Nghi vấn tiếp viên Vietnam Airlines buôn lậu "nóng" nhất tuần qua

31/03/2014 10:37
Phạm Liễu (Tổng hợp)
(GDVN) - Tiếp viên VNA bị bắt tại Nhật, xe chở dưa hấu ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh, thêm gói tín dụng hỗ trợ BĐS... là những thông tin kinh tế nổi bật tuần qua.

Tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật vì nghi buôn lậu đồ ăn cắp

Ngày 26/3 đưa tin, Cảnh sát Tokyo đã tạm giữ một nữ tiếp viên Vietnam Airlines vì tình nghi cô này buôn lậu đồ ăn cắp, đồng thời đã khám xét văn phòng của hãng hàng không Vietnam Airlines tại Tokyo.

Liên quan đến vụ việc, ngày 27/3, Đài NHK của Nhật Bản đưa tin cho biết, nữ tiếp viên của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bị cảnh sát Tokyo bắt giữ do tình nghi liên quan tới đường dây vận chuyển hàng hóa ăn cắp về Việt Nam tiêu thụ đã khai nhận rằng: Cô đã buôn lậu hàng hóa dưới sự giới thiệu và cho phép của cơ phó.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, tiếp viên Vietnam Airlines Nguyễn Bích Ngọc (25 tuổi) đã bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ hôm 24/3 ngay sau khi hoàn thành chuyến bay tới Nagoya với cáo buộc vận chuyển 21 chiếc áo jacket trị giá hơn 1.200 USD ăn cắp về Việt Nam trong tháng 9 năm ngoái từ sân bay Kansai ở Osaka.

Tại Sở cảnh sát Tokyo, Ngọc bác bỏ cáo buộc và nói rằng cô không biết số hàng hóa được thuê chuyển về Việt Nam là đồ ăn cắp. 

Tuy nhiên, Ngọc thừa nhận cô đã chuyển lậu hàng hóa về Việt Nam dưới sự cho phép của cơ phó, người nói với cô rằng cô có thể làm việc đó để có thêm thu nhập.

Hiện cảnh sát Tokyo đang nghi ngờ, khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines cũng tham gia vào đường dây buôn lậu này và ra lệnh triệu tập 5 người trong số họ (1 lái phụ và 4 tiếp viên) tới cơ quan điều tra của Nhật Bản để thẩm vấn.

Ngay sau vụ việc, đại diện Vietnam Airlines đã có buổi làm việc với cảnh sát Tokyo để cung cấp thông tin và tài liệu cần thiết. Chiều cùng ngày, một Phó Tổng Giám đốc của Vietnam Airlines cũng đã có buổi làm việc với A85 Bộ Công An Việt Nam để tiếp tục phối hợp trong công tác điều tra.

Sự việc trên ngay lập tức tạo nên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận khi cho rằng, việc nhân viên ngành hàng không Việt Nam bị triệu tập vì liên quan đến việc buôn lậu hàng hóa bị đánh cắp tại Nhật Bản sẽ có tác động tiêu cực, trước tiên là tác động trực tiếp đến Vietnam Airlines, sau đó là đến ngành du lịch Việt Nam và phần nào cũng có tác động tiêu cực đến thương hiệu quốc gia.

Xe chở dưa hấu ùn tắc hàng chục km ở cửa khẩu Tân Thanh
Tờ Thanh niên ngày 29/3 đưa tin, trên quốc lộ 1A địa phận tỉnh Lạng Sơn, hàng trăm xe tải chia thành nhiều tốp đang nằm “bất động” một chỗ. Công an tỉnh Lạng Sơn đã huy động tối đa lực lượng để lập nhiều chốt quản lý và phân làn giao thông tránh tình trạng bị ùn tắc.

Làn đường dẫn vào khu cửa khẩu Tân Thanh chật cứng xe tải nối đuôi nhau xếp thành hàng đôi. Vì vậy, các phương tiện khác muốn vào cửa khẩu phải đi ngược chiều.

