Nữ doanh nhân giúp hàng triệu người Việt có cơ hội đi máy bay

02/02/2017 07:00
Mai Anh
(GDVN) - Bà Nguyễn Thị Phương Thảo với bản lĩnh khác biệt đã đưa Vietjet trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 ở Việt Nam và giúp hàng triệu người có cơ hội đi máy bay.

Thành công ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khi mới chỉ 21 tuổi, Tổng giám đốc của Vietjet Air - bà Nguyễn Thị Phương Thảo luôn tâm niệm bản thân phải hướng tới những thử thách lớn, đặc biệt trong những lĩnh vực đóng góp cho xã hội và giúp nâng tầm vị thế quốc gia.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo với bản lĩnh khác biệt đã đưa Vietjet vươn lên trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 ở Việt Nam - ảnh trong bài nguôn Vietjet.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo với bản lĩnh khác biệt đã đưa Vietjet vươn lên trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 ở Việt Nam - ảnh trong bài nguôn Vietjet.

Phá thế độc quyền

Trước năm 1991, khi hàng không Việt Nam chỉ có duy nhất Vietnam Airlines (VNA) cung cấp một loại sản phẩm, dịch vụ mà hầu như là không thể có sản phẩm, dịch vụ cái nào tốt hơn để thay thế cho nó.

Do vậy khách hàng muốn đi lại bằng hàng không thì chẳng còn cách nào khác là phải lựa chọn VNA.

Từ năm 1991, Pacific Airline tham gia thị trường, hãng này ban đầu tuy mang tiếng là tư nhân nhưng hoàn toàn do nhà nước quản lý, thậm chí năm 1995, Vietnam Airlines nhảy vào làm một trong những cổ đông lớn của Pacific Airline.

Đến năm 2005, chính phủ đã ký Quyết định số 64/2005/QĐ-TTg chuyển toàn bộ 86,49% cổ phần của VNA cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài Chính thay mặt Nhà nước quản lý, cho nên thị trường hàng không Việt Nam gần như không có gì thay đổi, sự có mặt của Pacific Airline dường như chỉ là cái tiếng làm phong phú thêm cho ngành hàng không chứ không phá vỡ được thế độc quyền hoàn toàn của Vietnam Airlines.

Năm 2008, hãng Quantas nhảy vào mua 30% cổ phần Pacific Airline để trở thành cổ đông chiến lược, lúc này đổi tên thành Jetstar Pacific Airline cũng như doanh nhân Hà Dũng xuất hiện với Air Speed Up (sau đổi tên thành Indochina Airline).

Lúc này, ai cũng hy vọng Jetstar Pacific sẽ phá được thế độc quyền hoàn toàn của Vietnam Airlines với chiêu thức cạnh tranh giành thị phần nội địa đơn giản là vé giá rẻ. 

Thế nhưng thực tế đã cho thấy, với ưu thế tuyệt đối về tiềm lực tài chính, số lượng đường bay đang khai thác, tần suất chuyến bay, chất lượng máy bay và dịch vụ cung cấp, cuộc chiến giành thị phần nội địa đã nghiêng hẳn về phía VNA. 

Vietjet đã phá vỡ thế độc quyền trên thị trường hàng không Việt Nam.
Vietjet đã phá vỡ thế độc quyền trên thị trường hàng không Việt Nam.

Tính đến 31/12/2009, VNA đã vận chuyển được 6,3 triệu khách nội địa, tăng 14% so 2008. Jetstar Pacific Airlines chỉ vận chuyển xấp xỉ 1,9 triệu khách, chưa bằng 1/3 sản lượng của VNA.

Không chỉ giành thị phần tuyệt đối về vận chuyển khách, VNAlà hãng hàng không duy nhất công bố có lãi với mức lợi nhuận trước thuế đạt 150 tỷ đồng. 

Trong khi đó, với khoản thua lỗ 30 triệu USD từ việc kinh doanh xăng dầu hàng không năm 2009, Jetstar Pacific Airlines rất khó gượng dậy sau cú sốc này.

Indochina Airlines thậm chí còn khó khăn hơn. Kể từ khi đi vào hoạt động đầu năm 2009, hãng hàng không tư nhân liên tục nợ tiền nhiên liệu của nhà cung cấp.

Cho đến tháng 11/2009, hãng này đã phải trả cho đối tác chiếc Boeing 737- 800 duy nhất và ngừng hoạt động cho tới nay.

Cuối năm 2010, Air Mekong (AM) xuất hiện đầy ấn tượng cũng với chiêu thức vé giá và đường bay "độc" khiến cho thị trường hàng không Việt Nam sôi nổi hơn, tuy nhiên đến đầu năm Air Mekong đã phải ngừng bay.

Trong lúc thị trường hàng không dường như lại quay lại thế độc quyền của VNA thì VietJet Air (VJA) ra đời. 

Năm 2011, VietJet Air được thành lập trên phương châm “mang lại cơ hội đi lại bằng máy bay cho tất cả mọi người”. Doanh nhân đứng sau với tâm niệm mang cơ hội đi máy bay cho mọi người đó không ai khác là bà Nguyễn Thị PhươngThảo.

