Lo sợ bị trừ tiền, khách hàng 3 nhà mạng lớn vội nhắn tin hủy dịch vụ gia tăng

27/09/2016 14:31
Hồng Minh
(GDVN) - Để tránh bị mất tiền oan, những ngày qua hàng loạt khách hàng của các nhà mạng chia sẻ các cú pháp để nhắn tin, kiểm tra thuê bao của mình...

Sau khi Công ty SAM MEDIA - một doanh nghiệp từ Trung Quốc bị Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hà Nội xử phạt hành chính 55 triệu đồng các vi phạm liên quan đến cung cấp dịch vụ cho thuê bao di động, gần 94.000 khách hàng của 4 nhà mạng MobiFone, VinaPhone, Viettel và Vietnammobile mới "ngã ngửa" khi biết trong suốt 3 năm qua, họ phải chi trả cho các dịch vụ mà công ty này liên kết cung cấp với các nhà mạng lên đến số tiền 230,4 tỷ đồng.

Để tránh bị mất tiền oan, những ngày qua hàng loạt khách hàng của các nhà mạng chia sẻ các cú pháp để nhắn tin, kiểm tra thuê bao của mình có đang sử dụng và bị cài đặt những dịch vụ giá trị gia tăng nào mà mình không biết.

Qua đó, nhiều thuê bao đã phát hiện mình đang phải trả tiền cho rất nhiều dịch vụ mà ngay cả bản thân họ không biết được cài đặt từ khi nào. Trong đó, nhiều dịch vụ do chính nhà mạng cung cấp. 

Việc kiểm tra, phát hiện các dịch vụ gia tăng trên thuê bao di động trở nên bùng phát khi một nhà báo nổi tiếng, giữ vị trí cao tại một tờ báo lớn ở TP.HCM, là khách hàng của nhà mạng MobiFone, chia sẻ thông tin trên trang cá nhân cho biết, anh cũng là nạn nhân của "dịch vụ tự kích hoạt trừ tiền" bao lâu nay mà không biết.

Theo đó, khi anh nhắn cú pháp KT gửi 994 để kiểm tra, kết quả phát hiện có đến 10 dịch vụ của MobiFone có trả phí được cài từ năm nào.

Dịch vụ Thegioinhac được đăng ký trên số thuê bao anh H lúc nào ngay chính người dùng cũng không biết, vì thế 3 tháng qua MobiFone âm thầm kiếm về từ khách hàng 180.000 đồng - ảnh Facebook anh H
Dịch vụ Thegioinhac được đăng ký trên số thuê bao anh H lúc nào ngay chính người dùng cũng không biết, vì thế 3 tháng qua MobiFone âm thầm kiếm về từ khách hàng 180.000 đồng - ảnh Facebook anh H 

Trong đó, riêng dịch vụ thế giới nhạc được MobiFone tự động cài đặt từ ngày 29/6/2016, cước mỗi ngày 2.000 đồng, như vậy, MobiFone lấy của anh 180.000 đồng trong 3 tháng qua. 

Chỉ cần làm một phép tính đơn giản: Theo báo cáo, hiện MobiFone có 55,5 triệu thuê bao, nếu tính ở mức nhẹ nhất, mỗi thuê bao chỉ bị trừ 1.000 VND/ngày. Và giả sử chỉ có 80% số thuê bao của MobiFone hoạt động, thì mỗi ngày người dân Việt Nam bị hãng điện thoại này móc túi oan 42,5 tỷ đồng.

Không chỉ riêng nhà báo trên, thời gian qua đã có rất nhiều khách hàng của các nhà mạng bị mất tiền oan vì các dịch vụ tự kích hoạt của các nhà mạng. Tuy nhiên với tâm lý số tiền bị trừ không nhiều, phản ánh mất thời gian nên họ đã âm thầm hủy dịch vụ hoặc cho qua.

Chính vì thế, chia sẻ của nhà báo trên đã đánh đúng vào nỗi bức xúc lâu nay của đông đảo khách hàng các nhà mạng. Bằng chứng là chỉ sau vài ngày lên tiếng, bài viết của anh đã nhận được gần 5.000 lượt bình luận và hơn 2.000 chia sẻ.

Phần lớn các bình luận đồng tình với vấn đề anh nêu ra và bày tỏ bức xúc, phẫn nộ với cách làm của nhà mạng, đặc biệt là MobiFone.

