Lỗ lũy kế 3.300 tỷ đồng, Jetstar Pacific vẫn được "bơm" vốn đến 3.100 tỷ đồng

28/04/2016 14:34
Mai Anh
(GDVN) - Dù lỗ liên tiếp những năm qua nhưng Jetstar Pacific vẫn được Vietnam Airlines đề nghị tăng 3.100 tỷ đồng vốn điều lệ nhằm mở rộng thị trường.

Theo tờ trình xin phê duyệt chủ trương góp vốn bổ sung vào Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific Airlines (Jetstar Pacific - JPA) trong đợt tăng vốn điều lệ của Jetstar Pacific năm 2016, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - VNA) cho biết, giai đoạn 2016-2020 Jetstar Pacific sẽ được tăng thêm 139 triệu USD (khoảng 3.100 tỷ đồng) vốn điều lệ để phát triển đội bay, mạng bay và tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý…

Máy bay của hãng Jetstar Pacific - Ảnh nguồn: Tuổi trẻ
Máy bay của hãng Jetstar Pacific - Ảnh nguồn: Tuổi trẻ

Dự kiến với việc có thêm vốn, Jetstar Pacific sẽ tăng số lượng máy bay lên 30 chiếc năm 2020, mở rộng đường bay khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Số tiền này được góp từ 2 cổ đông lớn là Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Australia). 

Kế hoạch tăng vốn điều lệ 139 triệu USD cho Jetstar Pacific sẽ chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (đến tháng 6/2016), tăng vốn điều lệ thêm 39 triệu USD; Giai đoạn 2 (tháng 1/2018) tăng thêm 50 triệu USD; Giai đoạn 3 (tháng 8/2019) tăng thêm 50 triệu USD.

Nh vậy trong đợt 1 - tháng 6/2016 tới, vốn điều lệ cho Jetstar Pacific sẽ được tăng thêm 39 triệu USD. Trong đó, với tư cách cô đông lớn nhất (nắm 70% cổ phần), Vietnam Airlines sẽ góp 27,3 triệu USD, Tập đoàn Quantas góp 11,7 triệu USD.

"Trên cơ sở kinh nghiệm của các hãng hàng không trên thế giới trong việc đầu tư vào hàng không giá rẻ và thực tế kinh doanh vận tải hàng không tại thị trường Việt Nam với môi trường kinh doanh bị canh tranh quyết liệt, Vietnam Airlines cần tiếp tục đầu tư tăng vốn vào Jetstar Pacific nhằm cạnh tranh trong phân khúc giá rẻ, chi phí thấp hơn", báo cáo của Vietnam Airlines nêu rõ mục đích việc tăng vốn điều lệ này. 

Song cũng dễ nhận thấy, số vốn góp thêm 39 triệu USD của Vietnam Airlines và Tập đoàn Quantas giai đoạn 1 không thấm vào đâu so với nhu cầu vốn của Jetstar Pacific trong năm 2016.

Cụ thể, năm 2016 Jetstar Pacific cần 10,3 triệu USD để bù mức lỗ lần tăng vốn giai đoạn 2; cần 12,6 triệu USD để khấu hao trang thiết bị phục vụ mặt đất và nhà xưởng; Cần 7,1 triệu USD để đặt cọc mua máy bay; Cần 24 triệu USD để phục vụ sửa động cơ máy bay giai đoạn từ tháng 1/2016 đến tháng 9/2017; Trả nợ cổ đông 10 triệu USD; Đặt cọc đường bay mới 5,5 triệu USD…

Mặc khác, kế hoạch tăng vốn điều lệ cho Jetstar Pacific được đưa ra trong bối cảnh hãng hàng không này đang thua lỗ với các khoản nợ đọng kéo dài. Trong 5 năm gần đây, duy nhất năm 2015 Jetstar Pacific có lãi với số lãi khiêm tốn 270 triệu đồng.

Theo báo cáo của Vietnam Airlines, năm 2011 Jetstar Pacific lỗ 436,7 tỷ đồng; Năm 2012 số lỗ giảm xuống còn 403,8 tỷ đồng; Năm 2013 số lỗ 273,8 tỷ đồng; Năm 2014 Jetstar Pacific tiếp tục lỗ 159 tỷ đồng.

Báo cáo của Vietnam Airlines cũng cho biết, tính đến 31/12/2015, vốn điều lệ của Jetstar Pacific là 2.652 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu âm gần 130 tỷ đồng. Đáng chú ý, Jetstar Pacific lỗ lũy kế tới 3.312 tỷ đồng.

Mai Anh