“Nhất cử lưỡng tiện” khi thu hồi đất sân golf nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất

28/02/2017 07:07
Ths. Nguyễn Văn Chiến
(GDVN) - Theo Ths.Nguyễn Văn Chiến, nếu sử dụng đất sân golf nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giúp nâng công suất và chống được hiện tượng ngập tại sân bay này.

Trong cuộc họp ngày 22/2 vừa qua, Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC – Bộ Quốc phòng) đã trình bày trước Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các bộ, ngành chi tiết 7 phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong đó đáng chú ý nhất phương án 3B khi lần đầu tiên đưa ra vấn đề thu hồi toàn bộ diện tích đất khoảng 276ha bao gồm 157.3ha đất sân golf, 90.1 ha đất quân sự và giải tỏa một phần đất dân sự 28.6ha với khoảng 6.050 hộ dân.

Dẫn đến đơn vị tư vấn đưa ra tổng mức đầu tư phương án 3B lên đến hơn 61.590 tỷ, và thời gian xây dựng kéo dài tới 10-12 năm.

Kế hoạch nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các chuyên gia ngành hàng không và dư luận xã hội - ảnh: H.Lực.
Kế hoạch nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các chuyên gia ngành hàng không và dư luận xã hội - ảnh: H.Lực.

Nghiên cứu vấn đề hàng không với nhiều năm sống tại TP.HCM, Ths.Nguyễn Văn Chiến - Nghiên cứu sinh chuyên ngành Kinh tế học tại Colombo University (Srilanka) có bài viết gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nêu ra những lợi điểm khi sử dụng đất sân golf để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến độc giả bài viết của Ths. Nguyễn Văn Chiến bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Có thật sự thời gian xây dựng cần tới 10-12 năm?

Theo như giải thích từ đơn vị tư vấn, phương án 3B cần tới 5 năm để giải phóng mặt bằng. Nếu nhìn vào tiến độ dự án khi thực hiện phương án 3B thì mấu chốt là vấn đề giải phóng mặt bằng ở phần đất dân cư bao gồm 6.050 hộ dân.

Bên cạnh đó việc chi phí đầu tư dự án lên đến hơn 60.000 tỷ đồng (gấp 3,2 lần phương án 3) chủ yếu do phải đền bù và tái định cư cho 6.050 hộ dân này.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ hơn thì diện tích đất này chỉ chiếm chưa tới 11% trong 276ha cần phải thu hồi, trong khi đất sân golf và đất quân sự chiếm tới 89% - trong khi phần đất này đã có sẵn mặt bằng và không mất nhiều thời gian, chi phí giải phóng mặt bằng.

Từ đó, đặt ra câu hỏi: Có thực sự phải giải phóng hết 11% đất dân cư hay không? 

Trong khi với 247.4 ha đất sân golf và quân sự, đủ sức làm nhiều nhà ga và khu đậu máy bay lớn, và khi đó thời gian giải phóng mặt bằng sẽ rất nhanh, không cần tới 5 năm như đơn vị tư vấn đề xuất.

Hơn nữa, nếu không giải phóng mặt bằng khu vực 6.050 hộ dân này thì chi phí giải phóng mặt bằng thấp, dẫn tới tổng mức đầu tư sẽ được hạ xuống, thời gian hoàn vốn sẽ nhanh hơn, cũng như thời gian hoàn thành dự án không cần tới 10-12 năm như đề xuất.

Theo Ths.Nguyễn Văn Chiến, việc giải tỏa sân golf nâng cấp Tân Sơn Nhất ở phía gần đường Tân Sơn (khu vực vòng tròn mầu da cam) sẽ tránh được cả việc ùn tắc tuyến đường dẫn tới sân bay - ảnh Ths. Nguyễn Văn Chiến
Theo Ths.Nguyễn Văn Chiến, việc giải tỏa sân golf nâng cấp Tân Sơn Nhất ở phía gần đường Tân Sơn (khu vực vòng tròn mầu da cam) sẽ tránh được cả việc ùn tắc tuyến đường dẫn tới sân bay - ảnh Ths. Nguyễn Văn Chiến

Hiện nay để vào được sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài đường Trường Sơn, nếu dựa theo các phương án mà ADCC đề xuất có nhiều cách tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất từ đường Quang Trung tại quận Gò Vấp; hoặc từ đường Cộng Hòa tại quận Tân Bình hoặc đường Tân Sơn từ giáp ranh giữa quận Gò Vấp và Tân Bình.

Trong giờ cao điểm, đường Cộng Hòa và đường Quang Trung đều kẹt xe rất trầm trọng (trong đó đường Quang Trung nhỏ). Thực tế thì cả hai con đường này đều khó có khả năng mở rộng; trong khi đường Tân Sơn lại khá vắng.

Hơn nữa, đường Tân Sơn hiện đã được mở rộng lên tới 6 làn xe ở gần khu vực sân golf, vị trí khu vực dân cư vẫn chưa được mở rộng, do vậy chỉ cần thu hồi một phần nhỏ đất dân cư ở phía đầu đường Trường Chinh (màu đỏ trong bản đồ) để mở rộng toàn bộ đường Tân Sơn là có thể đảm bảo được kết nối rất tốt với sân bay từ phía đường Trường Chinh.

