Lợi ích đích thực đường bay thẳng dưới góc nhìn của Chủ tịch HASCON

12/09/2014 10:34
Hồng Minh
(GDVN) - TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM (HASCON) vừa đưa ra phương pháp tính toán cụ thể về lợi ích đường bay thẳng.

Ngay sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức cuộc họp và công bố thông tin về đường bay thẳng trong đó Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) khẳng định kết quả thử nghiệm đường bay thẳng bằng Hệ thống buồng lái tự động (SIM) vừa qua là đáng tin cậy, nhiều chuyên gia hàng không đã bày tỏ góc nhìn khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng kết quả thử nghiệm đường bay thẳng do Cục HKVN công bố chưa khách quan, đúng với thực tế.

Đường bay thẳng và đường bay hiện nay giữa Hà Nội và TP HCM - Đồ họa: PHƯƠNG ANH
Đường bay thẳng và đường bay hiện nay giữa Hà Nội và TP HCM - Đồ họa: PHƯƠNG ANH

Liên quan vấn đề này trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM, người dày công nghiên cứu đưa ra phương pháp tính toán khoa học cụ thể cho rằng kết quả bay thử đường bay thẳng tiết kiệm 85 km, 190 kg dầu và 5 phút bay vừa được Cục HKVN đưa ra chỉ là kết quả đường bay thẳng theo hành trình Hà Nội – TP.HCM.

“Kết quả này phù hợp với những tính toán khoa học của chúng tôi trước khi có cuộc bay thử của Cục Hàng không Việt Nam, ngắn được 85 km, và giảm được 5,7 phút bay”, TS Phúc cho biết. 

Tuy nhiên điều quan trọng cuộc bay thử nghiệm vừa qua Cục Hàng không chỉ bay thử từ Hà Nội vào TP.HCM mà không bay thử chiều ngược lại TP.HCM ra Hà Nội. 

“Theo tính toán của chúng tôi, đường bay từ TP.HCM - Hà Nội hiện nay dài hơn đường bay Hà Nội vào TP.HCM là 40 km, lý do là máy bay cất cánh ở Tân Sơn Nhất phải quay vòng 180 độ về phía đông để đi qua trạm Xuân Lộc. Vì vậy, nếu thực hiện đường bay thẳng TP.HCM ra Hà Nội sẽ tiết kiệm được thêm 40 km này. Qua đó, nếu bay thẳng TP.HCM - Hà Nội sẽ tiết kiệm được tổng quãng đường là 85+40 = 125 km”, TS Phúc đưa ra cách tính. 

TS Nguyễn Bách Phúc. (Ảnh Tiền Phong).
TS Nguyễn Bách Phúc. (Ảnh Tiền Phong).

Tiếp tục đưa phép tính, TS Phúc cho hay, chiều dài quãng đường trung bình của cả 2 chiều sẽ giảm được (85 + 125)/2 = 105 km, thay vì chỉ 85 km và thời gian bay giảm được khoảng 7 phút chứ không phải chỉ 5 phút. 

TS Nguyễn Bách Phúc cho biết sau năm 2009, Cục HK đã 2 lần nắn lại đường bay, tuy nhiên, Cục không công bố lộ trình của đường bay hiện tại mà chỉ công bố con số chiều dài đường bay Hà Nội-TP.HCM hiện tại là 1.274 km.

“Con số 1.274 km là đường bay ngắn nhất có thể, nằm hoàn toàn trên không phận Việt Nam mà chúng tôi đã xác định trước đó bằng tính toán khoa học”, TS Phúc nói.

Về lợi ích đích thực của đường bay thẳng, TS Nguyễn Bách Phúc chia ra cần 2 lợi ích: Thứ nhất lợi nhuận của các hãng hàng không, thứ hai là lợi ích thực mà đất nước và con người thu được.

