Liên tục phát hiện hàng tấn thủy sản Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam

11/03/2014 07:38
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Những ngày gần đây, cơ quan chức năng TP. Hà Nội liên tục phát hiện hàng tấn cá, ếch, ba ba... bẩn từ Trung Quốc tuồn vào thành phố.

Phát hiện hàng tấn thủy hải sản Trung Quốc bẩn

Hôm qua, ngày 10/3, An ninh thủ đô đưa tin, Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Đống Đa, và Đội quản lý thị trường số 13 – Chi cục quản lý thị trường, Hà Hội, đã phát hiện chiếc xe ô tô tải mang BKS 14C-06541 đang dừng đỗ tại chân cầu Thanh Trì có biểu hiện nghi vấn.

Kiểm tra, lực lượng chức năng bất ngờ phát hiện bên trong có nhiều cá và ếch, ba ba... đóng trong các thùng xốp. Lái xe không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến số hàng này. Ngay sau đó, lái xe bị yêu cầu đưa xe tải chở hàng về trụ cơ quan điều tra để làm rõ.

Tại trụ sở Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Đống Đa, lái xe được làm rõ là Vĩ Văn Lợi, SN 1987, trú tại Uông Bí, Quảng Ninh. Vĩ khai nhận mua số hàng trên từ Móng Cái sau đó xé lẻ hàng đưa lên nhiều xe, vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ.

Bên ngoài các bao tải chứa ếch sống đều có chữ Trung Quốc.
Bên ngoài các bao tải chứa ếch sống đều có chữ Trung Quốc.
Baba sống đựng trong các thùng xốp.
Baba sống đựng trong các thùng xốp.
Qua kiểm tra, bên trong xe tải có nhiều thùng xốp chứa ếch sống, cá quả sống và cá trắm cỏ đông lạnh, cá trê, ba ba. Tổng trọng lượng khoảng hơn 3 tấn.
Trước đó, ngày 7/3, Đội Cảnh sát môi trường CA quận Đống Đa đã phối hợp cùng Đội QLTT số 13 tiến hành khám xét và bắt giữ tại xe tải 3,5 tấn mang biển kiểm soát 15C-02273 do lái xe Đỗ Văn Sơn trú tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng chở hơn 2 tấn thực phẩm gồm cá trắm, cá quả và ếch có nguồn gốc từ Trung Quốc đang trên đường về Hà Nội tiêu thụ.

Qua kiểm tra sơ bộ, lô hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập lậu qua cửa khẩu Móng Cái rồi chở về Hải Phòng, sau đó được các đầu nậu chung chuyển đi các tỉnh. Việc chung chuyển từ xe to sang xe nhỏ nhằm "qua mắt" sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. 

Cá quả, ếch và các trắm bị gây mê, rất độc hại.
Cá quả, ếch và các trắm bị gây mê, rất độc hại.
Tại thời điểm kiểm tra lái xe không xuất trình được bất cứ gấy tờ nào chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Lái xe Đỗ Văn Sơn khai nhận tại CA quận Đống Đa thì anh ta được thuê chở số hàng này từ Quán Toan (Hải Phòng) về giao cho khách tại chợ cá đầu mối Thanh Trì (Hà Nội) với giá thuê 1.600.000 đồng/chuyến.
Đây không phải là lần đầu tiên Sơn được thuê chở mặt hàng này về Hà Nội, trước đó Sơn đã nhận chở thuê tôm về giao tại chợ cá đầu mối Thanh Trì. Số hàng gồm cá trắm, cá quả, ếch khoảng trên 2 tấn. Các mặt hàng này trên thị trường HN có giá lên đến gần 200.000đ/kg, nhưng các đầu nậu nhập về chỉ khoảng 60.000đ/kg. Số thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được các đầu nậu bảo quản bằng cách gây mê để giữ tươi, sau đó bán đến tay người tiêu dùng.

