Nhà bán lẻ lớn nhất VN: Muốn vượt khó, DN phải lấy khách làm trọng tâm

29/01/2013 07:07
Vũ Vũ
(GDVN) - Với tổng cộng 21 siêu thị trên toàn quốc, BigC trở thành một trong số những nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Chia sẻ kinh nghiệm vượt khủng hoảng, BigC cho rằng: Cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng sức mua của người tiêu dùng.
Năm 2012 có thể coi là năm khó khăn của các doanh nghiệp Việt. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì năm nay có khoảng 50.000 doanh nghiệp rời thị trường, cộng với 49.000 của năm ngoái là xấp xỉ 100.000. Con số này tương đương với một nửa số doanh nghiệp “chết” trong vòng 20 năm qua, kể từ khi có luật doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI cũng đã than thở: "Doanh nghiệp chưa bao giờ chết nhiều như 2 năm qua". Dự báo năm 2013 vẫn là một năm đầy khó khăn và thử thách, nhằm tìm ra lời giải đáp cho bài toán “doanh nghiệp vượt bão khủng hoảng như thế nào”, báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với người đại diện của hệ thống siêu thị Big C, bà Dương Thị Quỳnh Trang – Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại.- Thưa bà, kinh tế khó khăn, thị trường bán lẻ cũng ảnh hưởng khá nặng nề vì sức mua của người dân suy giảm. Với BigC, sự ảnh hưởng này có nặng nề không?
Bà Dương Thị Quỳnh Trang
Bà Dương Thị Quỳnh Trang
Bà Dương Thị Quỳnh Trang:
Tình hình kinh tế hiện nay đã có những tác động nhất định lên sức mua của người tiêu dùng và tốc độ lưu thông hàng hóa. Big C không nằm ngoài qui luật của thị trường. Tuy nhiên, khó khăn cũng là thách thức và cơ hội nên Big C luôn nỗ lực hết sức để phát triển kinh doanh một cách hiệu quả.
- Nói như vậy có nghĩa là kết quả kinh doanh năm 2012 của BigC không bị sụt giảm?
Bà Dương Thị Quỳnh Trang:
Nhìn chung kết quả kinh doanh đạt kế hoạch đề ra. Đây là kết quả từ những nỗ lực của Big C trong việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng sức mua của người tiêu dùng.
- Bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm vượt khó của BigC dưới sự dẫn dắt của công ty mẹ - Tập đoàn Casino (một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới)?Bà Dương Thị Quỳnh Trang: Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể là: + Tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa các đợt khuyến mãi với qui mô lớn (1.000 – 1.500 sản phẩm/ đợt), giảm giá mạnh hơn, nhiều catalogue khuyến mãi cho nhiều ngành hàng cùng một lúc để tăng sự lựa chọn giá rẻ cho khách hàng; + Ngoài các chương trình khuyến mãi áp dụng chung, năm 2012, Big C còn xây dựng các chương trình dành riêng cho chủ “Thẻ Ưu Đãi” với nhiều lợi ích thiết thực, giúp khách hàng tiết kiệm nhiều hơn như Big+ (quyền mua hàng giá cực sốc rẻ), tặng phiếu mua hàng giá trị, trúng thưởng lớn,… cùng các chương trình khuyến mãi đặc biệt dành riêng cho chủ thẻ; + Đẩy mạnh công tác thu mua tận nguồn, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả,
hải sản,…để đảm bảo chất lượng, độ tươi ngon, ổn định nguồn cung, từ đó có giá rẻ nhất và ổn định (nhờ giảm các khâu trung gian) cho khách hàng;
+ Tiếp tục phát triển các gian hàng nhãn riêng có giá rẻ hơn các nhãn hiệu tương đương từ 10% đến 70%:  Nhãn hàng riêng “WOW! Giá hấp dẫn”: mức giá thấp nhất trên thị trường (hiện có khoảng 250 măt hàng); Nhãn hàng riêng “Big C”: phân khúc hạng trung (hiện có khoảng 200 mặt hàng);
+ Theo dõi sát sao biến động giá trên thị trường, thương lượng điều chỉnh giá tối thiểu đối với những yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp. + Triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá để bảo vệ sức mua của khách hàng như: Giảm mặt bằng giá 300 mặt hàng nhu thiết yếu, cam kết  bán với giá rẻ nhất trên thị trường và giữ mức giá giảm này trong 4 tháng (từ 10/7 đến 01/11/2012); Áp dụng chính sách “Giá rẻ nhất trên thị trường” đối với 10 sản phẩm nhu thiết yếu (đường, gạo, nước mắm, trứng, mì gói, dầu ăn …); Giảm giá so với giá ấn định trên bao bì nhà sản xuất đối với trên 1.400 sản phẩm hóa mỹ phẩm và thực phẩm khô; Tích cực tham gia các chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM, Hà Nội và các địa phương nơi Big C có mặt; Tăng cường các dịch vụ khách hàng: ví dụ đẩy mạnh dịch vụ xe buýt Big C miễn phí để đưa đón khách hàng đi mua sắm: hiện trên toàn quốc có trên 40 tuyến xe buýt Big C miễn phí,…
- Theo kết quả khảo sát của các công ty nghiên cứu Bất động sản, mặc dù sức mua của người tiêu dùng suy giảm nhưng vẫn có nhiều nhà bán lẻ gia nhập thị trường. Có thể lý giải về điều này như thế nào, thưa bà?
Bà Dương Thị Quỳnh Trang: Thị trường bán lẻ của Việt Nam là thị trường tiềm năng và nhiều lợi thế: dân số đông và trẻ, tốc độ phát triển kinh tế ổn định từ hơn 20 năm nay, phương thức bán lẻ hiện đại vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn so với phương thức bán lẻ truyền thống, mỗi năm có thêm khoảng 1 triệu người tiêu dùng mới, thu nhập và mức sống của người dân ngày càng được cải thiện kéo theo nhu cầu tiêu dùng cũng ngày một tăng lên. Đó là những thế mạnh của thị trường bán lẻ VN. Bên cạnh đó, còn một số tồn tại được coi là khó khăn cho thị trường bán lẻ VN như hạ tầng giao thông chưa phát triển xứng tầm, qui hoạch đô thị chưa đồng bộ dẫn đến khó tìm mặt bằng và giá thuê cao.
- Quay trở lại vấn đề “làm thế nào để vượt bão khủng hoảng”, vậy từ kinh nghiệm thực tế của mình, nếu nói ngắn gọn, theo BigC đâu là lời khuyên hữu hiệu nhất cho các doanh nghiệp để có thể vươn lên trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay?
Bà Dương Thị Quỳnh Trang: Cần có chiến lược phát triển lâu dài và bền vững. Lấy khách hàng làm trọng tâm cho mọi hoạt động của mình. Luôn luôn đổi mới và nỗ lực không ngừng vì sự hài lòng của khách hàng mỗi ngày.- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Vũ Vũ