Nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực vì tỷ giá

28/05/2015 15:27
Mai Anh
(GDVN) - Việc duy trì tỷ giá VND/USD ổn định danh nghĩa đang làm ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp, du lịch và những ngành xuất khẩu.

Đó là một phần trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 do nhóm tác giả thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện.

Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015: “Tiềm năng hội nhập, thách thức hoà nhập”.
Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015: “Tiềm năng hội nhập, thách thức hoà nhập”.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam được xây dựng lần đầu tiên từ năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách phù hợp.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 với chủ đề: “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa.

Quá trình hội nhập quốc tế đã đạt được những thành tựu bước đầu nhưng tiến triển, hiệu quả và những được - mất vẫn cần thời gian để đánh giá. Đồng thời, nền kinh tế vẫn cần có nhiều thay đổi về thể chế và chính sách để thích ứng với bối cảnh mới, giúp Việt Nam hòa nhập và hòa đồng với các nước khác.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 được nhóm tác giả gồm 12 người thực hiện, trong đó TS Nguyễn Đức Thành Viện trưởng VEPR và TS Nguyễn Thị Hằng kinh tế trưởng VEPR đồng chủ biên. 

Tại hội thảo thay mặt 12 tác giả, TS Nguyễn Đức Thành trình bày nội dung trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm nay.

Theo đó Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 được chia là 7 chương  2 phụ lục. Mở đầu Báo cáo đánh giá tổng quan kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam 2014. Cụ thể kinh tế thế giới năm qua có điểm nhấn đáng chú ý như sự phục hồi của kinh tế Mỹ, tình trạng khó khăn kéo dài của EU, suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc…

TS Nguyễn Đức Thành (ngoài cùng bên trái) thay mặt nhóm tác giải giới thiệu về Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015
TS Nguyễn Đức Thành (ngoài cùng bên trái) thay mặt nhóm tác giải giới thiệu về Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015

Với Việt Nam, nhóm tác giả cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2014 đều vượt mục tiêu và cao hơn hầu hết các dự báo. Tỷ lệ lạm phát duy trì mức thấp, các yếu tố gây bất ổn được kiềm chế. Tuy nhiên cấu trúc nền kinh tế vẫn bộc lộ nhiều vấn dề bởi những yếu tố gây ràng buộc, cản trở tái cấu trúc và chuyển dịch cơ cấu.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng hồi phục không đồng đều diễn biến đồng, đồng Euro, đồng Yên mất giá trong khi đó tỷ giá đồng VND/USD vẫn được duy trì. Điều này theo nhóm tác giả Báo cáo sẽ khiến VND bị đánh giá cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp, du lịch và những ngành xuất khẩu.

Một trong điểm nhấn của Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 là chương 5 “Được và mất trong TPP: Đánh giá từ mô hìn GTAP cho Việt Nam” và chương 6 “Hướng tới hội nhập bền vững thị trường lúa gạo – cách tiếp cận cấu trúc thị trường”.

Trong chương 5, nhóm tác giả đưa ra những kịch bản và phân tích kịch bản kinh tế Việt Nam sau hội nhập. Theo đó Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 nước tham gia đàm phán kí kết xét trên khía cạnh phúc lợi xã hội và thay đổi về GDP.

Tuy nhiên sau khi tham gia TPP, nhiều ngành trong kinh tế Việt Nam bị tác động tiêu cực ở quy mô lớn trong đó có nông nghiệp, cụ thể là sản xuất gạo.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, khi Việt Nam tham gia TPP dưới áp lực cạnh tranh ngày càng lớn của thị trường xuất khẩu, Việt Nam cần thay đổi định hướng ngành lúa gạo tập chung phát triển thị trường nội địa. 

Theo nhóm tác giả Báo cáo, để thúc đẩy xuất khẩu cần nới lỏng điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nới lỏng quy chế hạn điền… Để cạnh trang cần hướng đến nâng cao chất lượng gạo thay vì tăng năng xuất như hiện nay.

Được biết sau hội thảo này Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 sẽ được hoàn chỉnh và xuất bản bằng tiếng Việt vào tháng 8/2015 và tiếng Anh vào tháng 11/2015.

Mai Anh