Nguyên TT Bộ Thủy sản: Hết sức thận trọng với dự án mua 100 tàu cá

05/08/2014 07:30
Hồng Minh
(GDVN) - Dưới góc nhìn của mình, PGS.TS Võ Văn Trác - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, đây là dự án lớn cần hết sức thận trọng...

Ngay từ khi công bố, kế hoạch mua 100 tàu thủy, hai máy bay trực thăng, hai ụ nổi phục vụ cho việc khai thác đánh bắt thủy hải sản của Công ty Cổ phần Đức Khải (Công ty Đức Khải) luôn được dư luận quan tâm đồng thời đặt dấu hỏi về tính khả thi của dự án.

Sự hoài nghi xuất phát từ việc bản thân Công ty Đức Khải chưa từng có kinh nghiệm trong khai thác, chế biến thủy hải sản, số vốn thực hiện dự án lớn. Đặc biệt, điều này càng có cơ sở khi mới đây phía Công ty Đức Khải đã trình lên Thủ tướng xin cơ chế ưu đãi cho dự án của doanh nghiệp. Như vậy, trong 1.500 tỉ đồng tổng số vốn thực hiện dự án, Công ty Đức Khải chỉ có 150 tỉ đồng, còn lại doanh nghiệp này xin đề xuất vay 1.350 tỉ đồng (bằng 90% tổng số vốn thực hiện dự án) với lãi suất ưu đãi 1%. 

Ảnh đội tàu được cho là công ty Đức Khải muốn nhập về
Ảnh đội tàu được cho là công ty Đức Khải muốn nhập về

Với thực lực như trên, liệu dự án của Công ty Đức Khải có khả thi? Phải chăng kế hoạch vay vốn của Đức Khải đã được tính toán kỹ để “đón lõng” tranh thủ nguồn hỗ trợ lớn từ Nghị định 67 (sẽ có hiệu lực từ ngày 25/8/2014) về hỗ trợ ngư dân, trong đó có phần đóng tàu?. 

Dưới góc nhìn của mình, PGS.TS Võ Văn Trác - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, đây là dự án lớn cần hết sức thận trọng, trước khi phê duyệt cần xem xét tham khảo ý kiến các bộ ngành, tham khảo các chuyên gia, hội ngành nghề, và của chính ngư dân không nên vội vàng.

PGS.TS Võ Văn Trác nhận định, có 4 yếu tố quan trọng cần xem xét trong dự án mua tàu cá và công cụ hỗ trợ để ra khơi đánh bắt thủy hải sản của Công ty Đức Khải.

Thứ nhất là tính hiệu quả của dự án, dù ý tưởng thành lập đội tàu ra khơi đánh bắt thủy hải sản nhằm góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam nhưng đây vẫn là dự án sản xuất kinh doanh. Do đó yếu tố đầu tiên là tính hiệu quả của dự án, hiệu quả có cả về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội. 

Về kinh tế, sau khi tham gia dự án của Công ty Đức Khải đời sống của ngư dân liệu có được cải thiện? Hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp như thế nào? Sản phẩm thủy hải sản sau khi được Công ty Đức Khải đánh bắt, sơ chế và xuất khẩu có nâng tầm thương hiệu thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hay không…? Có rất nhiều vấn đề cần phải tính đến.

Về hiệu quả xã hội, dự án nếu thành công sẽ tạo hiệu ứng tốt thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để ra khơi, ngược lại nếu không thành công sẽ tạo hiệu ứng xấu...

Thứ hai là tính bền vững của dự án, với kế hoạch ra khởi đánh bắt thủy hải sản không chỉ cần dự án nhất thời thay vào đó là dự án có tính bền vững xuyên suốt và liên tiếp. Từ đó tạo niềm tin cho ngư dân để họ yên tâm tham gia cùng doanh nghiệp.

Thứ ba mua sắm tàu nhưng ai sẽ là người sử dụng tàu đó khi trong cơ cấu đội tàu thường có từ 10 – 20 người. Theo Công ty Đức Khải sẽ hợp tác với ngư dân dựa vào kinh nghiệm của ngư dân, tuy nhiên vấn đề chính là vận hành tàu và chi phí bỏ ra ai phải chịu. Tàu được nhập về là tàu cũ đã qua sử dụng liệu có phù hợp với vùng biển Việt Nam cũng như chi phí nhiên liệu…

Thứ tư nguồn vốn, nếu dự án là nguồn vốn do doanh nghiệp tự bỏ ra vấn đề hoàn toàn lỗ lãi doanh nghiệp tự chịu, nhưng chủ yếu vốn thực hiện dự án là nguồn vốn vay, nếu dự án không thành công sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, cho ngân hàng, tiền đó chu quy lại vẫn là  tiền của dân.

Từ các yếu tố trên, PGS.TS Võ Văn Trác nhấn mạnh, trước khi phê duyệt dự án cần cẩn trọng xem xét vấn đề. Trước câu hỏi giữa việc cho doanh nghiệp vay vốn và cho ngư dân vay vốn thực hiện dự án đánh bắt thủy hải sản ai sẽ hiệu quả hơn? Tính hiệu quả dự án sẽ rất khó nói nếu chỉ nhìn vào con số đưa ra, về doanh nghiệp có lợi thế về vốn, trong khi ngư dân có lợi thế về kinh nghiệm. Vì vậy nếu kết hợp được hai yếu tố này sẽ mang lại hiệu quả.

Trong khi đó nói về tính cách của ngư dân và hợp tác giữa ngư dân với doanh nghiệp, PGS.TS Võ Văn Trác cho rằng, ngư dân Việt Nam mạnh mẽ kiên cường bám biển họ luôn muốn làm chủ biển khơi. Do đó cùng với Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ “Về một số chính sách phát triển thủy sản” với nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ cho ngư dân trong việc đóng mới, nâng cấp tàu và cho vay vốn lưu động đối với các chủ tàu đánh bắt xa bờ, chắc chắn ngư dân đang rất chờ đợi nghị định này có hiệu lực để họ được tiếp cận nguồn vốn và ra khơi.

"Do vậy thay vì làm việc cho doanh nghiệp, ngư dân được tiếp cận vốn sẽ có cơ hội làm chủ chính con tàu của mình, vì vậy để lựa chọn ngư dân sẽ muốn tự vay vốn đóng tàu và ra khơi bằng chính con tàu của mình hơn là thuê lại của doanh nghiệp dù tỉ lệ ăn chia ngư dân có được phần hơn nhưng không gì quý bằng việc họ tự làm chủ tàu của mình", PGS.TS Võ Văn Trác nhận định.

Nội dung Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ “Về một số chính sách phát triển thủy sản”:

Chủ tàu được vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu, bao gồm cả máy móc, ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa, tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và công suất máy chính.

Thời hạn vay là 11 năm, riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi suất và chưa phải trả nợ gốc; phương thức, thủ tục cho vay thuận tiện, phù hợp; tài sản bảo đảm là chính con tàu được đóng bằng vốn vay. 

Ngư dân chỉ phải trả lãi suất từ 1-3%/năm tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính đối với tàu đóng mới, nâng cấp. Riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu từ 4-6%/năm tùy thuộc loại tàu và công suất máy.

Cho vay vốn lưu động lên tới 70% chi phí cho chuyến đi biển hoặc giá trị cung cấp dịch vụ hậu cầu trên biển; mức lãi suất cho vay trong năm đầu tiên là 7%/năm.

Cũng theo Nghị định này, các chủ tàu khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính, có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể sẽ được vay tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, tối đa 70% chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản với lãi suất 7%/năm.

Hồng Minh