Phí BOT "thu vo - thu quạ" gây bức xúc cho người dân

16/03/2017 07:00
Mai Anh
(GDVN) - Theo các chuyên gia giao thông chính cách “thu quạ, thu vo” dẫn đến người dân phản ứng gay gắt của người dân với một số trạm thu phí BOT.

Bất cập làm đường BOT trên quốc lộ

Những ngày gần đây người dân các xã Hồng Đà, Thượng Nông, Dậu Dương… huyện Tam Nông, Phú Thọ đã kéo theo nhiều người cùng đoàn phương tiện khoảng 20 xe ô tô dàn hàng, vây trạm thu phí Tam Nông (đặt tại km67+300 trên Quốc lộ 32, đoạn qua huyện Tam Nông) để phản đối việc thu phí bất hợp lý tại trạm BOT này. Sự việc gây ách tắc giao thông hàng km ở 2 đầu trạm thu phí.

Nguyên nhân người dân tụ tập, vây trạm thu phí vì cho rằng, việc đặt trạm thu phí BOT trên tuyến Quốc lộ 32 tại xã Thượng Nông (huyện Tam Nông, Phú Thọ) là không hợp lý.

Trạm thu phí BOT trên QL32 qua Tam Nông, Phú Thọ - ảnh nguồn Báo Giao thông vận tải
Trạm thu phí BOT trên QL32 qua Tam Nông, Phú Thọ - ảnh nguồn Báo Giao thông vận tải

Mặt khác, đơn vị thu phí chỉ thi công nâng cấp, sửa chữa 12 km nền đường cũ, nhưng lại thu phí rất cao. Mức thu phí từ 35.000 - 50.000 đồng/lượt, gây bức xúc cho người dân trên địa bàn.

Được biết, trạm thu phí BOT Tam Nông đặt tại km67+300 trên quốc lộ 32, đoạn qua huyện Tam Nông, để thu phí hoàn vốn cho dự án đường Hồ Chí Minh từ quốc lộ 2 đến xã Hương Nộn và nâng cấp mở rộng quốc lộ 32 đoạn từ cầu Cổ Tiết đến cầu Trung Hà theo hình thức BOT.

Dự án chính thức đưa vào khai thác sử dụng từ đầu tháng 1/2017 và thu phí chính thức từ ngày 6/3.

Trước đó người dân thị trấn Lương Sơn (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) từng vây trạm thu phí Lương Sơn để phản đối mức thu phí cao. Ngoài ra, người dân sống xung quanh trạm thu phí quốc lộ 6 cho rằng điểm đặt trạm thu phí không hợp lý ngay sát thị trấn Lương Sơn.

Như vậy người dân thị trấn Lương Sơn sở hữu ô tô cá nhân do công việc trong thị trấn ngày ngày họ phải đi qua lại trạm thu phí, mỗi lần qua lại phải trả phí. Điều này gây khó khăn cho người dân.

Trước việc người dân nhiều nơi phản ứng gay gắt với các trạm thu phí, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: "Hiện tượng người dân bao vây phản đối trạm thu phí không phải xảy ra lần đầu tiên cho thấy vấn đề trong phê duyệt, quản lý các dự án giao thông theo hình thức BOT cần phải nghiêm túc xem xét lại".

Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, các dự án BOT giao thông hiện nay có hai vấn đề bất cập: Thứ nhất, phê duyệt đầu tư dự án nâng cấp cải tạo theo hình thức BOT trên tuyến quốc lộ; Thứ hai, vấn đề thu phí.

Ông Liên phân tích, việc phê duyệt các dự án đầu tư theo hình thức BOT có thu phí áp dụng không chỉ trên các tuyến đường mới mà cả trên các tuyến quốc lộ cũ là bất hợp lý.

Các tuyến quốc lộ đều là huyết mạch giao thông, người dân hàng ngày đi qua với lưu lượng giao thông lớn.

Thực hiện đầu tư theo hình thức BOT trên tuyến quốc lộ có nghĩa bắt người dân phải đi đường BOT mà không có sự lựa chọn.

Ông Liên cũng cho rằng việc thu phí không đúng nguyên tắc: “Đi đường BOT phải trả phí có nghĩa đi bao nhiêu Km trả tiền bấy nhiêu, nhưng thực tế nhiều tuyến BOT người dân chỉ đi vài Km vẫn phải trả tiền cả tuyến, thậm chí thu phí BOT cho cả tuyến đường người dân không đi. Như vậy không công bằng với người dân”.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - ảnh H.Lực.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - ảnh H.Lực.

“Kiểu thu vo – thu quạ”

Liên quan đến bất cập trong thu phí các tuyến đường BOT hiện nay, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nguyên tắc đi bao nhiêu km trả tiền bấy nhiêu chỉ được áp dụng với tuyến cao tốc được xây dựng theo hình thức BOT còn các tuyến đường nâng cấp sửa chữa thì khác.

Phí BOT "thu vo - thu quạ" gây bức xúc cho người dân ảnh 3

Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận nhiều bất cập tại dự án BOT

Phí BOT "thu vo - thu quạ" gây bức xúc cho người dân ảnh 4

Ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm ở những dự án BOT

“Mức thu bao nhiêu, thu bao nhiêu năm đều theo phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cho từng dự án chứ không dựa theo số Km người dân đi”, ông Thanh cho biết.

Cũng theo ông Thanh, chính kiểu “thu vo, thu quạ” tại nhiều tuyến đường BOT khiến người dân bức xúc dẫn đến bao vây trạm thu phí BOT để phản đối.

Trước hiện tượng người dân bao vây phản đối các trạm thu phí vì mức thu, ông Bùi Danh Liên cho rằng rất khó để giảm mức thu phí bởi đã được quy định trong hợp đồng ký kết.

Theo đó, nếu giảm mức phí chắc chắn doanh nghiệp sẽ đòi kéo dài thời gian thu để bù chi phí đầu tư.

Theo ông Liên, giải pháp lúc này chỉ có thể giảm mức phí cho các người dân sống gần trạm thu phí thường xuyên đi lại qua trạm thu phí.

Cụ thể trong trường hợp trạm thu phí Tam Nông thì cần giảm mức thu phí cho người dân sống tại các xã gần trạm thu phí, người dân thị trấn thường xuyên đi qua trạm.

“Quan trọng hơn phải tìm ra cách giải quyết với các dự án BOT trên đường quốc lộ. Thay vì làm BOT trên tuyến quốc lộ nên kêu gọi đầu tư làm đường BOT song song để người dân có thể lựa chọn”, ông Liên cho biết. 

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng hiện nay người dân khi đăng kiểm ô tô đã phải nộp phí bảo trì đường bộ nhằm bảo trì các tuyến đường bộ như quốc lộ, tỉnh lộ.

Tuy nhiên đi đường quốc lộ được nâng cấp sửa chữa theo hợp đồng BOT người dân lại phải nộp phí BOT riêng, như vậy quá sức chịu đựng người dân. 

Mai Anh