Ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm ở những dự án BOT

13/03/2017 09:28
Diệu Linh
(GDVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải cần phải đưa tất cả các dự án BOT ra đấu thầu công khai minh bạch, chấm dứt chỉ định thầu.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí đối với các trạm từ 10 tháng đến 13 năm so với dự toán tài chính ban đầu.

Cá biệt, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị chấm dứt việc thu phí đối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua Thị xã Tam Kỳ và tỉnh lộ 618 tỉnh Quảng Nam.

Trong thông cáo báo chí Bộ Giao thông Vận tải phát công khai trên website của bộ này từ 28/2 cho biết, thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến, và thời gian gian thu phí chính thức phải dựa trên căn cứ xác định giá trị quyết toán công trình, có kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước.

Về tổng vốn đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng trong lúc lập dự toán đầu tư không thể tính toán chính xác chi phí thực tế đầu tư xây dựng công trình; thậm chí còn cho phép tính tổng mức đầu tư dựa trên xuất đầu tư xây dựng công trình.

Do vậy tổng mức đầu tư không phản ánh đúng chi phí thực tế công trình BOT. Mặc dù vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã căn cứ trên giá trị dự toán và đã đàm phán rút ngắn thời gian thu phí với một số dự án, thí dụ như với Quốc lộ 10 đoạn La Uyên – Tân Đệ từ 21 năm 3 tháng xuống còn 10 năm 3 tháng; Dự án cầu Rạch Miễu – Quốc lộ 60 (tỉnh Bến Tre) rút ngắn từ 22 năm 10 tháng xuống còn 13 năm 5 tháng.

Trạm thu phí đoạn La Uyên - Tân Đệ giảm thời gian thu phí tới 11 năm. ảnh: vov.
Trạm thu phí đoạn La Uyên - Tân Đệ giảm thời gian thu phí tới 11 năm. ảnh: vov. 

Khi những thông tin này được công khai, dư luận lại một lần nữa đặt ra sự minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư với các dự án BOT.

Đối với những thắc mắc liên quan tới việc chỉ định thầu hay đấu thầu với các dự án BOT, tờ Lao động đăng tải ý kiến của ông Nguyễn Danh Huy - Trưởng ban Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP), Bộ GTVT - đơn vị trực tiếp quản lý các dự án BOT cho biết: “Theo quy định pháp luật hiện hành có cả chỉ định thầu và đấu thầu, trong đó đấu thầu là thuộc thẩm quyền quyết định của bộ, còn thẩm quyền chỉ định thầu là của Thủ tướng đối với công trình quan trọng cấp bách.

Các dự án QL 1, QL 14 là chỉ định thầu toàn bộ vì đó là dự án cấp bách được Thủ tướng quyết định sau khi lấy ý kiến các bộ ngành. Còn các dự án khác, luật quy định đăng tải 30 ngày nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thì chỉ định thầu và lúc đó thuộc thẩm quyền của bộ.

Do đó, có thể khẳng định Bộ Giao thông Vận tải đang làm đúng luật và với nhiều dự án đúng là đấu thầu thì tốt hơn nhưng vẫn phải chỉ định thầu nhưng không có lựa chọn nào khác”.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước lại cho biết, thực tế kiểm toán cho thấy, nhiều dự án tính toán lưu lượng xe chưa thuyết phục khi dựa vào số liệu khảo sát ở khoảng thời gian quá ngắn, hoặc sử dụng số liệu tham khảo dự án tương tự mà không khảo sát.

Từ thực tế hiện nay, đại diện kiểm toán Nhà nước cho rằng cần siết chặt quản lý các nhà đầu tư dự án BOT.

Đáng chú ý, trong 27 dự án được kiểm toán, có tới 26 dự án là chỉ định thầu. Riêng dự án còn lại có 2 nhà thầu tham gia, thì một nhà thầu lại bỏ cuộc.

Vì lẽ đó mà Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ông Dương Quốc Anh đặt ra câu hỏi: "Bối cảnh gấp rút đến mức nào mà hầu hết đều chỉ định thầu? Trong khi mua sắm công chỉ định thầu rất khó khăn, cả tổ chức hội nghị cũng còn đấu thầu, mà dự án lớn thế thì lại chỉ định thầu?".

Ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm ở những dự án BOT ảnh 2

"Đề xuất tăng phí trên cao tốc giờ cao điểm chỉ có lợi cho chủ đầu tư"

Từ chọn lựa nhà thầu cho tới xác định thời gian thu phí đều có dấu hiệu thiếu minh bạch, thế nhưng công tác thu phí lại rất chặt; nhiều trạm thu phí khoảng cách gần, gây ra bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII diễn ra cuối năm 2015, Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về tỷ suất đầu tư cho nhiều con đường ở Việt Nam cao hơn những nước khác.

Vấn đề đại biểu Ngô Văn Minh đặt ra cũng là mối quan tâm chung của nhiều Đại biểu Quốc hội và dư luận, và năm 2016 vấn đề đầu tư và mức phí trên các con đường BOT trở thành chủ đề nóng trên nhiều tờ báo. Trước nhiều bức xúc của dư luận cả nước, Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đã lựa chọn các dự án BOT làm nội dung giám sát của năm 2017.

