Lo ngại thanh tra an toàn thực phẩm quấy nhiễu doanh nghiệp, Bộ Y tế nói gì?

16/10/2015 13:31
Mai Anh
(GDVN) - Trước lo lắng này Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng: Quan điểm lấy xây là chính, trước hết nhắc nhở, tuyên truyền, nếu tiếp tục vi phạm mới tiến hành phạt.

Nút thắt con người

Sáng nay ngày 16/10, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận/huyện, xã/phường thị trấn tại TP.Hà Nội và TP.HCM nhằm tổng hợp ý kiến thắc mắc, tháo gỡ khó khăn của các ngành, các địa phương nhằm triển khai thực hiện tốt Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 9/9/2015 và có hiệu lực ngày 15/11/2015.

Hội nghị thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận/huyện, xã/ phường thị trấn tại TP Hà Nội và TP.HCM
Hội nghị thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận/huyện, xã/ phường thị trấn tại TP Hà Nội và TP.HCM

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long đánh giá cao những đột phá trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm trong thời gian qua. Đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tnh hình an toàn thực phẩm trong cả nước nói chung hiện đang có diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự quản lý sâu rộng từ cấp cơ sở. Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thanh tra mới dừng việc thanh tra chuyên ngành cấp tỉnh, thành phố.

Vì vậy Quyết định thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận/huyện, xã/phường thị trấn tại TP.Hà Nội và TP.HCM được Chính phủ đưa ra hết sức đúng đắn, kịp thời nhằm quản lý tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long phát biểu chị đạo tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long phát biểu chị đạo tại Hội nghị.

Trước khi áp dụng thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận/huyện, xã/ phường/thị trấn các tỉnh trong cả nước, việc thực hiện thí điểm tại TP.Hà Nội và TP.HCM có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương tổng kết rút ra kinh nghiệm đồng thời có báo có gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi quyết định nhân rộng ra toàn quốc.
Với thời gian thí điểm 12 tháng, đòi hỏi Hà Nội và TP.HCM phải chuẩn bị tốt nhất điều kiện triển khai. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, một trong những khó khăn của địa phương khi thực hiện Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ là vấn đề con người. "Nút thắt ở đây là con người, Quyết định 38 không cho địa phương tăng số lượng công chức viên chức mà yêu cầu sử dụng cán bộ hiện có, tiến hành đào tạo chuyên môn nghiệp vụ để kiêm nghiệm chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tuy khó khăn nhưng theo Thứ trưởng Long, Quyết định 38 cũng tạo cơ chế mở.

Cụ thể, theo quy định Luật Thanh tra và thanh tra chuyên ngành thì cán bộ thanh tra phải là công chức, được đào tạo chức năng nghiệp vụ thanh tra, có 1 năm kinh nghiệm về chuyên ngành thanh tra. Tuy nhiên trong Quyết định 38 yêu cầu cán bộ tham gia đoàn thanh tra cấp quận/huyện, xã/phường/thị trấn chỉ yêu cầu là công chức, viên chức, am hiểu pháp luật có kinh nghiệm 1 năm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra.

Với quy định mở này, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long sẽ tạo điều kiện cho địa phương dễ trong vấn đề chọn nhân sự kiêm nghiệm.

TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (đứng phát biểu bên phải) phát biểu tại Hội nghị
TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (đứng phát biểu bên phải) phát biểu tại Hội nghị

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, ngay sau khi Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 38, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao cho Cục An toàn thực phẩm làm đầu mối cùng với Thanh tra Bộ Y tế triển khai công tác thực hiện.

“Ngay sau có quyết định của Thủ tướng, Bộ Y tế có công văn số 7366/BYT-ATTP ngày 2/10/2015 gửi đến UBN TP Hà Nội và TP HCM. Nội dung đề nghị địa phương chỉ đạo ngành chức năng thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận/huyện và 10 xã/phường/thị trấn”, TS Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Cũng theo TS Nguyễn Thanh Phong, trong thời gian tới Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với Hà Nội và TP.HCM tổ chức 2 lớp đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực phẩm.

Quan điểm “lấy xây là chính”

Vấn đề thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trước được triển khai tại cơ sở xã/ phường/thị trấn hết sức cấn thiết bởi chính ở đây là đầu mối, nơi sản xuất thực phẩm cung cấp ra toàn thị trường. Để ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm đòi hỏi phải làm tốt công tác quản lý ngay tại nơi sản xuất, chế biến tại các địa phương.

Tuy nhiên theo đại diện Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khi tổ chức đoàn thành tra cấp cơ sở như xã/ phường/thị trấn đòi hỏi công tác quản lý đội ngũ này phải thật tốt tránh việc lạm dụng chức năng quyền hạn gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm tóm tắt Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ
TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm tóm tắt Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ

Được biết số tiền xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm tại địa phương sẽ được giữ lại 100% để làm kinh phí hoạt động. Chính điều này có thể là nguy cơ dẫn đến lạm dụng việc thanh tra quấy nhiễu tình hình sản xuất của doanh nghiệp.

Trước lo lắng này Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: “Quan điểm lấy xây là chính, trước hết nhắc nhở, tuyên truyền, nếu tiếp tục vi phạm mới tiến hành xử phạt”.

Vì thực hiện thí điểm để báo cáo Thủ tướng vì vậy đại diện Bộ Công thương nêu quan điểm Bộ Y tế cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện thí điểm nhằm báo cáo Thủ tướng về quá trình thực hiện.

Tại Hội nghị, đại diện ban ngành Hà Nội và TP.HCM lần lượt nêu ra khó khăn lường trước khi thực hiện Quyết định số 38.

Đại diện Sở Y tế Hà Nôi đưa vấn đề do không tăng biên chế dựa trên cán bộ có sẵn để kiêm nghiệm đặt ra vấn đề ai sẽ là người quản lý, phân công nhiệm vụ cho các tổ thanh tra, kiểm tra cấp cơ sở. Mặt khác do vấn đề kiêm nghiệm nên đặt ra vấn đề chồng chéo trong nhiệm vụ công tác.

Trong khi đó, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nêu bất cập trong quản lý cơ sở giết mổ. Theo đó Hà Nội có khoảng 2.500 cơ sở giết mổ, việc thanh tra, kiểm tra quản lý cơ sở giết mổ không dễ. Chưa nói đến việc giết mổ tại chợ để làm tốt công tác quản lý, thanh tra kiểm tra cần cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ.

Bên cạnh đó vấn đề quản lý vấn đề rau, vùng sản xuất rau tập trung cũng còn nhiều bất cập. Với 12.000 ha rau nhưng hiện mới có 5.500 ha rau có cán bộ thực vật quản lý tư vấn người dân chăm sóc, cùng với nguồn rau từ 18 địa phương ký kết với Hà Nội, để kiểm tra thanh tra không dễ.

Đại diện quận Nam Từ Liêm (1 trong 5 quận huyện được chọn thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành tại Hà Nội) đề nghị Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội sớm có lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ được chọn tham gia thanh tra, kiểm tra cơ sở và có hướng dẫn vấn đề xử lý tiêu hủy với sản phẩm thực phẩm vi phạm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Sở Y tế TP.HCM đề nghị Bộ Y tế có hỗ trợ cho xã/phường/thị trấn dụng cụ test kiểm tra an toàn thực phẩm, tài liệu hướng dẫn giúp nâng cao nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ kiêm nghiệm, giúp phát hiện sai phạm của tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh an toàn thực phẩm.

Mai Anh