Trước khi quyết định đầu tư vào hàng không, bà Thảo và các cộng sự đã nhìn thấy nhu cầu vận tải hàng không tại Việt Nam cũng sẽ giống như các thị trường quốc tế và có sự nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình phù hợp. 

Tất cả đều là những mô hình vận chuyển hàng không đi theo hướng xã hội hóa rộng rãi, nó giúp cho việc đi bằng máy bay được đơn giản như xe buýt và taxi, thay vì quan niệm coi máy bay như cái gì đó rất xa xỉ.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo với bản lĩnh khác biệt cùng những quyết định quyết định táo bạo giúp Vietjet vươn ra tầm khu vực.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo với bản lĩnh khác biệt cùng những quyết định quyết định táo bạo giúp Vietjet  vươn ra tầm khu vực.

Mô hình hàng không bà Thảo xây dựng và theo đuổi là một mô hình “lai” giữa giá rẻ và truyền thống.

Vietjet được quản trị theo mô hình quản lý chi phí vận hành khai thác sao cho tối ưu, trong đó gồm chi phí tàu bay, dịch vụ mặt đất, kỹ thuật, và chi phí về nhân lực, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí về con người.

Những quyết định táo bạo

Ngay thời điểm mới xuất hiện, nhiều người đã lo lắng Vietjet Air sẽ đi vào vết xe đổ của Indochina Airlines hay AirMekong, tuy nhiên thực tế hoàn toàn ngược lại.

Thành công lớn nhất Vietjet có lẽ mô hình quản lý chi phí vận hành khai thác sao cho tối ưu, trong đó gồm chi phí tàu bay, dịch vụ mặt đất, kỹ thuật, và chi phí về nhân lực được bà Nguyễn Thị Phương Thảo xây dựng.

Trân trọng người lao động chính là ưu điểm tuyệt vời của bà Thảo và giờ đây đó đã trở thành triết lý kinh doanh của Vietjet. Vì vậy, Vietjet đã xây dựng bộ máy nhân lực với trình độ chuyên môn cao, sẵn sàng chi trả lương, thưởng tốt để cán bộ công nhân viên an tâm thực hiện tốt nhiệm vụ vai trò của mình.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty Boeing, ông Ray Corner (trái) ký hợp đồng cung cấp 100 máy bay với bà Nguyễn Thị Phương Thảo (phải), giám đốc điều hành hãng Vietjet. Lễ ký được chứng kiến bởi Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama - Ảnh: Reuters
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty Boeing, ông Ray Corner (trái) ký hợp đồng cung cấp 100 máy bay với bà Nguyễn Thị Phương Thảo (phải), giám đốc điều hành hãng Vietjet. Lễ ký được chứng kiến bởi Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama - Ảnh: Reuters

Khó khăn của hàng hãng không khi mới thành lập là máy bay, tuy nhiên Vietjet xua tan lo lắng đó khi công bố ký kết thỏa thuận đặt hàng tổng cộng 100 máy bay các loại với Airbus.

Hợp đồng mua bán này gồm 63 chiếc, trong đó có 42 chiếc A320neo, 14 A320ceo và 7 A321ceo, cộng với quyền mua thêm 30 tàu bay và thuê 7 chiếc tàu bay Airbus khác.

Giá trị hợp đồng lần đầu tiên được công bố: 63 chiếc máy bay trị giá 6,4 tỷ USD. Tính cả số máy bay thuê và các quyền lợi khác, số tiền phải thanh toán là 9,1 tỷ USD.

Tháng 11/2014, chiếc máy bay đầu tiên của hợp đồng này đã được giao cho Vietjet Air. Đáng chú ý, đây là chiếc máy bay đầu tiên của Vietjet Air mang biểu tượng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Đây cũng là đại diện cho những đầu mối tài trợ, thu xếp vốn cho Vietjet Air thực hiện gói hợp đồng trên.

Không dừng lại ở đó, hãng liên tục phát triển mạnh mẽ từ việc thu hút đông đảo các nhân viên năng động, phi công giỏi về làm việc cho mình. Đồng thời, mở hàng loạt đường bay trong nước và nước ngoài, góp phần giúp thị trường hàng không Việt cạnh tranh hơn với chi phí đi lại ngày càng rẻ.

Nữ doanh nhân giúp hàng triệu người Việt có cơ hội đi máy bay ảnh 5

Tổng giám đốc VietJet Air vào top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới

Nữ doanh nhân giúp hàng triệu người Việt có cơ hội đi máy bay ảnh 6

Nữ CEO ngành hàng không hát tặng người nghèo

Không ngừng tạo bất ngờ, trong chuyến thăm Việt Nam hồi giữa năm của Tổng thống Obama, nữ thuyền trưởng này tiếp tục đứng ra ký mua 100 máy bay Boeing. Hợp đồng trị giá 11,3 tỉ USD được thực hiện trong giai đoạn 2019-2023.

Ở vị trí “thuyền trưởng” Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã có những quyết định lịch sử đưa Vietjet phát triển mạnh mẽ chỉ sau 5 năm có mặt trên thị trường hàng không.

