Sai cả lý cả tình, Vinaphone vẫn ung dung "móc túi" khách hàng

11/07/2015 07:32
Mai Anh
(GDVN) - Với đặt thù kinh doanh dịch vụ viễn thông, số lượng người sử dụng rất lớn, nếu nhà mạng sử dụng chiêu trò, mánh khóe để thu tiền thì lợi nhuận thu về rất lớn.

Tự ý đăng ký dịch vụ: Vinaphone sai cả lý, cả tình

Ngày 8/7, sau khi phản ánh đến Báo Điện tử Giáo Việt Nam về việc số thuê bao bị nhà mạng Vinaphone tự đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng và trừ tiền, đến  ngày 9/7, Nguyễn Thị N (Cầu Giấy - Hà Nội) tiếp tục thông tin qua đường dây nóng của Báo cho biết, điện thoại chị tiếp tục được nhà mạng tự kích hoạt dịch vụ mới.

Cụ thể, khoảng 3h sáng ngày 9/7, điện thoại chị N lại nhận được tin nhắn từ số 1378 với nội dung “Chuc mung quy khach da dang ky thanh cong dich vu van hoa bon phuong qua he thong quang cao Mobile Ads của Vinaphone 5000d/ngay” (Chúc mừng quý khách đã đăng ký thành công dịch vụ văn hóa bốn phương qua hệ thống quảng cáo Mobile Ads của Vinaphone 5000 đồng/ngày).

Vừa hủy thành công dịch vụ từ đầu số 1344, chị N lại bị nhà mạng Vinaphone tự động đăng ký dịch vụ Văn hóa bốn phương vào lúc 3h sáng.
Vừa hủy thành công dịch vụ từ đầu số 1344, chị N lại bị nhà mạng Vinaphone tự động đăng ký dịch vụ Văn hóa bốn phương vào lúc 3h sáng.

Được biết, trước đó chị N nhắn tin theo hướng dẫn để hủy dịch vụ DAY SO VANG từ đầu số 1344 nhưng sau đó, điện thoại chị lại tiếp tục bị kích hoạt dịch vụ này.

Tương tự trường hợp chị N, cũng phản ánh đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Nguyễn Minh Đ và chị Nguyễn Thị V cũng cho biết: “Sau khi đọc thông tin đăng tải về dịch vụ giá trị gia tăng được Vinaphone tự ý đăng ký và trừ tiền, chúng tôi gọi đến số 9191 kiểm tra mới thấy nhiều dịch vụ mình không đăng ký nhưng được kích hoạt và trừ tiền lâu nay”.

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thanh Lê (Phú Thọ) cho hay, đọc thông tin trên Báo Giáo dục Việt Nam, chị Lê kiểm tra qua tổng đài 9191 phát hiện có đến 4 dịch vụ giá trị gia tăng được kích hoạt trên số thuê bao của chị Lê, trong đó có dịch vụ như Vgame, TV VIP...

Chị Lê đặt câu hỏi: “Những ứng dụng dịch vụ đó tôi không hề biết, cũng không quan tâm làm sao có thể nói tự đăng ký chỉ bằng động tác vô tình chạm khi đọc báo lướt web được?…”.

Sai cả lý cả tình, Vinaphone vẫn ung dung "móc túi" khách hàng  ảnh 2

Đang ngủ, khách hàng bị ép dùng dịch vụ Vinaphone

Sai cả lý cả tình, Vinaphone vẫn ung dung "móc túi" khách hàng  ảnh 3

Vinaphone tự kích hoạt dịch vụ, trừ tiền để đạt mục tiêu doanh thu "khủng"?

Dẫu bức xúc nhưng hầu hết khách hàng đều chấp nhận tự hủy dịch vụ để không bị Vinaphone trừ tiền. Còn nhà mạng vẫn ung dung ngấm ngầm thu lợi nhuận.

Một điểm chung là hầu hết thuê bao Vinaphone đều không hay biết mình bị nhà mạng cài đặt dịch vụ giá trị gia tăng và trừ tiền phí cho đến khi gọi điện kiểm tra.

Nói cách khác, khi bị nhà mạng tự kích hoạt dịch vụ, phần lớn các khách hàng Vinaphone phải tự kiểm tra lại các dịch vụ giá trị gia tăng nào được đăng ký trên thuê bao của mình và tự mò mẫm soạn tin nhắn hủy để tránh mất tiền.

Trong khi đó, chính Vinaphone thừa nhận, với dịch vụ giá trị gia tăng, khách hàng không cần soạn tin nhắn đăng ký. Thay vào đó, khi khách hàng bật 3G truy cập Internet, đọc báo trên điện thoại cảm ứng smartphone, chỉ cần vô tình chạm vào đường link dịch vụ giá trị gia tăng của nhà mạng này thì dịch vụ đó tự động kích hoạt đăng ký trên số thuê bao.

