Phó TGĐ Viettel: Để thành công cần có một đối thủ mạnh!

01/02/2013 06:53
Hà Nhi
(GDVN) - Để tồn tại một cách bền vững và thành công, về mặt lâu dài rất cần một đối thủ mạnh – Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó TGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel – người được mệnh danh là “phó tư lệnh”, góp phần đưa Viettel trở thành tập đoàn hùng mạnh, phá thế độc quyền trên thị trường viễn thông chia sẻ.

"Viettel sẽ không ngủ quên trên chiến thắng”
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng GĐ Viettel cho biết: Năm 2012, Viettel chính thức giữ vị trí số 1 trên thị trường viễn thông và là một tập đoàn kinh tế Nhà nước hàng đầu về cả doanh thu, lợi nhuận và đóng góp ngân sách cho Nhà nước.
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động mạnh mẽ, Viettel vẫn có tốc độ tăng trưởng gấp 4 lần tăng trưởng GDP của Việt Nam với doanh thu đạt 141.400 tỷ đồng và lợi nhuận 27.500 tỷ đồng trong năm 2012.
Cùng với việc duy trì mức độ tăng trưởng cao, Viettel có điều kiện tăng cường những đóng góp cho xã hội. Số tiền nộp Ngân sách Nhà nước năm 2012 lên tới 12.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2011.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho rằng: Để thành công cần có một đối thủ mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho rằng: Để thành công cần có một đối thủ mạnh.


Ông Dũng cho hay: Năm 2012 cũng là năm đánh dấu sự trưởng thành của Viettel trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài. 
Với 7 giấy phép đầu tư, Viettel đã có thị trường 110 triệu dân, lớn hơn thị trường trong nước (gồm 3 nước châu Á là Lào, Campuchia, Đông Timor; 2 nước Châu Phi là Mozambique, Cameroon; 2 nước châu Mỹ là Haiti và Peru). Bốn nước đã kinh doanh có lãi với tổng số thuê bao đang hoạt động là gần 10 triệu. Đặc biệt, tại Mozambique, Viettel đã có lợi nhuận chỉ sau 6 tháng chính thức kinh doanh.Với hơn 2 triệu thuê bao được phát triển mới, Movitel được đánh giá là dự án đầu tư hiệu quả nhất của Việt Nam vào Châu Phi kể từ năm 2008 đến nay. 
Trong năm 2012, tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài của Viettel là 734 triệu USD, tăng trưởng 41% so với thực hiện năm 2011, đem lại lợi nhuận chuyển về Việt Nam là 77 triệu USD – gấp 4 lần so với năm 2011. 
“Hai thành tựu to lớn nhất mà Viettel làm được trong năm qua đó là: Củng cố niềm tin của người dân vào vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế. Thứ 2 là đưa hình ảnh tốt đẹp của Viettel ra toàn thế giới’ – ông Dũng nói.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu lớn nhưng “chúng tôi sẽ không “ngủ quên” trong thành công của mình”, vị Phó Tổng Giám đốc Viettel này, chia sẻ.

Bí quyết thành công của Viettel: Cần có đối thủ mạnh

“Tôi còn nhớ có một cuốn sách nói về nước Mỹ có tựa đề “Từng là bá chủ”. Trong đó có câu: “Tôi đã làm một điều rất kinh khủng với ông, bằng cách tôi lấy đi đối thủ nặng ký của ông”. Cách đây 2 năm, lúc đầu, tôi không hiểu lắm, nhưng khi đặt mình vào một tình huống như thế, mình mới hiểu: Để tồn tại một cách bền vững, về mặt lâu dài rất cần một đối thủ tốt” – ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel – người được mệnh danh là “phó tư lệnh”, góp phần đưa Viettel trở thành tập đoàn hùng mạnh, phá thế độc quyền trên thị trường viễn thông tâm sự.
Theo ông Hùng, cách tốt nhất để tiêu diệt một đơn vị nào đó, đó là tiêu diệt đối thủ của họ. Bởi một khi đối thủ không còn, không nằm trong môi trường kích thích cạnh tranh, đối tượng đó sẽ tự thất bại, giống như nước Mỹ bị tụt hậu ngay trong chính thế giới mình tạo ra.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Đăng Dũng cũng chia sẻ: “Với vị trí số 1, chúng tôi không tự mãn để ngủ quên trên chiến thắng. Bởi điều đó sẽ dễ dàng và nhanh chóng tạo ra sự suy thoái.
Ở Viettel, chúng tôi rất may là đã nhận ra được điều này. Trên thế giới, chúng tôi có những đối thủ khổng lồ và những đối thủ này không bao giờ cho chúng tôi nghỉ cả. Đó là một điều may mắn của Viettel. Và tại VN, chúng tôi mong VNPT sẽ tạo sức ép cho Viettel để cả 2 cùng tiếp tục phát triển” – ông Dũng nhấn mạnh.
Năm 2013 vẫn được nhìn nhận là năm với nhiều thách thức do ảnh hưởng của cơn khủng hoảng kinh tế vẫn kéo dài, thị trường viễn thông thế giới và ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng chậm lại. 

ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng GĐ Viettel
ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng GĐ Viettel


Vì vậy, Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2013 từ 15% - 20%, đạt mức doanh thu 162.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng lợi nhuận 26% đạt 34.600 tỷ đồng. 
“Để thực hiện mục tiêu này, Viettel sẽ tiếp tục tái cơ cấu mô hình tổ chức, thay đổi cơ chế khoán, định nghĩa lại một số khái niệm, đổi mới tư duy với mục tiêu đưa viễn thông, công nghệ thông tin len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Viettel cũng sẽ hình thành 2 Tổng công ty hạch toán phụ thuộc là TCT Viễn thông Viettel và TCT Mạng lưới Viettel” – lãnh đạo của Viettel tiết lộ.
Cũng trong năm 2013, tổng doanh thu từ những thị trường nước ngoài được đặt mục tiêu hơn 1,1 tỷ USD với 3 thị trường chủ lực là Campuchia, Lào và Mozambique. 

Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2013 từ 15% - 20%.
Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2013 từ 15% - 20%.

Doanh thu từ đầu tư nước ngoài đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu doanh thu của Viettel. Nếu như năm 2010 chỉ là 7,1%, năm 2011 tăng lên 9%, thì năm 2012 đã đóng góp 11% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Dự kiến năm 2013, tỷ trọng này sẽ tăng lên đến 15%. 
Tổng số vốn góp ra nước ngoài là 175 triệu USD, tổng số tiền lợi nhuận đã mang về nước là 120 triệu USD.Đặc biệt, những thiết bị do Viettel sản xuất như USB DCOM 3G, điện thoại di động,... sẽ được phân phối tại những thị trường này với mục tiêu doanh thu đạt 300 triệu USB. 
“Năm 2013, bên cạnh khó khăn và thách thức, chúng tôi gặp thách thức rất lớn do chính mình tạo ra đó là vị trí số 1” – ông Lê Đăng Dũng kết luận.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hà Nhi