Những ngành nào đang nhập siêu nhiều nhất từ Trung Quốc?

10/12/2013 09:28
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng đầu năm 2013 có tới 43 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với kim ngạch hơn 26,74 tỉ USD. Nhập siêu đến tháng 10 năm nay là 19,7 tỉ USD.
Theo số liệu của Bộ Công thương, tốc độ tăng nhập siêu giai đoạn 2001-2008 là 85%, đến giai đoạn 2009-2013 đã giảm còn 17%. Tỉ lệ giá trị nhập siêu/xuất khẩu cũng có chuyển biến lớn, nếu năm 2008 tỉ lệ trên đạt 255% thì đến năm 2012 còn 133%. Tỉ trọng các nhóm hàng xuất khẩu công nghiệp có giá trị gia tăng lớn được nâng cao, nhóm nguyên nhiên liệu và khoáng sản xuất sang Trung Quốc (TQ) giảm dần.
 
Cụ thể, giai đoạn 2009 - 2012, nhóm tỉ trọng hàng công nghiệp giá trị cao đã tăng từ 10% - 40%, nhóm hàng nông sản tỉ trọng tăng từ 20% - 30%, nhóm hàng nguyên nhiên liệu giảm từ 55% còn 18,7%. Trong đó, việc nhập khẩu nguyên - nhiên - vật liệu sản xuất như máy móc, thiết bị, phân bón, hóa chất, xăng dầu, vải vóc… chiếm tới 70% - 80% kim ngạch nhập khẩu.

Trong tổng kim ngạch nói trên, có nhiều nhóm hàng kim ngạch nhập khẩu từ 1 tỉ USD trở lên như máy móc, dụng cụ và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép. 

Phần lớn lượng hành, tỏi tại các chợ đầu mối Hà Nội có xuất xứ từ Trung Quốc.
Phần lớn lượng hành, tỏi tại các chợ đầu mối Hà Nội có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trong đó, trên 50% nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày VN đang nhập khẩu từ TQ. Điều đáng nói hiện rất nhiều mặt hàng VN là thế mạnh, như nông sản, nông dân trồng ra tiêu thụ trong nước còn chưa hết vẫn được nhập ồ ạt từ TQ về VN mỗi ngày. Số liệu từ các cơ quan xuất nhập khẩu cho thấy, các loại rau củ quả như khoai tây, gừng, chanh, nho, lê, táo, tỏi… xuất xứ từ TQ tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần một nửa rau quả nhập từ nước ngoài vào VN là từ TQ. 

Có thể nói, trong quan hệ thương mại toàn cầu của VN, kim ngạch 2 chiều giữa VN và TQ tăng mạnh nhất trong hơn thập niên qua. Đặt mục tiêu 5 tỉ USD vào năm 2005 nhưng đến năm 2004 đã đạt 7,2 tỉ USD. Vừa qua, hai bên cũng đã ký kết tới năm 2015 nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 60 tỉ USD.

Theo dự báo của Bộ Công thương, với kim ngạch nhập khẩu trên dưới 3 tỉ USD/tháng như hiện nay, chắc chắn lượng hàng nhập khẩu từ TQ về VN đến cuối năm 2013 sẽ vượt mốc 30 tỉ USD và nhóm hàng có kim ngạch 1 tỉ USD sẽ tiếp tục tăng. Như vậy, mục tiêu 60 tỉ cho thương mại 2 chiều đến năm 2015 là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, chia sẻ trên tờ Người lao động, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nhận định: Nhập siêu từ TQ với quy mô lớn như trên là hiện tượng không bình thường. Mặc dù nhập khẩu lớn từ nước láng giềng chủ yếu là hàng trung gian phục vụ sản xuất nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ tạo ra kênh thất thoát ngoại tệ khủng khiếp.

“Chúng ta nỗ lực xuất siêu sang một số quốc gia như Nhật Bản, Mỹ và khu vực EU… nhưng chỉ cần phần thâm hụt lớn trong cán cân thương mại với Trung Quốc là có thể “ăn” hết phần nhập siêu đạt được” - TS Nguyễn Minh Phong nói.

Hơn nữa, theo ông Phong, nhập siêu còn gây ra rất nhiều hệ quả xấu như bị phụ thuộc kinh tế; giảm việc làm, thu nhập; nguy cơ lớn đe dọa ngành sản xuất nội địa khi không thể cạnh tranh về giá, người tiêu dùng có thể lựa chọn hàng TQ với giá rẻ mặc dù chất lượng kém, ảnh hưởng đến sức khỏe…

Bên cạnh đó, TS Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng trong chuyện nhập siêu, cần có cái nhìn 2 chiều bởi đó vừa là cơ hội vừa là thách thức với nền kinh tế Việt Nam.

“Phải nhìn mối quan hệ VN - TQ trong tổng thể mạng sản xuất toàn cầu. Không chỉ VN mà cả khu vực ASEAN hay Nhật Bản cũng có mối quan hệ phụ thuộc vào TQ và ngược lại. Trong mối quan hệ phụ thuộc đó, việc chia sẻ lợi ích giữa các bên như thế nào là cả một câu chuyện có liên quan đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp VN trong quá trình hội nhập. Hiện chúng ta tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu nhưng cách tham gia yếu ớt, năng lực cạnh tranh kém” - TS Võ Trí Thành nêu vấn đề.

Hồng Anh (Tổng hợp)