Nghĩ quẩn, tận thu của người nghèo?

27/12/2018 06:19
Tùng Dương
(GDVN) - Thuế có vai trò quan trọng với nền kinh tế, nhưng khi đưa ra chính sách phải có sự cân nhắc nhiều khía cạnh và nhất là đừng tạo thêm gánh nặng cho người nghèo.

Mấy ngày gần đây dư luận được dịp nổi sóng khi Tổng cục Thuế yêu cầu ngành thuế các địa phương rà soát đối với các cá nhân kinh doanh không thường xuyên như xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát - không chính thức được phép hoạt động (chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản…).

Thậm chí có vị lãnh đạo còn hồn nhiên phán rằng "trá đá xe ôm" là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận tới mức 5000 – 7000%.

Ko hiểu vị này căn cứ vào đâu và cách tính toán như thế nào mà đưa ra con số lợi nhuận như vậy?

Có thể nói chạy xe ôm, bán trà đá vỉa hè cũng là cực chẳng đã, chẳng còn cách nào thì mới lao ra bám vỉa hè. Không ai đang có nghề nghiệp đàng hoàng (dù thu nhập có thể không cao) lại ra vỉa hè ngồi bán trà đá, bởi vì bên cạnh thu nhập thì mỗi người theo một nghiệp nào đó còn có lý tưởng, đam mê nữa.

Ngồi phơi mặt với bụi, với nắng mưa mỗi ngày để kiếm được miếng cơm manh áo, để có đóng góp nhiều khoản lớn bé cho con cái đến trường... cũng chẳng dễ dàng gì. Chẳng may vào dịp nào đó trời mưa liên miên thì trà đá "đóng cửa", thu nhập cũng bị cắt hết, đó là còn chưa kể để duy trì được một chỗ ngồi chỉ vài mét vuông như vậy họ cũng phải chịu những khoản "phí ngầm". Đó là điều mà ai cũng biết!

Đề xuất đánh thuế những người bán trà đá đang gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: Tùng Dương
Đề xuất đánh thuế những người bán trà đá đang gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: Tùng Dương

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính khiến dư luận nổi sóng khi bàn về chính sách thuế. Từ cuối năm ngoái đến nay, Bộ này cũng đã không ít lần nêu những đề xuất khiến dư luận nháo nhào, chẳng hạn như việc đánh thuế đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, thuế thu nhập, thuế VAT... và điển hình là thuế môi trường thu qua xăng dầu tăng kịch trần từ đầu năm 2019 cũng khiến dư luận bàng hoàng, lo lắng.

Nghĩ quẩn, tận thu của người nghèo? ảnh 2Xăng tăng giá, thêm thuế môi trường sẽ tác động rất lớn đến đời sống của dân

Ai cũng hiểu thuế có vai trò quan trọng với nền kinh tế nhưng thu thế nào hợp lý, thu thế nào để nhận được sự ủng hộ của nhân dân mới là chuyện đáng phải bàn.

Ngân sách nhà nước vẫn còn khó khăn nhưng có lẽ trước khi nghĩ đến thu thì cần phải nghĩ tới tiết kiệm các khoản chi, ngăn chặn lãng phí.

Việc cần làm hiện nay là cân đối các khoản thu, chi ngân sách một cách hợp lí, ngay như chuyện ngành thuế có 71.000 người là một thí dụ điển hình.

Không chỉ ngành thuế mà ở một số ngành khác, địa phương khác cũng đã có hiện tượng phình biên chế, và đã rất nhiều lần Đại biểu Quốc hội nêu ra băn khoăn này. Bộ máy nở ra khiến ngân sách chịu thêm gánh nặng, rồi lại luẩn quẩn với bài toán "thu để bù chi".

Ngoài câu chuyện phình biên chế thì lãng phí, thất thoát từ nhiều dự án đầu tư cũng là vấn đề cần phải nghiêm túc đánh giá.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) đã từng điểm danh 5 dự án lớn có tổng vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng hoạt động thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản và cần phải chỉ rõ được trách nhiệm.

