Quyền của dân, không thể xem thường

12/03/2019 15:31
Kiến Văn
(GDVN) - Ông Nguyễn Ngọc Bảo nói rằng, người dân kiểm đếm số lượng xe qua trạm BOT là thực hiện quyền công dân, không vi phạm gì cả.

Từ ngày 26/2 đến 6/3, một nhóm tài xế kết hợp với người dân địa phương thực hiện kiểm đếm thủ công xe qua trạm BOT Ninh Lộc (thuộc dự án mở rộng Quốc lộ 1A, dài 38km đoạn qua phía bắc tỉnh Khánh Hòa) để giám sát tiền thu phí.

Đấy là việc hết sức bình thường, vì những người này đang thực hiện đúng quyền công dân. Khi tiến hành kiểm đếm xe, họ không gây ảnh hưởng tới hoạt động của trạm, không gây rối trật tự và thực tế là đã làm đúng như vậy.

Thế nhưng thay vì hỗ trợ người dân kiểm đếm xe để thể hiện sự minh bạch ở dự án này thì ông Hồ Đình Chung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa lại cho rằng, nhóm người xuất hiện tại các làn thu phí, ngồi cạnh cabin thu phí, không mặc trang phục đúng quy định của nhân viên thu phí, quan ngại có thể xảy ra các tình huống nguy hiểm như khống chế, cưỡng chế, cướp bóc tài sản, tương tự như sự việc xảy ra tại trạm Long Thành - Dầu Giây.

Thậm chí vào ngày 7/3, doanh nghiệp này còn gửi văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng, chỉ đạo Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Bộ Giao thông vận tải để thành lập công tác liên ngành thực hiện việc giám sát thu phí tại Trạm Ninh Lộc, tổ chức điều tra xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Hồ Đình Chung cho rằng, việc giám sát các hoạt động thu phí tự phát, làm thay các cơ quan chức năng như trên, không ai đảm bảo những người tiếp cận khu vực này có đủ hành vi, có đủ hiểu biết, có đủ năng lực để thực hiện các công việc trên. (1)

Đề nghị của Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa gửi tới các cơ quan chức năng ngay lập tức gây ra một làn sóng phản ứng mạnh trong dư luận xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội khóa 13 nói rằng, việc người dân kiểm đếm xe qua trạm là hết sức bình thường. ảnh: NQ.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội khóa 13 nói rằng, việc người dân kiểm đếm xe qua trạm là hết sức bình thường. ảnh: NQ.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trước sự việc này, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: “Người dân có quyền được làm những gì pháp luật không cấm. Quyền của dân, không thể xem thường. Trong trường hợp này, họ chỉ thực hiện quyền công dân và việc mà họ đã làm là đếm số lượng xe đi qua trạm, cũng chưa hề có biểu hiện gì gây ảnh hưởng tới nhân viên hay công việc thu phí tại trạm.

Nếu người ta gây mất trật tự thì anh báo cơ quan chức năng địa phương xử lý chứ cần gì mà gửi tới Bộ rồi còn đề nghị báo cáo Chính phủ. Tại sao chuyện gì cũng đề nghị báo cáo Thủ tướng? Không thể nào để những chuyện kiểu như thế mà cũng đẩy lên Thủ tướng, đẩy lên Chính phủ.

Ở một góc độ khác, việc đếm xe qua trạm cho thấy là người dân không tin tưởng vào chủ đầu tư BOT hoặc chí ít có sự nghi ngờ. Người dân đi qua trạm phải trả tiền thì họ có quyền đòi hỏi minh bạch. Họ làm vậy là muốn biết với mức thu như vậy thì hàng ngày bao nhiêu và bao lâu thì hoàn vốn. Họ kiểm đếm xong, nếu có cung cấp số liệu tới cơ quan chức năng để lấy đó làm tham khảo thực hiện công tác quản lý cũng hoàn toàn bình thường. 

Nhưng đáng tiếc là thay vì tìm ra một giải pháp hợp lý thì doanh nghiệp lại gửi đơn đi khắp nơi, như vậy thì người dân lại tiếp tục nghi ngờ, đặt ra câu hỏi: Nếu không có sai phạm gì thì tại sao lại ngăn cản không cho đếm xe?”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, hình thức đầu tư BOT là rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay, nhưng chính vì có những chủ đầu tư BOT yếu kém năng lực nhưng vẫn được làm dự án theo kiểu “tay không bắt giặc”, tài chính và thời gian thu đều mập mờ nên mới xảy ra sự phản ứng trong dư luận xã hội.

Rất nhiều dự án BOT được chỉ định thầu và trong quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều sai phạm, động đến khâu nào cũng thấy không minh bạch, trong đó những vấn đề phổ biến bị người dân phản ứng là: Thu phí ở đường này bù cho đường khác, thu phí trước, làm đường sau; thảm lại con đường đã có sẵn nhưng thu tiền như làm đường mới…

Sau khi cơ quan thanh tra, kiểm toán vào cuộc, đã có một số dự án lộ ra có vi phạm về giá trị đầu tư và bị giảm thời gian thu phí.

Và chính ngay tại trạm BOT Ninh Lộc cũng đã xảy ra một sự cố với nhóm người dân đếm xe. Theo kế hoạch đặt ra, nhóm đếm xe BOT Ninh Lộc tiếp tục đếm lại một tuần để bù đắp dữ liệu kiểm đếm bị mất trước đó.

Tuy nhiên, nhóm bất ngờ tạm ngừng kiểm đếm vì nhiều lý do khác nhau, theo anh Trần Vũ Việt, ngụ thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) – thành viên nhóm cho biết, ghi chép cụ thể của 7 ngày xe qua trạm đã bị kẻ gian đột nhập lấy cắp: "Nhóm chúng tôi tổ chức kiểm đếm ghi vào 32 tờ trong 7 ngày, nhưng bị mất hết chỉ còn lại 2 tờ.