Xe chở dưa hấu ùn tắc hàng chục km ở cửa khẩu Tân Thanh (Ảnh Thanh Niên)
Xe chở dưa hấu ùn tắc hàng chục km ở cửa khẩu Tân Thanh (Ảnh Thanh Niên)
Theo số liệu của cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết ngày 29/3, vẫn còn khoảng 1.000 xe vận chuyển nông sản ùn ứ trên tuyến đường lên cửa khẩu Tân Thanh. Phần lớn các xe này chở theo dưa hấu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Hệ quả là thương lái tại các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ như Phú Yên, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Hậu Giang không tiếp tục tiến hành thu mua, gây nên cảnh dưa hấu ế ẩm, chất đống ngay tại ruộng của bà con nông dân.
Thêm gói tín dụng hỗ trợ BĐS 50.000 tỷ 
Ngày 25/3, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và 7 NH thương mại chính thức công bố triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho thị trường xây dựng và bất động sản.

Mục tiêu xây dựng gói tín dụng này nhằm hỗ trợ cho ngành xây dựng, bất động sản (BĐS) theo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2014, các nghị quyết 01 và 02/NQ-CP năm 2013 của Chính phủ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, khi tham gia chuỗi liên kết này, điểm mới trong dòng chảy của gói tín dụng là tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng cấp tín dụng, khơi thông hàng hóa vật liệu xây dựng thông qua các hình thức trả chậm và đổi trừ, giảm tiền mặt lưu thông góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ,…
Đối với nhà sản xuất có thể giải phóng được hàng tồn kho với số lượng lớn, được thanh toán đúng tiến độ.
Theo kế hoạch, 4 ngân hàng Thương mại cổ phần Nhà nước sẽ tham gia chuỗi liên kết này gồm BIDV, Vietcombank, Agribank và Vietinbank.
Bên cạnh đó, 6 ngân hàng thương mại khác tham gia chuỗi liên kết này gồm ACB, Sacombank, Lienvietpostbank, MB, VPB, Oceanbank thuộc nhóm ngân hàng tài trợ.

Theo đó, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam hướng đến là một ngân hàng tổ chức người bán, cung cấp nguồn vốn cho các đơn vị/doanh nghiệp trong ngành xây dựng - vật liệu xây dựng - BĐS.

Sacombank chấp thuận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam

Như thông tin đã đưa trên tờ Thông tấn xã Việt Nam, ngày 25/3, Đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã chấp thuận chủ trương cho Ngân hàng TMCP Phương Nam sáp nhập vào ngân hàng này, theo tờ trình của Hội đồng quản trị Sacombank.

Tân chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng. (Ảnh: Hà Huy Hiệp/Vietnam+)
Tân chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng. (Ảnh: Hà Huy Hiệp/Vietnam+)
Đại hội cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị triển khai nghiên cứu xây dựng đề án khả thi và thực hiện các thủ tục cần thiết để xin phép các cơ quan chức năng; quyết định các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập này.
Theo Hội đồng quản trị Sacombank, việc sáp nhập này nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại nhằm lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng và tạo thêm nguồn lực trong giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế.

Website mua bán Bitcoin không được chấp nhận ở Việt Nam

Ngày 28/3, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT & CNTT - Bộ Công thương) thông báo cho biết, hiện nay Cục này không chấp nhận việc thông báo, đăng ký các website mua bán Bitcoin như website thương mại điện tử bán hàng hay sàn giao dịch thương mại điện tử.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin không chấp nhận việc thông báo, đăng ký các website mua bán Bitcoin.
Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin không chấp nhận việc thông báo, đăng ký các website mua bán Bitcoin.
Cục Thương mại điện tử cho biết, việc sở hữu và sử dụng Bitcoin như một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ, vì vậy Cục khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi tham gia mua bán Bitcoin hay sử dụng Bitcoin để thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử.
Thời gian qua, Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam đã tiến hành thông báo website www.bitcoinvietnam.com.vn theo thủ tục thông báo website TMĐT bán hàng với Cục TMĐT & CNTT. Website này hoạt động theo mô hình sàn giao dịch, nơi cho phép các thành viên lên trao đổi, mua bán Bitcoin. 
Cục TMĐT&CNTT đã từ chối hồ sơ thông báo của website này với lý do: “Việc thông báo website chỉ áp dụng đối với các website TMĐT bán hàng, trên đó người bán phải cung cấp thông tin cho khách hàng để có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ khi quyết định giao kết hợp đồng. Hiện tại, tiền ảo Bitcoin chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 52/2013/NĐ-CP”.

