước vẫn nghèo

08/02/2017 07:00
Mai Anh
(GDVN) - "Nền nông nghiệp của chúng ta những năm qua phát triển nhưng với chỉ ở khía cạnh số lượng, gạo xuất khẩu nhiều nhưng chất lượng không cao".

Thua ngay ở sân nhà

Theo TS.Nguyễn Đăng Nghĩa Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học nông nghiệp (Viện Khoa học kĩ thuật nông nghiệp miền Nam) Việt Nam được biết đến là quốc gia có nông nghiệp, cái nôi của văn minh lúa nước thế nhưng nông nghiệp Việt Nam, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn rất khiêm tốn. Thực tế đóng góp của nông nghiệp vào GDP chỉ khoảng 20%.

“Nền nông nghiệp của chúng ta những năm qua phát triển nhưng với chỉ ở khía cạnh số lượng, gạo xuất khẩu nhiều nhưng chất lượng không cao, giá thành thấp”, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa đánh giá. 

Nông nghiệp Việt Nam đang thụt lùi và có nguy cơ thua ngay trên sân nhà - ảnh minh họa/ nguồn Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
Nông nghiệp Việt Nam đang thụt lùi và có nguy cơ thua ngay trên sân nhà - ảnh minh họa/ nguồn Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa năng suất lúa của Việt Nam tăng liên tục qua các năm (từ năm 1986 chỉ đạt 3 tấn/ha, tổng sản lượng cả nước là 13,5 triệu tấn/năm, đến năm 2015 năng suất đã đạt 5,77 tấn/ha với tổng sản lượng lên tới hơn 45 triệu tấn/năm), đáp ứng đủ nhu cầu an ninh lương thực cũng như xuất khẩu, nhưng Việt Nam vẫn chưa có tên trên bản đồ thương hiệu gạo của thế giới.

Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng và năng suất của giống lúa Việt Nam chưa đạt chuẩn so với các giống lúa khác trên thế giới. Chúng ta hay so sánh vì sao gạo Việt bán giá 300 USD/tấn trong khi nước bạn bán 700USD/tấn đến 1.000 USD/tấn?

Người ta trồng gạo lúa mùa, mỗi năm một vụ trong điều kiện tự nhiên, gần như không dùng phân bón hóa học và không bị sâu bệnh nên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, năng suất đạt 3,5 tấn/ha. 

Trong khi nông dân Việt Nam muốn năng suất lúa tối thiểu phải 5 tấn/ha, thực tế có thể đạt 7-8 tấn/ha và phải chi phí khá cao cho vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gốc hóa học.

Về năng lực công nghệ, Việt Nam chỉ đạt 38% về công nghệ đối với vật liệu khởi đầu, 53% về công nghệ tạo biến dị di truyền, và 57,4% về công nghệ đột biến so với thế giới… kém xa so với các nước có truyền thống xuất khẩu gạo như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và Hoa Kỳ. 

Vì vậy, tuy năng suất cao nhưng giá thành lúa gạo cao, giá bán thấp, môi trường đất, nước khu vực nông nghiệp, nông thôn bị ô nhiễm, sức khỏe của đất nông nghiệp và của người sản xuát bị đe dọa suy giảm. 

Ngoài ra, việc sản xuất cây ngô và Đậu tương thì quá yếu kém không đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước (hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu 2 loại nông sản này với sản lượng không nhỏ). 

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học nông nghiệp (Viện Khoa học kĩ thuật nông nghiệp miền Nam) - ảnh H.Lực
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học nông nghiệp (Viện Khoa học kĩ thuật nông nghiệp miền Nam) - ảnh H.Lực

“Sản xuất thì manh mún, nhiều loại cây trồng chưa tạo được vùng nguyên liệu. Còn rất nhiều các mặt hàng nông sản chất lượng không cao, không ổn định và chưa đạt độ đồng đều. Lĩnh vực chăn nuôi thì gần như bị thua ngay trên sân nhà”, TS. Nghĩa đánh giá 

Qui hoạch và xây dựng hệ thống thủy lơi cho khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều bất cập nên khi có ảnh hưởng bất thường về thời tiết khí hậu thì mức độ thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp quá lớn (hạn hán, ngập lụt, xâm mặn…).

Lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch- bảo quản chế biến nâng cao giá trị gia tăng nông sản còn rất nhiều hạn chế và yếu kém. Tốc độ ứng dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn chậm và thua kém so với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, nông sản Việt Nam xuất khẩu với sản lượng cao, một số loại nông sản có sản lượng luôn ở trên top đầu (Gạo, Tiêu, Cà phê, hạt Điều, Cao su, Thanh Long…) nhưng chúng ta vẫn chưa có thương hiệu mạnh đủ sức cạnh tranh.

"Nhu cầu của người tiêu dùng trong nước dần thay đổi theo hướng sử dụng sản phảm sạch an toàn do đó nếu nông nghiệp không thay đổi thì ngay cả thị trường trong nước cũng khó giữ, khó cạnh tranh chứ chưa nói đến xuất khẩu", ông Nghĩa nhận định.

Bài học từ các nước có nền nông nghiệp phát triển

Sự thụt lùi nông nghiệp Việt Nam càng thể hiện rõ hơn khi so sánh điều kiện tự nhiên Việt Nam với các nước. Ở khu vực khí hậu nhiệt đới với dải đồng bằng phù sa lớn khí hậu 4 mùa tạo điều kiện đa dạng cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên những lợi thế tự nhiên đó chưa được chúng ta tận dụng khai thác.