Mặt khác, nhóm nhận thấy việc kiểm đếm thủ công sẽ khó thuyết phục được cơ quan chức năng. Vì vậy, nhóm tạm ngừng để bàn tính tìm ra phương án kiểm đếm phù hợp nhất cho đợt kiểm đếm lại". (2)

Người dân tổ chức đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa). ảnh: vov.
Người dân tổ chức đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa). ảnh: vov.

Ông Bảo nói thẳng: "Để giải quyết triệt để những tồn tại đối với BOT giao thông và cũng để có được sự ủng hộ của người dân thì không có cách gì khác là phải minh bạch. Phải đấu thầu công khai minh bạch ở các dự án để chọn được nhà thầu có năng lực, loại bỏ những đơn vị yếu kém. Phải công khai minh bạch để người dân biết được vốn đầu tư bao nhiêu, mức thu phí và thời gian thu phí.

Đồng thời, tất cả các trạm BOT giao thông phải lập tức đưa vào thu phí không dừng. Vấn đề này nói mấy năm nay, Thủ tướng cũng đã nhiều lần chỉ đạo mà vẫn chưa đưa vào thực tế là rất không bình thường.

Tôi đọc báo thấy có 26/44 trạm BOT đồng ý thu phí không dừng, các trạm còn lại chưa thống nhất. Cái này phải làm rõ để nhanh chóng giải quyết ngay, phải công khai minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời chứng minh với người dân rằng cơ quan quản lý làm nghiêm túc, bảo vệ được quyền của người dân, giữ được niềm tin của người dân.

Thu phí không dừng thì tiền mặt không vào thẳng túi doanh nghiệp được mà sẽ vào tài khoản và như thế là minh bạch, cái đó không thể gian dối được. Vấn đề này cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm, có thẩm quyền nên phải nhanh chóng giải quyết. Theo tôi, nếu đơn vị nào cố tình tìm lý do không chịu đưa vào thu phí không dừng phải cho dừng khai thác ngay".

Trở lại với những tồn tại ở các dự án BOT giao thông, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, do cách điều hành, quản lý, xây dựng hành lang pháp lý vẫn còn có những sơ hở đã tạo kẻ hở, cơ hội cho việc trục lợi, lợi ích nhóm.

Ông Bảo phân tích: “Đã từng có thời điểm người ta đổ xô vào các dự án BOT giao thông, vì cứ có được dự án là có lãi. Đầu tư mà chưa chi ra đã biết trước sẽ có lãi rồi thì ai chẳng muốn làm, chẳng khác gì "tay không bắt giặc".

Các dự án BOT bị đội giá đến mức độ hầu như nhà đầu tư không phải bỏ tiền túi ra mà vẫn có lãi và trên thực tế là khi cơ quan thanh tra, kiểm toán vào cuộc đã chỉ rõ ra nhiều dự án có vi phạm, sau đó bị dừng hoặc bị cắt thời gian thu phí.

Quan trọng bây giờ phải gỡ được nút thắt vấn đề BOT để làm sao hình thức đầu tư này về đúng bản chất của nó. Tức là lợi ích của các bên được đảm bảo hài hòa, trong đó có lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Việc giảm phí ở nhiều trạm BOT chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài để giải quyết một cách bài bản thì phải mổ xẻ làm rõ bài toán như tiền đầu tư, thời gian đầu tư, mức thu phí, thời gian thu phí phải rà soát lại.

Tôi đã từng nêu thí dụ về cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, chỉ đầu tư 30% mà thu như làm đường mới, sau đó giảm giá vé 25% nhưng thời gian thu vẫn thu kéo dài 17 năm. Vấn đề đầu tư và cách làm không rõ ràng như vậy rất khó thuyết phục, trong khi đáng lẽ ra cơ quan chức năng phải làm tới cùng rồi công bố hết cho dư luận.

Đặc biệt, do cách quản lý, đầu tư, vận hành, tính toán, hành lang pháp lý để dẫn đến BOT từ mục đích tốt đẹp bị méo mó. Kết luận sai phạm tại nhiều dự án BOT đã từng được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước chỉ ra, vậy thì những sai phạm ấy xử lý thế nào?

Rõ ràng rà soát các dự án BOT để giảm phí là trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành giao thông, nhưng để thuyết phục dư luận đúng nghĩa vẫn phải là những con số và không có gì hơn là phải minh bạch.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: "Hàng năm các xe ô tô đi đăng kiểm đều phải nộp phí bảo trì đường bộ, con số này tổng kết mỗi năm thu được hàng nghìn tỷ đồng. Vậy chi vào đâu, có công khai minh bạch cho dân biết không? Nếu có công bố thì công bố ở đâu, người dân có thể tìm thấy thông tin ở chỗ nào?

Rất nhiều người đã nói rằng họ phải đóng tiền quỹ bảo trì đường bộ cho xe ô tô, nhưng bây giờ đi ra khỏi Hà Nội thì hầu hết các tuyến đường đều phải trả phí BOT. Như vậy có phải phí chồng phí không?".

Tài liệu tham khảo: 

(1) https://dantri.com.vn/xa-hoi/tram-bot-ninh-loc-kien-nghi-chinh-phu-can-thiep-vu-dem-xe-20190308100741735.htm

(2) https://laodong.vn/giao-thong/nhom-dem-xe-bot-ninh-loc-bat-ngo-dung-viec-kiem-dem-so-luong-xe-660843.ldo

Kiến Văn