Trước lý giải này của Vinaphone, TS.LS Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty Luật YOUME cho biết, bản thân ông cũng từng bị Vinaphone tự kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng và trừ tiền.

“Sau khi phản ánh đến Vinaphone, tôi cũng nhận được câu giải thích như vậy. Tuy nhiên, cách lý giải này không hợp lý về cả hai khía cạnh kỹ thuật và về mặt pháp luật”, LS Hà cho biết.

TS.LS Vũ Thái Hà phân tích: Ở khía cạnh thứ nhất về mặt kỹ thuật, để đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng cho một thuê bao nào đó, các thông số của thuê bao đó phải được khai báo chi tiết (bằng cách nào đó) trên hệ thống và các thông tin khai báo đăng ký này phải được chủ sở hữu thuê bao đó xác thực. 

Cách xác thực của các nhà mạng hiện tại phần lớn là dựa trên tin nhắn đăng ký dịch vụ từ chính thuê bao đăng ký dịch vụ hoặc qua hệ thống Internet bằng tên đăng nhập (thường là số điện thoại) và mật khẩu riêng của thuê bao (được cung cấp qua hệ thống tin nhắn) đăng ký dịch vụ. 

“Việc đăng ký dịch vụ của nhà mạng bằng cách vô tình chạm vào đường link trên Internet là không thể vì hệ thống không thể có thông tin của thuê bao đăng ký dịch vụ. 

Đối với các dịch vụ giá trị gia tăng của Vinaphone hiện tại, để đăng ký qua Internet khách hàng phải thực hiện rất nhiều bước, từ việc truy cập vào website của Vinaphone, phải đăng nhập bằng tài khoản, lựa chọn dịch vụ và xác nhận việc đăng ký dịch vụ. Do đó, việc lý giải rằng khách hàng vô tình đăng ký dịch vụ là không hợp lý về mặt kỹ thuật”, LS Hà khẳng định.

Thứ hai, về mặt pháp lý, một giao dịch dân sự chỉ được thiết lập và có giá trị pháp lý khi cả hai bên (ở đây là Vinaphone và khách hàng) đều tự nguyện thể hiện ý chí của mình. Việc đăng ký dịch vụ bằng cách vô tình không tạo ra sự ràng buộc đối với khách hàng. 

“Do đó, về mặt pháp lý, chắc chắn không nhà mạng nào lại để dịch vụ của mình có thể được khách hàng đăng ký bằng cách vô tình”, LS Hà cho biết.

Nếu sử dụng chiêu trò, Vinaphone thu về lợi nhuận rất lớn

Theo LS Vũ Thái Hà, các giao dịch giữa Vinaphone và khách hàng là các giao dịch dân sự. Thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự và luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

“Nếu khách hàng thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, có thể yêu cầu Vinaphone xem xét giải quyết. Nếu không đồng ý, có thể khởi kiện Vinaphone ra tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật. Theo các quy định của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Vinaphone sẽ phải là bên chứng minh các dịch vụ do mình cung cấp không gây thiệt hại hay ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng”, LS Hà cho biết.

LS Hà cho rằng, với đặt thù hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông là dịch vụ có số lượng người sử dụng rất lớn, nếu nhà mạng sử dụng chiêu trò, mánh khóe để thu tiền thì lợi nhuận thu về rất lớn.

Hiện đã có văn bản quy phạm pháp luật quản lý chặt chẽ, đối với loại hình dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông được quy định đầy đủ. Về mặt pháp luật, hiện không thiếu các quy định pháp luật điều chỉnh đối với các dịch vụ này.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc kinh doanh và việc quản lý được thực hiện một cách đầy đủ.

“Căn cứ vào đề nghị của người sử dụng dịch vụ cũng như tính chất của vụ việc, các cơ quan chức năng xem xét và quyết định có vào cuộc để làm rõ hay không”, LS Hà nói.

Về dư luận xã hội, ngay sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết phản ánh tình trạng thuê bao sử dụng mạng di động Vinaphone bị tự ý kích hoạt dịch vụ nhiều bạn đọc là khách hàng của Vinaphone đã phản ánh đến tòa soạn hiện tượng này và bày tỏ sự bức xúc.

Độc giả Châu Bá Thông chia sẻ: “Khách hàng phản đối và cùng nhau tẩy chay Vinaphone. Trong trường hợp vi phạm của Vinaphone, chẳng thấy cơ quan bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng, quá tệ hại trong dịch vụ”.

Độc giả Phan An viết: “Mình dùng trả sau nên mình kiểm tra dịch vụ giá trị gia tăng hàng tháng, không lơ là với nhà mạng được. Lòng tin không đặt vào con voi khi mình không bằng cái lông của con voi đó”.

Trong khi đó độc giả Nguyễn Tuấn Ninh bình luận ngắn gọn: “Tôi cũng là nạn nhân của mấy loại dịch vụ của Vinaphone rồi. Phải nói là quá lởm”.

Mai Anh