Lợi nhuận của các hãng hàng không theo TS Phúc chủ yếu phụ thuộc 3 yếu tố: Thứ nhất, do giảm tiêu hao nhiên liệu. “Theo tính toán của Cục Hàng không, máy bay Airbus A320 sẽ mất 1 giờ 42 phút, tiêu thụ gần 4,7 tấn nhiên liệu để đi hết đoạn đường 1.274 km. Như vậy, nếu rút ngắn 85 km, thì sẽ giảm 4.700 x 85/1.274 =  314 kg, chứ không phải chỉ 190 kg. Còn nếu rút ngắn 105 km như tính toán của chúng tôi, thì sẽ giảm 4.700x105/1.274 =  387 kg”, TS Phúc đưa ra phương pháp tính.

Giá nhiên liệu máy bay hiện nay khoảng 1,65 USD/kg. Tiền tiết kiệm nhiên liệu sẽ là 387x1,65 = 638 USD.

Thứ hai, do giảm tiền khấu hao tàu bay. Giá tàu bay A320 từ 73,3 triệu đến 86,7 triệu USD, bình quân 80 triệu USD. Tuổi thọ khoảng 60.000 giờ bay. Tiền khấu hao cho 1 phút bay là: 80 triệu/60nghìn giờ/60 phút = 22,2 USD/phút. Giảm 7 phút bay, tiền khấu hao giảm 22,2x7 = 155 USD.

Thứ ba, phí bay qua không phận Lào và Campuchia. Theo Cục Hàng không, máy bay Airbus A320 sẽ mất  622 USD cho Lào và Campuchia.

“Như vậy, mỗi chuyến bay thẳng, lợi nhuận của các hãng bay thu về sẽ là 638 + 155 – 622 = 171 USD . Lợi nhuận này đã quá rõ ràng, chưa kể Việt Nam còn thương lượng để giảm bớt giá quá cảnh”, TS Nguyễn Bách Phúc đưa ra con số tính toán.

Về lợi ích thực mà đất nước và con người thu được chủ yếu của đường bay thẳng là tiết kiệm thời gian. TS Phúc tính toán tàu bay A320 chở 180 hành khách. Mỗi chuyến bay tiết kiệm 7 phút,  Tổng số thời gian tiết kiệm là 7 phút x 180 = 1.260 phút.

“Ai cũng nói thời gian là vàng bạc, nhưng tính được bao nhiêu vàng bạc cho 1 phút làm việc là bài toán rất khó, phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Theo cách tính toán gần đúng của chúng tôi, thì giá lao động bình quân của người Việt Nam hiện nay vào khoảng 0,02 USD/phút. Như vậy mỗi chuyến bay sẽ tiết kiệm cho đất nước được 0,02x1.260 = 25 USD”, TS Phúc cho biết thêm.

Ở tương lai không xa khi Việt Nam tiến lên đuổi kịp các nước tiên tiến, thì giá công lao động bình quân có thể tăng gấp 30 lần hiện nay, lúc đó ông Phúc cho rằng mỗi chuyến bay sẽ tiết kiệm cho đất nước và con người được 0,02 x 1260 x 30 = 755 USD.

Một ý nghĩa quan trọng nữa, giảm giờ bay là giảm rủi ro cho hành khách. Hiện nay con người đã đạt trình độ rất cao trong an toàn hàng không, nhưng tỷ lệ rủi ro vẫn chưa thể giảm xuống bằng không. Mỗi hành khách ngồi lên máy bay là phải chấp nhận những rủi ro không lường trước. 

“Thời gian bay giảm được phút nào là giảm bớt nguy cơ rủi ro phút đó. Ví dụ đường bay này mỗi năm có 20 triệu lượt người bay, thì thời gian giảm bớt nguy cơ rủi ro cho tất cả hành khách sẽ là 7 phút x 20 triệu = 140 triệu phút”, Chủ tịch HASCON đưa ra tính toán.

Hồng Minh