Nhìn sang các nước có nền nông nghiệp mạnh trên thế giới rõ ràng chìa khóa thành công trong nông nghiệp hiện đại không chỉ dựa trên lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên sẵn có.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản - ảnh minh họa/ nguồn VTV
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản - ảnh minh họa/ nguồn VTV

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết, khi nhắc đến Nhật Bản thì ai cũng nghĩ đây là một nước kinh tế, kỹ thuật và khoa học rất phát triển, ít người nghĩ đến ngành nông nghiệp của Nhật Bản. Tuy nhiên nông nghiệp của Nhật Bản phát triển theo hướng khoa học bền vững vì vậy có sản lượng rất cao, chất lượng rất tốt và đứng hàng đầu thế giới.

Thành công của nông nghiệp Nhật Bản xuất phát từ sự quy hoạch phát triển, Nhật Bản quy hoạch, xây dựng tỉnh Ibaraki trở thành vùng chuyên canh nông nghiệp. Dân số của tỉnh này chỉ 3 triệu người nhưng GDP của tỉnh đạt hơn 110 tỷ USD/ 1năm bằng 1/2 GDP của Việt Nam. 

Tương tự, Israel tự hào là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới. Khả năng nghiên cứu, sáng tạo và đặc biệt là tính hiệu quả trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật là chìa khóa nông nghiệp quốc gia này.

Dù khí hậu khắc nghiệt với phần lớn diện tích là hoang mạc với mùa hè nóng bức, mùa đông lạnh lẽo, độ ẩm cực thấp, đất sản xuất nông nghiệp rất ít.

Tuy nhiên bằng công nghệ khoa học tiên tiến như tưới nước nhỏ giọt, kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học, công nghệ chăn nuôi bò sữa tập trung theo quy mô công nghiệp đã đưa Israel trở thành quốc gia có nền nông nghiệp mạnh trên thế giới.

Sự vào cuộc cần thiết của Chính phủ

Trong lúc nông nghiệp đang thụt lùi, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nông nghiệp lúc này cực kỳ cần thiết. 

Lấy số lượng bù chất lượng thì nông dân vẫn khổ, đất nước vẫn nghèo ảnh 4

Không để tồn tại mãi hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau"

Lấy số lượng bù chất lượng thì nông dân vẫn khổ, đất nước vẫn nghèo ảnh 5

Tập trung xây dựng nền nông nghiệp thông minh

Lấy số lượng bù chất lượng thì nông dân vẫn khổ, đất nước vẫn nghèo ảnh 6

Dành khoảng 60 nghìn tỷ đồng đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao

Ngay ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Thủ tướng đã dành thời gian thăm Hà Nam và nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại nông trường Vineco thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ với nông nghiệp.

“Chúng tôi rất vui mừng và tin tưởng vào chính phủ nhiệm kỳ mới. Đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm tới việc phát triển nông nghiệp của Việt Nam theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao và khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư trực tiếp vào sản xuất nông nhiệp”, TS.Nghĩa cho biết. 

Theo TS. Nghĩa, việc Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện cho ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp với gói tín dụng 100.000 tỷ không phân biệt đối tượng áp dụng là một sự đổi mới đáng ghi nhận.

Trước đó khi thăm nông trường Vineco ,Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, sẽ đẩy mạnh cởi trói, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp thông minh.

Giải bài toán này có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp.

Nhà nước sẽ khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giải quyết những điểm nghẽn về thể chế như mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn, báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai theo kiến nghị của các địa phương.

Trong phiên họp Chính phủ đầu tiên trong năm mới Đinh Dậu diễn ra ngày 3/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao cả về  chủ trương, nguồn vốn, mô hình, cơ chế, chính sách...

Theo Thủ tướng, nông nghiệp là một trong ba lợi thế cạnh tranh, ba mũi nhọn đột phá mà Việt Nam cần tập trung phát triển, cùng với ngành công nghệ thông tin và du lịch.

Theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là một hướng đi chính xác, hết sức phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam.

Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, điều đó không phải bàn cãi. Nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, đúng như nhận định của Thủ tướng, đó phải là nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao mới có thể cạnh tranh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong - ảnh nguồn Vietq.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong - ảnh nguồn Vietq.

Nhìn nhận sự quan tâm của Chính phủ với nông nghiệp, Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho biết: “Thủ tướng có nói một câu rất hay 'nông nghiệp Việt Nam phải chuyển từ nông nghiệp cởi trói sang nông nghiệp kiến tạo', tức sang nông nghiệp công nghệ cao”.

Theo TS.Nguyễn Minh Phong sản xuất nông nghiệp manh mún dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có đã không còn phù hợp. Thay vào đó phải dồn điền đổi thửa, áp dụng công nghệ cao liên kết bốn nhà (nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ), cùng với hỗ trợ chính sách nhà nước.

“Quan tâm của Chính phủ cho thấy vai trò nhà nước đã tới với nông nghiệp, trước đây nông nghiệp là sự loay hoay của nông dân, để mặc nông dân nên nông nghiệp không bứt lên được.

Nhưng nay Chính phủ kiến tạo đưa nông nghiệp phát triển. Đón đầu tinh thần ấy chắc chắn tới đây nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt được kỳ vọng”, TS. Phong đánh giá.

Bên cạnh sự điều hành của Chính phủ theo TS. Nguyễn Minh Phong nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn vì thế sự tham gia của doanh nghiệp hết sức có ý nghĩa.

“Hiện nay nông nghiệp ít được quan tâm, chỉ 1% doanh nghiệp cùng với khoảng chưa đến 10% vốn xã hội đầu tư vào nông nghiệp, vì thế chưa đủ lực để bứt phá.

Sự quan tâm của doanh nghiệp hàng đầu như Vingroup, Vinamilk, TH sẽ rất ý nghĩa rất lớn về vốn, công nghệ sản xuất và xây dựng thương hiệu”, TS. Phong nói.

Mai Anh