Nếu không được vay vốn ưu đãi: Đại gia Đức Khải “vỡ mộng” ra khơi?

13/08/2014 13:36
Minh Hồng
(GDVN) - Chỉ có 10% vốn, còn 90% phải đi vay ưu đãi vì vậy chỉ cần cái “lắc đầu” của cơ quan quản lý đồng nghĩa với việc Công ty Đức Khải sẽ “vỡ mộng” ra khơi.

Công ty Đức Khải khó "đi tắt đón đầu" chính sách

Ngày 12/8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan về tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (sẽ có hiệu lực từ ngày 25/8/2014) về một số chính sách phát triển thủy sản. Trong đó đáng chú ý là chính sách cho vay ưu đãi.

Cụ thể với ngư dân sẽ được vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu, bao gồm cả máy móc, ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa, tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và công suất máy chính.

Hình ảnh một số tàu đã được Đức Khải đặt mua tại Hàn Quốc.
Hình ảnh một số tàu đã được Đức Khải đặt mua tại Hàn Quốc.

Thời hạn vay là 11 năm, riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi suất và chưa phải trả nợ gốc; Lãi suất quy định từ 1-3%/năm tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính đối với tàu đóng mới, nâng cấp. Riêng năm đầu tiên, ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu từ 4-6%/năm tùy thuộc loại tàu và công suất máy.

Để tránh tình trạng ngư dân không nắm hết chính sách, bị “cò mồi” lợi dụng để lấy “phết phẩy”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ không cho vay ưu đãi tràn lan, chỉ hỗ trợ người có nghề cá hoạt động hiệu quả, có khả năng tài chính và phương án sản xuất... Ngoài ra, đối tượng này phải được chính quyền địa phương xác nhận, giới thiệu để vay vốn...

Trước ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, có thể thấy quyết tâm của Chính phủ nhằm đưa Nghị định 67 tiếp cận đúng đối tượng là ngư dân nhằm phát triển đội tàu đánh cá xa bờ, đi liền với phương thức sản xuất, đánh bắt mới nhằm nâng cao đời sống ngư dân, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Cũng liên quan đến Nghị định 67, trước đó nhiều người trong ngành thủy sản từng đặt nghi vấn đề xuất trình lên Thủ tướng xin vay hàng nghìn tỷ đồng để mua sắm 100 tàu cá, 2 máy bay trực thăng, 2 ụ nổi ra khơi đánh bắt thủy sản của Công ty Cổ phần Đức Khải (một doanh nghiệp kinh doanh BĐS) là một kiểu "đi tắt, đón đầu" chính sách ưu đãi này. Bởi trong đề xuất trình lên Thủ tướng, Công ty Đức Khải xin cơ chế ưu đãi nhập tàu cá đã qua sử dụng quá 8 năm tuổi. Đồng thơi Công ty Đức Khải xin Thủ tướng tạo cơ chế ưu đãi vay tới 1.350 tỉ đồng (bằng 90% tổng số vốn dự án) với lãi suất 1%... những cơ chế đều nằm trong phạm vi Nghị định.

Có gì đó vội vàng của ông chủ Đức Khải

Tuy nhiên với chỉ đạo của Phó Thủ tường Vũ Văn Ninh "không cho vay tràn lan, hướng trọng tâm vào ngư dân"... rõ ràng Công ty Đức Khải không nằm trong phạm vi được hưởng ưu đãi về nguồn vốn vay cũng như lãi suất.

Hiện những đề xuất của Công ty Đức Khải vẫn đang trong quá trình xem xét song vấn đề được đặt ra là nếu kế hoạch của Công ty Đức Khải không được Chính phủ phê duyệt, liệu dự án đưa 100 tàu cá ra khơi có thành hiện thực khi mà 90% kinh phí của dự án này là vay ưu đãi? Câu trả lời là "không thể" bởi:

Thứ nhất, chỉ riêng về quy định tuổi tàu qua sử đụng được phép nhập vào Việt Nam Công ty Đức Khải đã không đảm bảo khi tuổi tàu đều vượt quá 8 tuổi, thậm chí có tàu tuổi thọ lên đến 30 năm.

Thứ hai, để thực hiện dự án này phía Công ty Đức Khải chỉ có 10% vốn, còn lại 90% vốn chờ vay ưu đãi của Chính phủ. Trong trường hợp không được vay ưu đãi, Công ty Đức Khải vẫn có thể vay vốn sản xuất kinh doanh từ ngân hàng, tuy nhiên lãi suất cao hơn rất nhiều cũng như những thẩm định khắt khe về tài sản thế chấp. Nhưng quan trọng hơn, sẽ rất ít ngân hàng dám mạo hiểm cho vay bởi kế hoạch của Công ty Đức Khải tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi về chuyên môn, việc khai thác đánh bắt thủy sản... Công ty Đức Khải chỉ là "tay ngang", chưa có nhiều kinh nghiệm.

Trong trường hợp nếu Công ty Đức Khải vẫn quyết tâm vay vốn thực hiện dự án, mua những con tàu đúng độ tuổi được phép nhập về Việt Nam để khai thác đánh bắt thủy hải sản... thì đây vẫn là một thương vụ đầu tư ngoài ngành nhiều rủi ro.

Theo dõi thông tin dự án của Công ty Đức Khải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, độc giả Nguyễn Đức Long cho rằng kế hoạch này không ổn bởi Công ty Đức Khải quyết định quá vội vàng, mạo hiểm giống kiểu đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trước đây. "Nếu anh đầu tư vào lĩnh vực mà anh không chuyên, không phải thế mạnh chắc chắn mức độ thất bại sẽ rất lớn", độc giả Đức Long khẳng định.

Tương tự độc giả Trần Anh Tuấn nêu quan điểm: “Tôi hoàn toàn ủng hộ dự án mua tàu của Công ty Đức Khải, tuy nhiên với những điều kiện sau: Thứ nhất vốn thực hiện dự án công ty phải bỏ ra 100%. Thứ hai tất cả các ngân hàng không cho thế chấp để vay tiền bằng số tàu đó đã mua. 

Thứ ba các tàu đó là tàu cũ hay mới khi hết hạn sử dụng, Công ty Đức Khải sở hữu các tàu đó phải tiêu hủy theo luật bảo vệ môi trường. Thứ tư Công ty Đức Khải phải ký quỹ gửi tài sản bằng tiền hoặc kim loại có giá, không gửi bằng bất động sản quy đổi ra tiền, để bảo lãnh nguồn tàu nhập về là không phải hàng phế thải (hay rác công nghiệp)”.

Được biết trong quá trình xin ưu đãi của Chính phủ, Công ty Đức Khải đã đặt mua một số tàu đã qua sử dụng tại Hàn Quốc và dự định đưa về Việt Nam trong tháng 8/2014. Tuy nhiên nếu Chính phủ không đồng ý với những ưu đã đề xuất của Đức Khải, trong khi tàu đã mua, Công ty Đức Khải sẽ tự đưa mình vào thế "tiến thoái lưỡng nan".

"Dù đã có hàng chục năm lăn lộn thương trường nhưng vẫn có cảm giác ông Phạm Ngọc Lâm - Chủ tịch HĐQT của Công ty Đức Khải có gì đó vội vàng, hấp tấp khi tiết lộ kế hoạch kinh doanh "khủng" của mình dù cơ hội đi vào thực hiện rất mong manh", độc giả Trần Đức nêu nhận định.

Minh Hồng