Lùi thời gian thu phí BOT chỉ là động tác lấy lòng dư luận của Bộ Giao thông

06/01/2016 09:08
Mai Anh
(GDVN) - Theo ông Bùi Danh Liên, việc Bộ Giao thông vận tải đề nghị lùi thời gian thu phí chỉ là động tác lấy lòng dư luận vì thực tế trước sau gì cũng thu.

Nghịch lý phí xăng không bằng phí cầu đường...

BOT là tên viết tắt tiếng Anh của hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng giao thông và tiến hành thu phí trong một thời hạn nhất định. Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho nhà nước.

Ưu điểm lớn nhất hình thức đầu tư BOT chính là việc nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư nhưng về lâu dài vẫn hưởng thụ kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này giúp tiết kiệm ngân sách, dùng khoản ngân sách đó để đầu tư lĩnh vực khác.

Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách gặp khó khăn, hình thức đầu tư BOT được lựa chọn như giải pháp hoàn hảo. Tuy nhiên, trước việc tăng phí đường bộ tại các tuyến đường BOT cũng như thời gian thu phí trên các tuyến đường này kéo dài khiến người dân đặt nhiều câu hỏi. 

Sau các dự án nâng cấp, cải tạo đường theo hình thức đầu tư BOT, trạm thu phí mọc lên như nấm - Trạm thu phí Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn huyện Lương Sơn (Hòa Bình) bắt đầu thu phí từ 20/10/2015 gây bức xúc dư luận - ảnh H.Lực.
Sau các dự án nâng cấp, cải tạo đường theo hình thức đầu tư BOT,  trạm thu phí mọc lên như nấm - Trạm thu phí Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn huyện Lương Sơn (Hòa Bình) bắt đầu thu phí từ 20/10/2015 gây bức xúc dư luận - ảnh H.Lực.

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội ví von, dự án BOT đường hiện nay như “nấm mọc sau mưa” và “BOT như miếng bánh ngọt với nhóm lợi ích nhưng đắng với người dân, doanh nghiệp vận tải”.

Để chứng minh điều này, ông Liên cho biết trực tiếp ông và cán bộ của Hiệp hội Vận tải Hà Nội tổ chức khảo sát tuyến đường Ninh Bình – Cầu Giẽ bằng xe ô tô 4 chỗ, qua cả hai đường quốc lộ 1A cũ và đường cao tốc mới cho thấy, tiền xăng thấp hơn phí cầu đường.

Cụ thể, phí cầu đường được tính 1,5 nghìn đồng/km trong khi tiền xăng 1,2 nghìn đồng/km. Điều này cho thấy bất hợp lý trong cơ cấu giá thành vận tải hiện nay. 

Lùi thời gian thu phí BOT chỉ là động tác lấy lòng dư luận của Bộ Giao thông ảnh 2

Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp thu phí "cắt cổ" dân trên Quốc lộ 6

Lùi thời gian thu phí BOT chỉ là động tác lấy lòng dư luận của Bộ Giao thông ảnh 3

Đường BOT dân đang đi, chỉ trải nhựa mà thu phí như đường mới khác gì móc túi?

“Cục Quản lý Giá (Bộ Tài Chính) đưa ra tính toán xăng dầu chiếm 40% - 45% cơ cấu giá thành nhưng đánh giá đó hiện nay không đúng. Diễn biến cơ cầu giá hiện nay đã khác. Phải nói lại là chính phí đường bộ mới là gánh nặng đẩy cơ cấu giá thành vận tải lên, đẩy giá hàng hóa tăng lên”, ông Bùi Danh Liên khẳng định. 

Ông Liên cho biết, các dự án đầu tư BOT làm đường hiện nay có 4 bất cập lớn: Thứ nhất không minh bạch trong đấu thầu.

“Tôi theo dõi hầu như các dự án làm đường BOT đều không đấu thầu công khai mà chủ yếu chỉ định. Đó là không minh bạch”, ông Liên nhấn mạnh.

Thứ hai, mức thu phí sau khi đầu tư quá cao. Phí cao là do mức đầu tư lớn, mức đầu tư lớn là do khảo sát đánh giá chưa đúng với thực tế, đầu tư bị đội vốn.

Thứ ba, triển khai quá nhiều dự án làm đường mới, cải tạo đường bằng nguồn vốn BOT để thu phí.

Thứ tư những bất hợp lý trong việc đặt trạm thu phí, thời gian thu phí.

“Nói BOT là miếng bánh ngọt bởi người ta đua nhau làm BOT, từ doanh nghiệp không có chuyên môn làm đường cũng nhảy vào, ngân hàng xếp hàng để cho vay BOT, đến nguyên Bộ trưởng khi về nghỉ hưu cũng làm BOT. Phải có lợi người ta mới làm, dù không nói ra nhưng người dân hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn có lợi ích nhóm trong đầu tư BOT”, ông Liên nêu quan điểm.

... đường cải tạo phí cao như đường mới

Gây bức xúc nhất trong dư luận đằng sau dự án đường BOT là việc thu phí, tăng phí. Dù mức tăng phí, mức thu phí là kết quả làm việc của nhiều bộ ngành nhưng theo ông Liên, trách nhiệm đầu tiên thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Ông Liên chỉ rõ, hình thức đầu tư BOT chỉ nên áp dụng khi cần thiết xây dựng mới tuyến đường huyết mạch mang tính trọng yếu để phục vụ phát triển kinh tế đất nước, ví dụ đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Nhưng thực tế, hình thức đầu tư BOT được Bộ Giao thông vận tải áp dụng hầu hết trong các dự án đầu tư, nâng cấp cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông.

