"Người dân và doanh nghiệp còn rất khổ cực khi tiếp xúc với cơ quan nhà nước"

29/12/2016 15:19
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ của bộ ngành, địa phương, loại bỏ những quy định bất cập.

Sau hai ngày triển khai hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực vừa qua của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời chỉ rõ: “Chỗ này chỗ khác còn nhiều vấn đề bất cập. Năng lực điều hành nói chung chưa cao, kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm”.

Thủ tướng một lần nữa nhắc lại yêu cầu phải xây dựng cho được Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động.

“Lãnh đạo bộ ngành địa phương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ... còn nếu như vận hành bộ máy cũ, cách làm cũ thì không thể nào có kết quả được”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu thí dụ rất cụ thể là “Ngay cả nội bộ Chính phủ cũng phải tái cơ cấu lại chính mình”.

Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Tết này, các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng nữa. Không phải chỉ các đồng chí ở miền Nam đâu mà cả miền Bắc nữa.

Kinh nghiệm ở địa phương cho thấy, Tết nhất là lo ngay ngáy quà Tết biếu Trung ương. Không tới thì băn khoăn, tới thì xếp hàng khổ cực. Làm được vấn đề này thì nhẹ nhàng cho tất cả các đồng chí”.

Đây cũng là yêu cầu mà Thủ tướng đã đặt ra từ phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11/2016.

Tại hội nghị này, Thủ tướng khẳng định, nếu làm được điều này còn tránh được tình trạng làm hoá đơn, chứng từ để “chí trá”.

Thủ tướng nói thêm, cuối năm chỉ cần nhìn Hà Nội là biết ngay, xe chạy quá đông. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu khi Thủ tướng, các Phó Thủ tướng xuống các địa phương thì cũng rất giản, không phải đoàn xe đưa đón. 

“Mình phải giản dị, đơn giản. Tình cảm đồng chí anh em phải gắn bó. Xin nói các đồng chí là dân rất chú ý. Có gì cực đoan quá thì các đồng chí cứ cho ý kiến”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nói thẳng, người dân và doanh nghiệp còn rất khổ cực khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước. ảnh: VGP.
Thủ tướng nói thẳng, người dân và doanh nghiệp còn rất khổ cực khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước. ảnh: VGP.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, xử lý trách nhiệm cá nhân, cơ quan tham mưu

Theo Thủ tướng, trước  nhiều khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang giữ được sự ổn định cần thiết, nhưng cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức, đó là vấn đề nợ xấu ngắn hạn và nợ công trong dài hạn.

Thủ tướng cũng nói thẳng, không chỉ có 12 dự án của ngành Công Thương đã công bố thua lỗ mà còn nhiều dự án khác.

"Người dân và doanh nghiệp còn rất khổ cực khi tiếp xúc với cơ quan nhà nước" ảnh 2

"Câu chuyện có thật là doanh nghiệp bức xúc nhưng ngại kiến nghị"

Thủ tướng khẳng định quyết tâm kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ và nói rõ đã giao cho các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp giải quyết những vấn đề tồn đọng và báo cáo Thủ tướng.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, khi xử lý đối với các dự án thua lỗ, không chỉ có yếu tố kinh tế mà phải lưu ý xử lý cả trách nhiệm người đứng đầu.

Xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị tham mưu có liên quan tới các dự án thua lỗ. Qua đó ngăn chặn tham nhũng có hiệu quả.

Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương luôn phải bám sát mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% vào năm 2017.

Muốn vậy phải tạo sức cạnh tranh tốt cho nền kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, trong đó có yếu tố hết sức cần thiết là cải cách thủ tục hành chính.

Đối với nội dung này, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, một loạt chỉ số về môi trường kinh doanh cho thấy Việt Nam ở mức trung bình. Chỉ số tốt nhất đứng thứ 60 và có những chỉ số đứng thứ 116-120.

Nói về môi trường kinh doanh do WB đánh giá, xếp hạng qua 3 năm Việt Nam thực hiện Nghị quyết 19 (2014-2016), Phó Thủ tướng cho biết, trong 10 nhóm chỉ số có đến 41 chỉ tiêu cụ thể để đánh giá điểm.

Việt Nam hiện xếp hạng thứ 82, có những thủ tục rất tốt như cấp phép xây dựng đứng thứ 24, nhưng khởi sự kinh doanh đứng thứ 121. Đặc biệt thuế, bảo hiểm dù đã cải tiến rất nhiều nhưng vẫn đứng 167, giải quyết tranh chấp, phá sản là 125.

Còn báo cáo của WEF về xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu chia làm 3 trụ cột với 12 nhóm tiêu chí và 114 tiêu chí cụ thể.

So sánh tương quan với các nước ASEAN về môi trường kinh doanh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh để đạt được mục tiêu đạt mức trung bình của ASEAN-4 thì Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện các chỉ số cụ thể.

“Hiện nay, chúng ta xếp thứ 82, để lọt vào trung bình ASEAN-6, có tính cả Singapore, thì chúng ta phải tiến tới vị trí 56. Còn nếu muốn lọt vào trung bình ASEAN-4 thì chúng ta phải đứng thứ 43 trên thế giới”

Nhấn mạnh đến thực tế hầu hết các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện nhiều nhưng các nước khác cũng tiến rất nhanh, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa đặc biệt là khâu thực hiện ở địa phương.

“Thuế chúng ta cải cách cơ bản trên văn bản nhưng thực thi bên dưới còn khoảng cách, để văn bản xuống đến thực tế, cần các sở, ngành, địa phương phải vào cuộc cùng Trung ương.

Hay trong khởi sự kinh doanh thì đăng ký doanh nghiệp theo văn bản quy định 3 ngày nhưng khảo sát thực tế ở địa phương lại lên đến 5 ngày. Rõ ràng mức độ vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương còn khác nhau”, Phó Thủ tướng nói.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng dẫn ra kết quả nghiên cứu, nếu cải cách hành chính 1% thì GDP tăng 3,8% và thẳng thắn đánh giá: “Năm nay, chúng ta mà không khắc phục được những khó khăn thì găp vấn đề rất lớn thực hiện Nghị quyết Đại hội 12.

Nếu không tái cơ cấu quyết liệt, chúng ta sẽ tụt hậu, không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường kỷ cương, thi đua sáng tạo, tập trung tháo gỡ chính sách ở từng ngành, từng lĩnh vực; muốn huy động được các nguồn lực thì phải củng cố niềm tin.

“Phải phát động toàn xã hội đặc biệt là các cơ quan sử dụng ngân sách phong trào tiết kiệm, chống xa hoa lãng phí.... Kiên quyết chống lợi ích nhóm, cơ chế xin cho.

Người dân và doanh nghiệp còn rất khổ cực khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước. Cho nên tôi nói là phải cải cách toàn hệ thống chứ không phải chỉ có Bộ trưởng, Chủ tịch, Phó chủ tịch...”, Thủ tướng yêu cầu.

Ngọc Quang