Nguy cơ "vỡ trận" xe buýt nhanh Hà Nội: Phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu

01/07/2016 09:11
Mai Anh
(GDVN) - Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia về giao thông đô thị trước việc dự án xe buýt nhanh Hà Nội có nguy cơ không về đích đúng thời gian.

Dự án xe buýt nhanh Hanoi BRT là một hợp phần nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 10/5/2007 và sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế Giới.

Dự án này được coi là bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới đường giao thông đô thị, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng của TP Hà Nội. 

Dự án BRT có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới WorldBank, được triển khai từ đầu năm 2013.

Dự kiến, tuyến BRT đầu tiên của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng bắt đầu hoạt động từ năm 2015, sẽ chạy với tần suất 3-5 phút/chuyến, mỗi chuyến chở được 90 hành khách, tốc độ di chuyển 20-22 km/giờ.

Hành khách sử dụng dịch vụ BRT phải mua vé từ, được tự động soát vé khi vào nhà chờ và lên xe. 

Nhà chờ xe buýt nhanh trên đường Lê Văn Lương - ảnh: H.Lực
Nhà chờ xe buýt nhanh trên đường Lê Văn Lương - ảnh: H.Lực

Hệ thống xe buýt nhanh Hanoi BRT do Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội triển khai xây dựng có chiều dài khoảng 14,7 km, với 21 nhà chờ (12 nhà chờ 4m và 9 nhà chờ 5m), 1 trạm chung chuyển bến xe Kim Mã, 1 trạm đầu cuối Yên Nghĩa, 4 cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ và 1 trạm sửa chữa, bảo dưỡng trong bến xe Yên Nghĩa. Tuyến sẽ sử dụng loại xe buýt 12m.

Tuy nhiên thực tế cho đến thời điểm này, dự án xe buýt nhanh BRT vẫn chỉ nằm trên giấy. Thậm chí, dự án có nguy cơ không về đích trong khi những người liên quan dự án lại trả lời báo chí một cách thách thức, xưng hô kiểu chợ búa.

Cụ thể, tờ Tiền Phong thuật lại cuộc trao đổi của phóng viên báo này với ông Trần Anh Tú - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (hiện chuyển công tác sang làm Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội - một công ty lớn sẽ tiếp quản toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội). 

Theo đó, khi được phóng viên đặt câu hỏi về hiệu quả của dự án, thay vì trả lời câu hỏi, ông Tú cho rằng: "Không hiệu quả, không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định?".

Trước câu trả lời của ông Trần Anh Tú, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị cho biết: Vấn nạn ùn tắc đường kéo lùi phát triển kinh tế Hà Nội, vì thế người dân thủ đô đang ngày ngày chờ đón phương tiện giao thông công cộng mới để chống ún tắc. 

Chủ trương nâng cấp các phương tiện giao thông đô thị trong đó việc đưa xe buýt nhanh vào hoạt động được xem như một giải pháp giúp giảm ùn tắc giao thông, khuyến khích người dân di chuyển bằng phương tiện công cộng giảm sử dụng phương tiện cá nhân.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, ưu điểm của xe buýt nhanh là tốc độ và đơn giản trong soát vé do sử dụng vé từ.

“Ưu điểm đó, khi triển khai dự án năm 2013 dự kiến năm 2015 đưa vào sử dụng với hy vọng sẽ giảm được ùn tắc nhưng việc dự án kéo dài không về đích đúng dự kiến không những không đạt được mục tiêu ban đầu mà còn gây lãng phí. Tăng thêm chi phí đầu tư khiến người dân bức xúc”, TS. Thủy nói. 

TS. Nguyễn Xuân Thủy - ảnh: H.Lực.
TS. Nguyễn Xuân Thủy - ảnh: H.Lực.

Về trả lời của cơ quan đại diện đơn vị thực hiện dự án với báo chí, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: Đây cách trả lời thiếu trách nhiệm, né tránh.

TS.Thủy nhận định, cơ quan báo chí không phải đơn vị thẩm định, đơn vị chuyên môn cơ quan báo chí cũng không kết luận dự án hiệu quả hay không, cũng không đưa ra nhận định mang tính chủ quan. Nhưng rõ ràng dự án về đích chậm, hiệu quả dự án đang đặt dấu hỏi, vì thế việc vào cuộc của cơ quan báo chí là cần thiết, cơ quan báo chí đại diện tiếng nói của nhân dân.

Mặt khác TS. Thủy cũng cho rằng, nếu đúng ông Tú có cách xưng hô gọi phóng viên và cơ quan báo chí là “chúng mày” thì càng không chấp nhận được.

TS. Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm: “Việc chậm tiến độ thể hiện sự thiếu trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm trong việc để dự án kéo dài, lãng phí khi cơ sở vật chất xây xong để đó.

Tóm lại, không thể chấp nhận cách làm việc như vậy. Thành phố Hà Nội phải xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu quản lý dự án, nhấn mạnh xử lý trách nhiệm cá nhân chứ không phải trách nhiệm chung chung của sở này, ban kia”.

Theo TS. Thủy, cách làm thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu kém khiến các dự án như xe buýt nhanh, tàu điện trên cao về đích chậm như hiện nay chỉ gây thêm bức xúc cho người dân.

Mai Anh