Rắc rối phía sau vụ Viettel bị tố tự ý nâng mức cước, đe dọa khách

15/08/2014 13:21
Minh Hồng
(GDVN) - Theo Ths.LS Trương Anh Tuấn, người tiêu dùng sẽ rất khó kiện Viettel trong trường hợp này, bởi mối liên hệ giữa khách hàng và Viettel không rõ ràng

Khó khởi kiện Viettel

Bỏ số tiền hơn 3 triệu đồng mua sim số đẹp và đăng ký gói cước trả sau của nhà mạng Viettel tại cửa hàng Bảo Linh Mobile (địa chỉ 193, Hoàng Văn Thái, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) tuy nhiên, cũng từ lúc đó khách hàng gặp nhiều phiền toái bức xúc như bị nhà mạng tự ý nâng mức cước cam kết sử dụng hàng tháng từ 300.000 đồng lên 500.000 đồng mà không biết; Bị nhân viên tự xưng là người của Viettel gọi điện đe dọa hủy sim và lấy lại sim hay mất tiền, mất thời gian nhưng cuối cùng phát hiện sim chưa sang tên đổi chủ...

Đơn khiếu nại của khách hàng gửi đến Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel
Đơn khiếu nại của khách hàng gửi đến Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel

Bức xúc cách làm của cửa hàng cũng như cách xử lý của nhà mạng, anh Lê Minh Công đã gửi đơn khiếu nại lên Viettel và đơn tố cáo lên công an...

Bên cạnh đó, gửi đơn phản ánh đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, khách hàng Lê Minh Công thắc mắc liệu có thể khởi kiện Viettel về việc lừa đảo đe dọa chiếm đoạt tài sản (sim điện thoại) của khách hàng hay không?

Trong khi Viettel vẫn chưa đưa ra câu trả lời, để làm rõ hơn thắc mắc của khách hàng phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Ths.LS Trương Anh Tuấn - Đoàn Luật sư Hà Nội.

Rắc rối phía sau vụ Viettel bị tố tự ý nâng mức cước, đe dọa khách ảnh 2

Viettel tự ý nâng mức cước, đe dọa khách hàng?

(GDVN) - Đăng ký cam kết sử dụng 300.000 đồng/tháng, tuy nhiên khi thanh toán tiền cước khách hàng té ngửa vì Viettel tự nâng mức sử dụng lên 500.000 đồng/tháng.

Khẳng định với phóng viên, LS Trương Anh Tuấn cho rằng: “Khách hàng sẽ rất khó khởi kiện Viettel vì mối liên hệ giữa khách hàng và Viettel qua trung gian là cửa hàng bán sim Bảo Linh”.

Ở đây, khách hàng Lê Minh Công đã quá tin cửa hàng bán sim nên rơi vào “trận đồ” của nhà mạng và cửa hàng bán sim.

Ai chịu trách nhiệm?

Phân tích cụ thể, LS Tuấn cho biết: Sim điện thoại được bán tại các cửa hàng là sim trả trước, do vậy khách hàng mua sử dụng không phải đăng ký. Tuy nhiên vì lý do riêng, khách hàng muốn sở hữu lâu dài số thuê bao nên muốn đăng ký gói cước trả sau của nhà mạng, bắt buộc phải đến trực tiếp đại lý của nhà mạng để làm thủ tục.

“Như vậy ở đây khách hàng đã quá tin vào cửa hàng bán sim để họ đăng ký xong tất cả thủ tục sau đó chỉ kiểm tra thông tin qua tổng đài, đến cửa hàng Viettel xác nhận thông tin… nhưng lại không có được hợp đồng mua bán sim. Lẽ ra theo quy trình, khách hàng phải yêu cầu cửa hàng bán sim làm thủ tục đăng ký trả sau đồng thời phải trao lại hợp đồng mua bán sim sau đó mới thanh toán tiền, như vậy tránh trường hợp nhà mạng và cửa hàng làm khó khách hàng”, LS Tuấn cho biết.

Nói khách hàng rất khó kiện Viettel bởi thực tế khách hàng không đi làm thủ tục đăng ký trực tiếp mà nhờ một bên thứ ba. Nếu ra tòa, ít nhất khách hàng phải có được ghi âm cuộc đàm thoại giữa khách hàng và nhân viên tổng đài 19008198 hoặc nhân viên của Viettel tại cửa hàng số 1 Hoàng Đạo Thúy khẳng định chuyển đổi thành công sang thông tin cá nhân của anh Công và cam kết sử dụng mỗi tháng… làm cơ sở.

Tuy nhiên, ngay cả khi có được ghi âm khẳng định thuê bao đã được đăng ký tên, mức cước sử dụng trùng với yêu cầu của khách hàng, Viettel vẫn có thể chối bỏ bởi “khẩu thiệt vô bằng”. Quan trọng nhất là hợp đồng mua bán sim với nhà mạng khách hàng lại không có vì vậy rất khó để khách hàng khởi kiện Viettel vì mối liên hệ giữa khách hàng và nhà mạng không rõ ràng.

Như vậy trong vụ việc trên, cửa hàng nơi bán sim cho khách hàng cũng phải chịu trách nhiệm: Thứ nhất cửa hàng là người chịu trách nhiệm đăng ký thủ tục chuyển sở hữu sim từ trả trước sang trả sau với cam kết sử dụng 300.000 đồng/tháng. Khách hàng có quyền yêu cầu cửa hàng cung cấp bằng chứng chứng tỏ cửa hàng đã làm thủ tục chuyển đổi sim cho khách hàng, lấy bằng chứng đó để đối chất với Viettel

Trong trường hợp cửa hàng không đưa được bằng chứng về việc chuyển đổi quyền sử dụng sim cho khách hàng, lúc này trách nhiệm thuộc về Cửa hàng Bảo Linh, nơi bán sim.

Thứ hai nếu cửa hàng bán sim có được bằng chứng đã chuyển đổi kích hoạt dịch vụ trả sau đăng ký đúng tên khách hàng, đăng ký đúng gói cước cam kết, để bảo vệ uy tín của mình, cửa hàng nên đứng về phía khách hàng để yêu cầu Viettel làm đúng theo cam kết hợp đồng.

Cũng qua vụ việc trên LS Trương Anh Tuấn chia sẻ, việc đăng ký sử dụng sim trả sau khi mua sim khách hàng phải ra trực tiếp cửa hàng, đại lý của nhà mạng làm thủ tục. Sau đó phải có hợp đồng mua bán sim, bên cạnh đó để tránh gian dối của nhà mạng khách hàng phải yêu cầu nhà mạng đưa ra bảng kê cuộc gọi hàng tháng.

Minh Hồng