Các "chiêu" biến hóa thủy hải sản bẩn trong nước

Thủy hải sản bẩn, không rõ nguồn gốc đang là mối lo ngại lớn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, gần đây, hàng loạt "chiêu" biến hóa thủy hải sản bẩn được chính người dân trong nước thực hiện khiến không ít người không dám ăn các loại thực phẩm này.

"Vỗ béo" tôm bằng hóa chất là nỗi ám ảnh của nhiều bà nội trợ. Theo một người chuyên bỏ mối thủy sản cho các chợ đầu mối ở Hà Nội cho biết: Ngay từ giai đoạn con giống, tôm cá đã được “tắm” cơ man các loại hóa chất vượt mức cho phép, từ thức ăn đến thuốc chữa bệnh. Trong quá trình nuôi, chúng tiếp tục được “bồi bổ” bằng thuốc tăng trọng giúp lớn nhanh như thổi. 

Tôm được tiêm bột rau câu và một số hóa chất để tăng trọng lượng.
Tôm được tiêm bột rau câu và một số hóa chất để tăng trọng lượng.
Trong một cuộc họp báo đầu năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một cán bộ tại Cà Mau cho biết: Con tôm sau khi được bơm tạp chất có thành phần chủ yếu là bột agar (bột rau câu) và một số hóa chất, tôm sẽ phình to, bóng mướt, tăng trọng hơn. Lúc này người bán sẽ mang ướp nước đá ngay, đợi cho đủ số lượng rồi mới đem đổ mối cho các nơi.
Các chất cấm thường được sử dụng bơm vào tôm là bột rau câu, tinh bột, chất CMC (một chất ổn định dùng trong thực phẩm để kiểm soát độ nhớt của thủy, hải sản). Khi bơm vào tôm, tỷ lệ này chiếm từ 15 - 30% trọng lượng tôm. Cứ 1kg tôm sú, sau khi bơm “no” tạp chất có thể đạt trọng lượng đến tận 1,25kg.

Bên cạnh đó, công nghệ gắn chân, bơm bột mì làm gạch cho cua khiến không ít người tiêu dùng choáng váng. 

Tại Vũng Tàu, những con cua ghẹ yếu, gãy càng, rụng mai, thậm chí đã chết sẽ được bỏ mối cho các hàng rong. Chỉ cần qua bàn tay “chữa trị” tài tình của người bán, đám ghẹ “thương binh”, “ngất xỉu” này sẽ trở nên tươi rói bóng bẩy như chưa hề chết. Những con cua, ghẹ chết sẽ được gắn lại càng và chân, sau đó ngâm vào thứ nước là hỗn hợp nước, hàn the và bột ngọt, bột mì có màu đục nhờ nhờ. Trong quá trình ngâm, thỉnh thoảng người chế biến còn cho vào nước một chất phụ gia hóa học đựng trong gói nhỏ nhàu nát không rõ nhãn mác.

Phần lớn trong số những con ghẹ này là đồ "phế phẩm" đã qua công nghệ chế biến.
Phần lớn trong số những con ghẹ này là đồ "phế phẩm" đã qua công nghệ chế biến.
Xong công đoạn ngâm ướp để phục hồi hình dạng cho cua, ghẹ, người ta xếp vào một rổ to cho ráo nước, chuẩn bị đến công đoạn bơm gạch. Hỗn hợp gạch giả gồm lòng đỏ trứng vịt, bột mỳ, chất bảo quản trộn lẫn với nhau, được bơm thẳng vào mai.

Sau khi qua nhiều bước “tái sinh”, toàn bộ số cua ghẹ chết trở nên căng mẩy, mai gồ lên những mảng gạch màu vàng rộm, nhìn khác một trời một vực so với hình ảnh nhợt nhạt, bốc mùi lúc trước. Kỹ xảo này còn được áp dụng đối với cua ghẹ đang sống./.

Hồng Anh (Tổng hợp)