Liên tục xảy ra cháy xe, Honda nên làm gì?

26/12/2011 13:31
Tiểu Phương
(GDVN) - “Nếu các dòng xe của Honda tiếp tục xảy ra cháy và khi người tiêu dùng có sự lựa chọn khác, chắc chắn Honda sẽ rơi vào khủng hoảng về uy tín”.
Những ngày gần đây, sự cố xe máy bỗng dưng bốc cháy tiếp tục xảy ra. Đã có thêm nhiều trường hợp xe của các hãng Yamaha, SYM... bị cháy chưa rõ nguyên nhân nhưng phần lớn trong số đó vẫn là các dòng xe của Hãng Honda. Đến thời điểm này, ngoài việc lên tiếng về những nỗ lực phối hợp với cơ quan chức năng tìm ra nguyên gây cháy, nổ xe... những xác nhận của Honda Việt Nam như "không phải tất cả trong số này đều là sản phẩm của Honda" hay "Với một số xe máy bị cháy một phần, sau khi kiểm tra chúng tôi kết luận rằng nguyên nhân gây cháy không phải do chất lượng và đặc tính kỹ thuật của sản phẩm. Với những xe đã cháy hoàn toàn, chúng tôi không thể xác định được nguyên nhân"... trong công văn gửi đến các cơ quan truyền thông của Honda Việt Nam mới đây chưa thể làm những người đang sử dụng sản phẩm của Honda yên tâm.
Sau các vụ cháy, Honda đang tự để uy tín của mình lên tiếng?
Sau các vụ cháy, Honda đang tự để uy tín của mình lên tiếng?
Thậm chí, với khẳng định: hiện hãng xe có thị phần lớn nhất Việt Nam vẫn chưa tìm ra vấn đề kỹ thuật nào của sản phẩm có thể dẫn đến những trường hợp trên của TGĐ Honda Việt Nam, càng khiến người tiêu dùng hoang mang, không còn tự tin lựa chọn xe Honda khi muốn "tậu" một chiếc xe mới.
Thống kê của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho thấy từ ngày 1/12/2010 đến nay, trên địa bàn thủ đô xảy ra 40 vụ cháy ôtô, xe máy gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Trong đó có 11 vụ hỏa hoạn làm cháy 13 xe máy, chủ yếu xảy ra trên đường phố trong quá trình lưu thông.
Phân tích vấn đề này, cô Đỗ Thị Minh Hiền - Giảng viên khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Sự im lặng của Honda lúc này là không nên. “Vì đến một lúc nào đó, Honda sẽ bị cạnh tranh rất mạnh. Nếu Honda cứ im lặng để mặc uy tín của mình lên tiếng thì cơ hội sẽ dành cho những công ty xe khác thể hiện rõ sự quan tâm tới quyền lợi người tiêu dùng. Dù chưa tìm ra nguyên nhân nhưng các công ty xe nên có sự phản hồi tương tác với người tiêu dùng. Sự phản hồi này không chỉ để giải trình nguyên nhân cháy nổ mà còn cần thể hiện được thiện chí và những nỗ lực của công ty vì lợi ích người tiêu dùng", cô Đỗ Thị Minh Hiền cho biết. Theo quan điểm của cô Hiền: Không cần phải nói nên hay không mà đương nhiên, Honda phải tự kiểm tra lại quy trình sản xuất, quy trình kỹ thuật của mình. Bởi lẽ, sự cố cháy, nổ của xe Dream ở Bắc Ninh cùng hàng loạt các xe Lead, Air Blade khác đang ảnh hưởng tới uy tín của họ. Đồng tình với ý kiến của cô Hiền, thầy Trần Quang Huy - Phó trưởng khoa PR&AD, Học viện Báo chí&Tuyên truyền khẳng định: “Honda phải lên tiếng, không thể im lặng”. Theo thầy Huy, mặc dù chưa tìm ra được nguyên nhân các vụ cháy, nổ nhưng Honda cần khẳng định về việc tuân thủ về những quy định về an toàn, kỹ thuật, các công đoạn sản xuất hoặc nói về chính mình, có thể là lời hứa hẹn vẫn tiếp tục duy trì chất lượng và cố gắng hết sức để hoàn thiện hơn… Vừa là khách hàng của Honda và cũng là một người làm trong lĩnh vực truyền thông, chị Phạm Thị Ngọc, đại diện bộ phận PR của Công ty du lịch Hanoi Redtours cho rằng: Nên chăng Honda cũng nên truyền thông, lên tiếng nhiều hơn để đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người tiêu dùng để bảo vệ tốt nhất chiếc xe của mình. Hoặc sau kiểm tra lại toàn bộ quy trình lắp ráp, Honda có thể đưa ra những kết luận cuối cùng nếu chất lượng của mình đảm bảo, lỗi không phải do mình? Ngoài ra, theo chị Ngọc: Sau mỗi sự cố cháy, nổ xe máy, thiệt hại tới tài sản của người sử dụng, các hãng xe nên chia sẻ với người tiêu dùng dù nguyên nhân có thể chưa được làm rõ. “Để bảo đảm uy tín, các hãng xe không thể thờ ơ với người dân. Hơn nữa, tôi nghĩ: chi phí đó cũng không phải quá lớn”, chị Ngọc nhận xét.
Tiểu Phương