Cần chú ý là đường Tân Sơn còn có khả năng mở rộng hơn nữa trong tương lai.

Mặt khác, hành khách từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh có thể vào sân bay Tân Sơn Nhất dễ dàng hơn thông qua đường Tân Sơn, thay vì thông thường họ phải đi vào đường Cộng Hòa hoặc Trường Sơn, vốn đã rất kẹt xe.

Đó là chưa kể dự kiến trong 3-5 năm tới khả năng kẹt xe ở đường Cộng Hòa và đường Trường Sơn sẽ còn trầm trọng hơn.

Giải phóng sân golf sẽ chống ngập cho sân bay

Bên cạnh việc nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất, chống ngập cũng là yêu cầu cấp thiết với sân bay này. Vì thế, nếu sân bay được xây dựng tại khu vực phía Bắc bằng cách thu hồi đất sân golf và khu vực quân sự, phương án này cũng sẽ giảm được khả năng ngập úng cho sân bay Tân Sơn Nhất.

“Nhất cử lưỡng tiện” khi thu hồi đất sân golf nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 3

Cần trả diện tích sân golf để giảm tải sân bay Tân Sơn Nhất

“Nhất cử lưỡng tiện” khi thu hồi đất sân golf nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 4

Thấy gì từ những phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất?

Do tổng diện tích đất 2 khu vực này khoảng 247.4ha nên hoàn toàn có thể làm thêm nhiều khoảng đệm để chứa nước. 

Đặc biệt khu vực 157.3ha của sân golf hiện nay không thể lưu giữ được lượng nước mưa, nhưng nếu được chuyển thành đất sân bay thì chủ đầu tư sẽ cải tạo để biến 157.3ha đất này thành vùng đệm chứa nước. 

Điều đó khẳng định nếu mở rộng sân bay về phía Bắc thì khả năng chống ngập úng cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ tốt hơn.

Các phương án khác nếu vẫn tiến hành và đất sân golf vẫn được giữ nguyên, thì TP.HCM phải làm các hồ chứa nước, vì bản chất là sân golf 157.3ha không thể giữ được nước khi trời mua, do sân golf được làm cao hơn mặt đất tự nhiên và được trồng cỏ.

Xây hệ thống ngầm kết nối các nhà ga

Khi đưa ra phương án 3B, ADCC lo lắng không thể tận dụng tối đa công suất của các công trình đã có ở phía nam do khoảng cách xa.

Tuy nhiên, vấn đề kết nối khu vực nhà ga bên phía đường Trường Sơn hiện nay sang nhà ga bên phía Bắc (đường Tân Sơn) không khó giải quyết. 

Nhiều sân bay trong khu vực và quốc tế, như tại sân bay KLIA2 của Malaysia, hệ thống giao thông ngầm sẽ là giải pháp để kết nối giữa các khu vực nhà ga này sang khu vực nhà ga khác trong sân bay, và kết nối thẳng với cả bãi đậu xe. Ở sân bay Tân Sơn Nhất, giải pháp giao thông ngầm cũng sẽ là lựa chọn tối ưu.

Ngoài ra, hiện nay TP.HCM đang nghiên cứu giải pháp giao thông công cộng bằng tuyến metro và đường trên cao nối với sân bay Tân Sơn Nhất, tuy nhiên tuyến metro và đường trên cao hiện vẫn đang giai đoạn nghiên cứu khả thi, cũng phải hàng chục năm nữa mới có thể hình thành.

Trong khi đó, sân bay Long Thành cũng phải ngoài 2025 thì may ra mới xong được giai đoạn 1 để vận hành, vấn đề hạ tầng trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất trong 3-5 năm tới rất là nan giải. 

Quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng cần tính đến khả năng kết nối giao thông, và tận dụng phân luồng giao thông hợp lý cho khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

Với những lý do trên có thể khẳng định lựa chọn mở rộng nhà ga về phía Bắc tại vị trí sân golf và khu vực quân sự sẽ là lựa chọn tối ưu nhất hiện nay.

Theo ADCC với phương án 3B công suất của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đạt 43-45 triệu hành khách/năm nhưng sẽ phải giải phóng mặt bằng 276 ha, trong đó đất dân cư 28,6 ha, đất quân sự 90,1 ha và đất sân golf 157,3 ha đồng thời tái định cư cho 6.050 hộ dân.

Tổng mức đầu tư của phương án này là 61.590 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với phương án 3.

Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành cũng dài hơn, mất từ 10 đến 12 năm, trong đó riêng công tác giải phóng mặt bằng đã mất khoảng 5 năm.

Phương án này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác khu bay, ảnh hướng đến quốc phòng, an ninh và đến quy hoạch của TP Hồ Chí Minh, đồng thời không thể tận dụng tối đa công suất của các công trình đã có ở phía nam.

Ths. Nguyễn Văn Chiến