Bị MobiFone âm thầm móc túi khách hàng tá hỏa nhắn tin kiểm tra - ảnh nguồn Mobifone
Bị MobiFone âm thầm móc túi khách hàng tá hỏa nhắn tin kiểm tra - ảnh nguồn Mobifone

Tài khoản Hoang Anh Phuong cho biết: Tôi cũng là khách hàng MobiFone bị họ cài dịch vụ "Lễ hội", mỗi ngày vào lúc 0h30 sáng từ máy của tôi đều có 1 tin nhắn gửi đến 1 số từ số điện thoại lạ phí 4,800 đồng, đều đặn mỗi tháng tôi phải trả thêm phí "dịch vụ gia tăng này gần 200.000 đồng, trong gần 1 năm cho đến khi tình cờ phát hiện ra”.

Bên cạnh đó nhiều chia sẻ khác thắc mắc về dịch vụ như Mobi Radio, mPus,mGame... là gì và tại sao lại được đăng ký trên số thuê bao MobiFone của mình.

Nhiều khách hàng MobiFone cho biết, khi họ khiếu nại hoặc thắc mắc qua tổng đài về các dịch vụ tự kích hoạt này thì MobiFone lý giải, một số dịch vụ tự động cài dùng thử, sau thời gian đó người dùng không nhắn tin hủy dịch vụ thì coi như tự phát sinh và bị thu cước bất kể có dùng hay không.

Tuy nhiên, khách hàng của MobiFone phản bác đây là cách giải thích không có đạo đức kinh doanh. Anh mời tôi mua hàng, dùng thử, sau đó tôi không hồi âm thì anh phải hiểu là tôi không cần dịch vụ hoặc hàng hóa ấy. Sao lại trừ nghiến tiền của người ta được?

Qua đó, không ít ý kiến đề nghị tập hợp sai phạm MobiFone những thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng đế khởi kiện nhà mạng này nhằm bảo vệ và đòi lại quyền lợi hợp pháp cho khách hàng.

Cùng với việc phát hiện nhiều dịch vụ của MobiFone âm thầm kích hoạt, khách hàng của các nhà mạng khác cũng vội vàng tìm hiểu và chia sẻ các cú pháp nhằm kiểm tra tình trạng sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng cũng như tìm cách hủy các dịch vụ này. 

Theo đó, nếu sử dụng mạng Viettel, khách hàng soạn TC gửi 1228; MobiFone soạn KT gửi 994; VinaPhone soạn TK gửi 123. 

Nhiều khách hàng MobiFone cho biết, sau khi nhắn tin KT gửi 994, họ phát hiện đang sử dụng nhiều dịch vụ mà không biết.
Nhiều khách hàng MobiFone cho biết, sau khi nhắn tin KT gửi 994, họ phát hiện đang sử dụng nhiều dịch vụ mà không biết. 

Được biết, MobiFone hiện đang cung cấp hơn 40 dịch vụ về giải trí như Adam&Eva, ClipZone, GameZone, 2Funny, Mobi Radio... Hơn 30 dịch vụ chuyên về thông tin như an ninh xã hội, thông tin thời tiết, m thể thao, bạn nhà nông, m care, m voice... 4 dịch vụ giáo dục và gần 20 dịch vụ về tiện ích.

Viettel và VinaPhone cũng đang cung cấp hàng chục dịch vụ gia tăng về các lĩnh vực giải trí tổng hợp, dịch vụ quảng cáo, âm nhạc, tiện ích, game, tin nhắn, sách truyện, tổng đài thông tin.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam về những bất cập trong quản lý dịch vụ giá trị gia tăng hiện nay, LS. Trương Anh Tuấn cho rằng, nhà mạng phải minh bạch thông tin  dịch vụ với khách hàng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần quy định tất cả các dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ nhận thông tin quảng cáo phải được chủ thuê bao chủ động soạn tin nhắn đăng ký đến.

“Ví dụ tôi muốn nhận thông tin về giá vàng, giá USD hàng ngày tôi phải chủ động nhắn tin đến và nhà mạng phải có tin nhắn phản hồi xác nhận xem đúng là chủ thuê bao đăng ký dịch vụ đó không. Phải chặt chẽ như vậy thì người tiêu dùng mới không bị “móc túi”, LS. Tuấn cho biết.

TS Trương Anh Tuấn cũng khẳng định, nếu chứng minh được các dịch vụ gia tăng tự kích hoạt, trừ tiền, người tiêu dùng có quyền khởi kiện để yêu cầu nhà mạng trả lại tiền thỏa đáng. 

Hồng Minh