Trong đó, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đội vốn gấp đôi từ gần 4.000 tỷ đồng lên 8.100 tỷ đồng, Nhà máy bột giấy Phương Nam đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp... và còn rất nhiều dự án có vấn đầu tư hàng chục nghìn tỷ cũng đắp chiếu và phá sản, hàng ngày máy móc để dầm mưa dãi nắng cho cỏ mọc hoang.

Nếu không thực sự ngăn chặn được những dự án lãng phí lớn như thế thì dù có nỗ lực bao nhiêu đi chăng nữa, ngân sách cũng sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ cạn kiệt. Sau phạm chỉ là do một số người gây ra, nhưng gánh nặng thì chia cho toàn dân.

Không chỉ thế, theo Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 8/2018, tổng số tiền thuế nợ của ngành thuế là hơn 82.800 tỷ đồng.

Cục Thuế Hà Nội vừa công khai 153 đơn vị nợ thuế, phí, tiền thuê đất đợt tháng 9/2018 với tổng số tiền nợ hơn 304,3 tỷ đồng.

Đứng đầu danh sách các doanh nghiệp nợ tiền thuê đất là Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Bắc Qua với số nợ tính đến hết tháng 7/2018 hơn 7,2 tỷ đồng.

Nổi bật trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền thuê đất mà Cục Thuế Hà Nội đã công bố phải kể đến những cái tên như: Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội nợ hơn 111 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 nợ hơn 342 tỷ đồng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng công trình Hoàng Hà hơn 158 tỷ đồng.

Công ty Công ty Quốc tế CT Việt Nam gần 122 tỷ đồng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đá quý Thế Giới gần 114 tỷ đồng…

Tổng Kiểm toán Nhà nước đã phát công văn đề nghị Tổng Cục thuế tiến hành thu thuế và có biện pháp thu thuế đối với Unilever với số thuế nợ là 575 tỷ đồng.

Đó là những vấn đề rất lớn đang tồn tại cần phải được giải quyết dứt điểm để đảm bảo nguồn thu, không chi ra một cách lãng phí, vì suy cho cùng đó đều là tiền mồ hôi nước mắt của dân, tiêu một đồng cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Bà Tạ Thị Phương Lan - Vụ phó Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) đã lên tiếng lý giải rằng: “Việc rà soát và đưa vào diện quản lý chỉ bao gồm các hộ kinh doanh có địa điểm cố định, thường xuyên. Như vậy, việc rà soát chỉ nhằm mục đích đưa vào diện quản lý thường xuyên để xác định nếu hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì cơ quan thuế mới ra thông báo để yêu cầu nộp thuế (?)".

Nhưng ngay cả lý giải như vậy thì có vô số hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ cũng vô cùng lo lắng, bởi nếu chia đều con số doanh thu 100 triệu ấy sẽ có bình quân vào khoảng 8 triệu đồng/tháng, trừ đi chi phí vốn và nhiều chi phí khác thì liệu rằng số tiền họ thu được có còn là bao? Họ đã phải rất chật vật để mưu sinh, vậy thì đánh thuế vào những trường hợp khó khăn như vậy liệu có khả thi? 

Nói như Chuyên gia kinh tế cao cấp - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Ngành thuế phải trả lời được câu hỏi với khu vực kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do không thường xuyên, liệu có thu được thuế không, có đáng thu không và có cần phải thu không?

Muốn làm hiệu quả và nhận được sự đồng thuận của dư luận thì ngành thuế phải giải trình được phương pháp quản lý, cơ sở tính thuế, cách thu thuế và hiệu quả quản lý ra sao... Nếu không, sẽ có những hộ kinh doanh siêu nhỏ phải chịu mức thuế bất công, còn hộ có doanh thu lớn thì lại chỉ đóng ở mức không tương xứng.

Tùng Dương