Muốn cạnh tranh TPP, doanh nghiệp sữa phải "Giảm giá thành, nâng chất lượng"

20/11/2015 07:35
Mai Anh (thực hiện)
(GDVN) - Theo ông Lê Tiến Dũng - Phó TGĐ IDP chỉ có giảm giá thành đầu vào nâng cao sản lượng chất lượng sữa mới có thể cạnh tranh được khi hội nhập TPP.

Sau hơn 1 tháng kết thúc đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngày 18/11/2015 bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, lãnh đạo các nước tham gia đàm phán TPP đã thống nhất sẽ ký kết TPP vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand. Các nước sẽ có 2 năm để quốc hội thông qua trước khi TPP chính thức có hiệu lực từ năm 2018.

Theo phân tích của các nhà kinh tế, Việt Nam sẽ có hai năm để chuẩn bị trước sân chơi lớn mà với đầy cơ hội và thách thức. Lo lắng nhất hiện nay là khi hàng rào thuế quan trong nội khối TPP bị gỡ bỏ, sản phẩm các nước trong khối TPP sẽ tràn ngập thị trường Việt.

Riêng với ngành chăn nuôi bò sữa và thị trường sữa Việt, những lo ngại xuất phát từ việc trong khối TPP có hai cường quốc chăn nuôi bò sữa, cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất sữa là Australia và New Zealand.

Các nước tham gia TPP (ảnh minh họa - nguồn NLĐ)
Các nước tham gia TPP (ảnh minh họa - nguồn NLĐ)

Theo thỏa thuận, đến năm 2018 thuế nhập khẩu sản phẩm sữa trong khối TPP bằng 0. Khi đó, sản phẩm sữa của Australia và New Zealand sẽ vào thị trường Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp sữa Việt dễ dàng với giá thành rẻ do không chịu thuế.

Với thương hiệu trẻ như Công ty Cổ phần Sữa quốc tế IDP, tác động TPP được xem sẽ lớn hơn những đại gia khác trong ngành sữa, tuy nhiên ở một khía cạnh khác, TPP cũng chính là cơ hội tốt để IDP bứt lên nếu biết chủ động nắm bắt thời cơ.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Dũng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sữa quốc tế IDP.

- Ông đánh giá như thế nào về sự kiện Việt Nam tham gia TPP? Liệu TPP có tác động đến ngành chăn nuôi bò sữa?

Ông Lê Tiến Dũng: Sự kiện Việt Nam kết thúc đàm phán đi đến ký kết tham gia TPP là cơ hội rất lớn cho kinh tế Việt Nam đồng thời đặt ra thách thức cho kinh tế Việt Nam trong đó có ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Việt Nam nói riêng.

Ông Lê Tiến Dũng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sữa quốc tế IDP
Ông Lê Tiến Dũng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sữa quốc tế IDP

Như nhận định của ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thì TPP sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đó theo hướng tiêu cực. Điều này đặt ra cho ngành nuôi Việt Nam phải làm sao nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành đầu vào nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Biết trước tác động TPP với ngành sữa, IDP đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Ông Lê Tiến Dũng: Nguồn nguyên liệu sữa của IDP là vùng sữa tươi Ba Vì, sữa tươi nguyên liệu IDP thu mua từ các nông hộ của người dân. Hướng phát triển này giúp người dân tự phát triển kinh tế bằng chăn nuôi bò sữa, không phải quy hoạch thu hồi đất.

Tuy nhiên do thu mua sữa từ các nông hộ nên thách thức đặt ra cần nâng cao chất lượng, sản lượng sữa.

Trước vấn đề này, IDP đã phối hợp với Trung tâm chăn nuôi Hà Nội hướng dẫn nông dân chọn con giống, chế độ dinh dưỡng cho bò, chuyển giao khoa học kỹ thuật hỗ trợ chăn nuôi công nghệ cao để nâng cao sản lượng sữa, hạ giá thành sản phẩm. 

Khi hạ giá thành sữa tươi nguyên liệu, doanh nghiệp cũng sẽ hạ giá thành sản phẩm qua đó tạo cơ hội cạnh tranh tốt hơn cho sản phẩm sữa trên thị trường trong nước.

- TPP tác động đến ngành chăn nuôi bò, vậy IDP có chính sách nào hỗ trợ người nông hộ nuôi bò?

Ông Lê Tiến Dũng: Chúng tôi khẳng định thu mua sữa nguyên liệu cho nông dân theo giá thị trường và cam kết thu mua toàn bộ sữa của nông dân trong danh sách nông hộ mà IDP đã ký hợp đồng thu mua sữa. Trong trường hợp số lượng sữa vượt quá hợp đồng đã ký kết chúng tôi sẽ thỏa thuận lại.

Xin khẳng định, người chăn nuôi bò sữa trong danh sách quản lý của IDP chưa bao giờ phải đổ sữa.

- IDP có kiến nghị gì với Hà Nội nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp cũng như ngành chăn nuôi bò sữa tại Hà Nội?

Ông Lê Tiến Dũng: IDP mong muốn sở, ban ngành Hà Nội có những chính sách quan tâm hỗ trợ nông dân chuyển đổi quy mô chăn nuôi hộ gia đình với hiệu quả kinh tế không cao hiện nay sang quy mô trang trại có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật tăng năng suất sữa trên từng con bò. Tăng năng suất sữa trên số lượng bò hiện tại không tăng số lượng bò theo cơ học.

Bên cạnh đó có những chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp như vay vốn, thuê đất dài hạn. Đồng thời mong muốn Hà Nội có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp cũng là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sữa do nông dân các huyện, xã trên địa bàn thủ đô sản xuất.

- Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào, IDP đã chuẩn bị như thế nào để sản phẩm sữa của IDP đủ sức cạnh tranh với sản phẩm sữa các nước khối TPP?

Ông Lê Tiến Dũng: Xác định người tiêu dùng mong muốn sử dụng sản phẩm tốt hơn với giá cả cạnh tranh vì thế nhiệm vụ của IDP là tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu hơn tác dụng sản phẩm sữa tươi và cam kết đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm sữa tươi chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng như công bố với giá thành hợp lý để người tiêu dùng sản phẩm.

- Xin cảm ơn ông!

Mai Anh (thực hiện)