“Bức xúc nhất là việc đưa hình thức BOT vào việc nâng cấp tuyến đường được xây dựng bằng tiền thuế của dân trước đó rồi thu phí cao như đường xây mới hoàn toàn cụ thể là tuyến đường Bắc Ninh – Bắc Giang và Pháp Vân - Cầu Giẽ”, ông Liên bày tỏ.

Bản thân ông cũng như doanh nghiệp vận tải trong Hiệp hội Vận tải Hà Nội từng đi trên tuyến đường Bắc Ninh – Bắc Giang, mặt đường vẫn tốt, doanh nghiệp không kêu ca gì nhưng "bỗng một ngày đẹp trời", Bộ Giao thông vận tải đè ra cải tạo đường bằng việc trải lớp nhựa mới rồi thu phí.

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội (ảnh H.Lực)
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội (ảnh H.Lực)

Tương tự với tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, ông Liên cho rằng tuyến đường này ít xảy ra tai nạn hoặc tai nạn không do vấn đề chất lượng đường mà do ý thức người tham gia giao thông. Về vấn đề ùn tắc, theo ông Liên chỉ xảy ra ngày lễ tết, với kết cấu hạ tầng giao thông không đồng bộ như ở nước ta, ách tắc giao thông dịp lễ tết là điều dễ hiểu.

“Dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là tốt nhưng thực tế đã mở rộng đâu, anh mới chỉ dải lớp nhựa nhưng đã tiến hành thu phí cao ngang với đường cao tốc mới xây dựng mức thu đó chưa minh bạch, vô lý”, ông Liên nhấn mạnh.

Theo ông Liên, ở Việt Nam phí đường bộ đang phí chồng phí, mức phí lại cao. So sánh mức phí đường bộ tại Việt Nam và các nước trong khu vực như Thái Lan, ông Liên khẳng định phí đường bộ Việt Nam cao gấp nhiều lần.

“Bộ Giao thông vận tải đưa hình thức đầu tư BOT vào dự án và đưa mức phí chưa căn cứ vào sức mua. Lựa chọn hình thức đầu tư thế nào, mức phí bao nhiêu phải dựa vào thu nhập, sức mua của dân chứ không phải dựa trên việc đầu tư bao nhiêu tiền, đầu tư bao nhiêu lần”, ông Liên nói.

“Ở nước ta, qua thời gian dài không làm được quy hoạch, cầu đường xuống cấp, chỉ tiến hành duy tu bảo dưỡng. Việc đầu tư cải tạo cần thiết nhưng phải tính toán cân nhắc xem làm tuyến đường nào, chứ không phải làm gì cũng BOT.

Những tuyến đường còn khai thác được cứ để đó khai thác, như tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, Bắc Ninh – Bắc Giang… người dân, doanh nghiệp vận tải vẫn sử dụng thì không cần thiết cải tạo nâng cấp sau đó lấy cớ thu phí, tạo gánh nặng cho người dân”, ông Liên đề xuất.

Phải giảm 40% mức thu phí hiện nay 

Việc Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét lùi thời gian thu phí nhưng không được Bộ Tài chính và doanh nghiệp chấp nhận, dẫn đến việc cùng lúc 23 trạm thu phí tại các tuyến đường đầu tư BOT bắt đầu tăng giá kịch trần từ sau 1/1/2016.

Thực tế ghi nhận tại nhiều trạm thu phí do bức xúc mức thu cao, nhiều doanh nghiệp đã cho xe chặn lối vào trạm thu phí gây ách tắc giao thông để phản đối.

Trước vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng việc doanh nghiệp bao vây trạm thu phí là hành động chưa đúng nhưng chỉ mang tính bộc phát, bởi doanh nghiệp bức xúc trước mức thu phí quá cao.

Theo ông Liên, việc Bộ Giao thông vận tải đề nghị lùi thời gian thu phí chỉ là động tác lấy lòng dư luận.

“Theo tôi không phải lùi thời gian vì sớm muộn cũng phải thu mà là giảm mức thu phí, giảm 40% so với hiện nay. Trước mắt giảm, sau đó khi kinh tế ổn định bớt khó khăn tăng dần chứ không nên tăng một lúc kịch trần như hiện nay”, ông Liên cho biết.

Riêng việc Bộ Tài chính bác đề nghị lùi thời gian thu phí với những lý giải theo ông Liên thể hiện sự cửa quyền.

Ông Liên cho biết, Bộ Tài chính cho rằng Bộ Giao thông vận tải có văn bản chậm, phải ban hành thông tư hướng dẫn, vé đã in. Lý do đưa ra của Bộ Tài chính đều phản cảm, thể hiện sự không quan tâm dư luận xã hội, cơ chế hành chính máy móc, vô lý.

“Mức phí tăng trong điều kiện nợ công tăng khiến dư luận đặt câu hỏi liệu đây có phải phương pháp để tận thu trong lúc tài chính khó khăn? Cơ quan quản lý phải tự xem xét lại. Đã đến lúc Bộ Giao thông vận tải cần cân nhắc, nhất vấn đề vốn đầu tư, hình thức đầu tư tránh bức xúc trong dư luận”, ông Liên nêu quan điểm. 

Mai Anh