Và tới kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Ngô Văn Minh một lần nữa cảnh báo: Việc lạm dụng quá mức hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông khiến người dân và doanh nghiệp bức xúc, nhất là khi Nhà nước vừa thu phí bảo trì đường bộ hàng năm vừa cho chủ đầu tư thu ở trạm thu phí.

Cần phải đấu thầu công khai minh bạch để các dự án BOT đạt hiệu quả tốt nhất, chống được tiêu cực và nhóm lợi ích. ảnh: NQ.
Cần phải đấu thầu công khai minh bạch để các dự án BOT đạt hiệu quả tốt nhất, chống được tiêu cực và nhóm lợi ích. ảnh: NQ.

Ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm

Trong báo cáo trình Chính phủ nhằm minh bạch hóa hoạt động của các dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải cho biết cần khoảng 12,5 tỉ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu (phần mềm, hệ thống kết nối, đào tạo, tư vấn...); và khoảng 4,2 tỉ đồng chi phí vận hành, duy trì hàng năm.

Đánh giá về đề án này, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam cho rằng, cần đẩy nhanh triển khai đề án này để minh bạch hóa, ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm với các dự án BOT.

Trên thực tế thời gian qua đoàn giám sát của Tổng cục Đường bộ giám sát các trạm BOT đều phát hiện doanh thu tăng bất ngờ so với báo cáo. Mặc dù vậy do cơ quan nhà nước thiếu công cụ giám sát độc lập nên các nhà đầu tư vẫn tìm mọi cách thoái thác, không nhận trách nhiệm.

Do đó, cần nhanh chóng áp dụng biện pháp thu phí không dừng, vừa có lợi về kinh tế cho nhà đầu tư khi giảm lao động, có lợi cho chủ phương tiện (tiết kiệm thời gian qua trạm), hạn chế tối đa vấn đề ùn tắc vào các dịp lễ, tết.

Quan trọng hơn là biện pháp này sẽ minh bạch khoản thu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, cho tới nay nhiều đơn vị vẫn tìm lý do trì hoãn không muốn đưa công nghệ này vào áp dụng.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cần sớm đưa ra đấu thầu công khai các dự án BOT, nâng cao tính minh bạch trong triển khai các dự án.

Ông Thanh cho rằng, việc các nhà đầu tư lập dự án rồi ký hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải, do đó khi cơ quan này giao cho Tổng Cục đường bộ Việt Nam là đơn vị cấp dưới thực hiện giám sát khó phát huy hiệu quả.

“Cơ quan quản lý nhà nước không thể là cơ quan vừa đá bóng vừa thổi còi. Ông vừa là người đứng ra ký hợp đồng rồi lại vừa giám sát thì làm sao mà tự vạch ra cái sai được.

Vì vậy, cần phải có một cơ quan kiểm soát độc lập, thí dụ như cơ quan kiểm toán, thanh tra Chính phủ”, ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh đề nghị phải đấu thầu dự án công khai minh bạch thay vì chỉ định thầu thì mới ngăn chặn được tiêu cực. ảnh: Tiền phong.
Ông Nguyễn Văn Thanh đề nghị phải đấu thầu dự án công khai minh bạch thay vì chỉ định thầu thì mới ngăn chặn được tiêu cực. ảnh: Tiền phong.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội an toàn giao thông Việt Nam cũng cho rằng, để tăng tính minh bạch thì Bộ Giao thông Vận tải cần sớm đưa ra đấu thầu công khai các dự án BOT, qua đó tìm được nhà đầu tư đủ năng lực với chi phí đầu tư thấp nhất.

Trước thông tin sau kết quả kiểm toán thời gian thu phí cộng dồn của nhiều trạm là gần 100 năm, ông Quyền bình luận: “Thông tin này không bất ngờ, bởi vì lâu nay chúng ta quản lý căn cứ theo dự toán của công trình với lưu lượng phương tiện để tạm thời xác định thời gian thu phí.

Đó chỉ là thời gian thu phí tạm thời, sau khi thi công xong công trình và giá trị quyết toán thực tế mới là căn cứ xác định thời gian thu phí. Một loạt các công trình vừa rồi vẫn nằm trong thời gian quyết toán, cho nên kiểm toán nhà nước sau khi thực hiện kiểm toán đã xác định được thời gian giảm thu phí ở nhiều trạm, đó là điều dễ hiểu”.

Đặt ra vấn đề giám sát với các dự án BOT hoặc PPP, theo ông Nguyễn Văn Quyền cần phải nhanh chóng có những đổi mới căn bản trong tổ chức quản lý.

“Để tăng cường công khai minh bạch và tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng thì cần phải tổ chức đấu thầu các dự án công khai, lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện tài chính, năng lực quản lý, chi phí đầu tư thấp nhất, căn cứ trên đó để xác định thời gian thu phí”, ông Quyền cho hay.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, hiện nay, trên hệ thống quốc lộ cả nước có 88 trạm thu phí, trong đó, 74 trạm do Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, còn lại 14 trạm thuộc thẩm quyền của các địa phương.

Trong số 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, có 62 trạm đang thu phí và 26 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư.

Trên hệ thống cao tốc có 12 hệ thống thu phí, gồm 6 hệ thống đã thu phí và 6 hệ thống chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư.

Diệu Linh