Giúp hàng triệu người có cơ hội đi máy bay

Như lời nhận định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa: “Không phải ai khác mà chính Vietjet đã làm thay đổi diện mạo của ngành hàng không Việt Nam, đưa lĩnh vực vận tải này trở nên đơn giản với mọi người dân Việt Nam”.

Sự tham gia của Vietjet vào cuối năm 2012 đã phá vỡ sự độc quyền trong kinh doanh hàng không, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, cũng như giúp cho 30% hành khách lần đầu tiên được sử dụng dịch vụ hàng không, trong đó có nhiều người chưa bao giờ mơ ước được đi máy bay.

Đánh giá của “tư lệnh” ngành giao thông phần nào cho thấy đóng góp của Vietjet. Có thể nói với kinh nghiệm, tiềm lực tài chính Vietjet hoàn toàn có thể lựa chọn phân khúc hàng không phục vụ khách hàng trung và cao cấp.

Ở vị trí một doanh nhân bà Thảo biết thị trường hàng không đang thiếu gì. Do vậy nếu lựa chọn phân khúc khách hàng trung và cao cấp có nghĩa đối đầu trực tiếp với Vietnam Airlines một doanh nghiệp lớn của nhà nước có hàng chục năm kinh nghiệm như vậy Vietjet sẽ tự làm khó mình.

Trong khi đó so sánh mức thu nhập người dân và nhu cầu đi lại bằng hàng không, bà Thảo hiểu người dân mong mỏi được đi lại bằng hàng không nhưng giá vé không quá cao, chất lượng dịch vụ tốt.

Trước mong muốn ấy, ở vị trí “thuyền trưởng” bà Thảo đã quyết định xây dựng Vietjet hướng đến hàng không giá rẻ, hàng không của tất cả mọi người để ai cũng được đi bằng máy bay. 

Với slogan “bay là thích ngay”, Vietjet đã hiện thực hóa giấc mơ được đi lại bằng máy bay của hàng triệu người Việt. Những hành khách bình dân, họ có thể là nông dân, công chức, người thu nhập thấp, bất cứ ai cũng có thể bước lên các hành trình của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. 

Giá trị cốt lõi của Vietjet được bà Nguyễn Thị Phương Thảo xây dựng có thể gói gọn trong 8 chữ: “An toàn, Giá rẻ, Vui vẻ, Đúng giờ” - một ước mơ của hầu hết khách đi máy bay. 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HD Bank, Tổng giám đốc Vietjet Air tặng quà cho hành khách trên một chuyến bay.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HD Bank, Tổng giám đốc Vietjet Air tặng quà cho hành khách trên một chuyến bay.

Trên thực tế, bà Thảo không phải mẫu doanh nhân “nói suông”. Từ triết lý kinh doanh nhân văn, hướng tới cộng đồng, khát vọng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người trên các chuyến bay, đem lại cơ hội bay bình đẳng cho tất cả mọi người, người phụ nữ này cùng các cộng sự đã viết lên một câu chuyện cổ tích trong ngành hàng không.

“Cuộc cách mạng trong ngành hàng không”, “câu chuyện cổ tích có thật” của bà Thảo và Vietjet được hiện thực hoá bằng những con số rất thuyết phục khi đạt được những kỳ tích hiếm có trong ngành hàng không, với việc đạt lợi nhuận ngay từ năm thứ hai hoạt động, doanh thu năm thứ 5 gấp 3 lần năm thứ 3. 

Sau gần 5 năm hoạt động, Vietjet đã vươn lên dẫn đầu thị phần hàng không nội địa, hơn 90% khách hàng thường xuyên quay lại sử dụng dịch vụ.

Hàng triệu người dân, nhờ cánh bay Vietjet, lần đầu tiên được tiếp xúc với phương tiện di chuyển văn minh, được đi trên những máy bay mới, hiện đại. Các sân bay địa phương trở nên tấp nập hơn với những chuyến bay nội địa và quốc tế của Vietjet. 

Vietjet đem đến sự thay đổi rõ nét cho thị trường hàng không kéo theo sự đổi mới tích cực của các hãng hàng không khác. Cùng với hạ tầng được nâng cấp, không ngừng hiện đại hóa, hàng không Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế với khu vực và thế giới.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970, là Tiến sỹ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, Cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Matcơva, Cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động Trường Kinh tế Quốc dân Matcơva, Ủy viên sáng lập Viện Hàn Lâm Nghiên cứu Hệ thống Liên Bang Nga.

Bà đã có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động kinh tế tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Tài chính – Ngân hàng.

Bà Thảo đã và đang tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng, định chế tài chính, công ty quốc tế tại Việt Nam và nước ngoài.

Bên cạnh việc kinh doanh, doanh  nhân Nguyễn Thị Phương Thảo còn tham gia tích cực trong các tổ chức giáo dục đào tạo, xã hội, từ thiện… với mục đích gắn kết cộng đồng cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Bà Thảo được tạp chí Forbes được bình chọn nằm trong Top 100 người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh, Top 50 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á.

Mai Anh