Hàng loạt sự cố về thực phẩm bẩn

Tờ Kiến thức ngày 26/3 đưa tin, anh Bùi Văn Đức (Kim Bôi, Hòa Bình) cho biết, sau khi tan học, con gái anh được bạn cùng lớp mua cho một gói bim bim. Tuy nhiên, khi bóc gói bim bim, con anh đã tá hỏa thấy con chuột nhỏ chết khô bên trong. Quan sát bằng mắt thường cho thấy, gói bim bim có chuột nhắt chết bên trong mà con gái anh Đức ăn phải có khối lượng 13 gam+10%, mang nhãn hiệu Nicki SnackTom do Công ty TNHH một thành viên dịch vụ Nhật Anh sản xuất và đóng gói. Công ty này có địa chỉ tại xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội.

Ngay sau đó, sáng ngày 28/3, Đoàn Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Đội quản lý thị trường số 8 và Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm (Đoàn liên ngành VSATTP) tiến hành kiểm tra Công ty TNHH một thành viên và dịch vụ Nhật Anh.

Chuột chết khô trong gói bim bim Nicki SnackTom.
Chuột chết khô trong gói bim bim Nicki SnackTom.

Đoàn kiểm tra đã ra Quyết định đình chỉ sản xuất và thu hồi toàn bộ sản phẩm hiện có ở tại công ty. Yêu cầu Công ty TNHH một thành viên dịch vụ Nhật Anh thu hồi toàn bộ sản phẩm đang lưu thông trên thị trường và báo cáo với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội. 

Bên cạnh đó, tờ Lao động ngày 30/3 đưa tin, thời điểm hiện tại là chính vụ của xoài nên đâu đâu cũng thấy bày bán loại hoa quả này với màu sắc vàng, xanh bắt mắt… Nhưng điều đáng nói là hầu hết các loại xoài này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và được dân buôn ủ hóa chất thúc chín, chất chống thối để vận chuyển đi xa. Quả nhỏ thì "đội lốt" hàng Việt Nam, quả to đẹp sẽ mang mác "hàng nhập khẩu" từ Úc, Thái...

Cơ sở kinh doanh gia cầm sạch Minh Ngọc nơi phát hiện hàng trăm kg gia cầm không rõ nguồn gốc cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Cơ sở kinh doanh gia cầm sạch Minh Ngọc nơi phát hiện hàng trăm kg gia cầm không rõ nguồn gốc cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Cũng theo thông tin đã đưa trên VTV, Phòng 6 cục cảnh sát môi trường C49 phối hợp với đội 1 Quản lý thị trường Hà Nội vừa kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh gia cầm sạch Minh Ngọc (đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, HN) phát hiện nhân viên của cơ sở này đang sử dụng con dấu kiểm dịch thú y giả để đóng lên gia cầm không rõ nguồn gốc.

Được biết, cơ sở gia cầm sạch Minh Ngọc được UBND quận Hoàn Kiếm cấp giấy phép kinh doanh từ tháng 11/2008. Đáng lo ngại, cơ sở này là đầu mối cung cấp các loại thịt và nội tạng gia cầm cho 10 siêu thị và khách sạn lớn tại Hà Nội, cùng hơn 27 điểm kinh doanh tư nhân và nhà hàng khác./.
Phạm Liễu (Tổng hợp)