Sắp siết "vòng kim cô" các 'ông trùm' ngân hàng Việt?

23/06/2014 07:45
Quân Nguyễn (tổng hợp)
(GDVN) - Cổ đông lớn, người có liên quan tại không ít ngân hàng TMCP đã vi phạm quy định về sở hữu cổ phần dẫn đến thao túng, chi phối ngân hàng, phục vụ lợi ích riêng.

Để chấn chỉnh vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng Thông tư hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng vượt giới hạn quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (TCTD).

Nhiều cổ đông “thao túng” ngân hàng Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước thừa nhận đến nay một số tổ chức tín dụng chưa chủ động điều chỉnh tỉ lệ sở hữu cổ phần theo đúng quy định. 

Qua kết quả thanh tra cho thấy ở không ít ngân hàng TMCP cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu cổ phần dẫn đến thao túng, chi phối ngân hàng, phục vụ lợi ích của cổ đông lớn, đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch hoặc quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định của pháp luật.

Được biết, Luật các TCTD có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, tuy nhiên, đến nay, một số TCTD chưa chủ động điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần để phù hợp với quy định này. Do đó, vẫn còn hiện tượng một số cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần với số lượng lớn, vượt tỷ lệ theo quy định, có khả năng chi phối hoạt động của TCTD.

Cụ thể, có 05/33 NHTMCP có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ; Có 05/33 NHTMCP là tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 15% vốn điều lệ; Có 8/33 NHTMCP có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20% vốn điều lệ.

Nhiều cổ đông “thao túng” ngân hàng Việt Nam.
Nhiều cổ đông “thao túng” ngân hàng Việt Nam.

Để xử lý trực trạng trên, trong dự thảo Thông tư, Ngân hàng Nhà nước chia ra hai trường hợp là sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tính từ thời điểm trước và sau ngày Luật tổ chức tín dụng có hiệu lực (1/1/ 2011).

"Siết" bằng cách nào?

Với các trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn phát sinh trước ngày Luật các TCTD có hiệu lực, Dự thảo Thông tư nêu rõ: TCTD phải có Kế hoạch xử lý dứt điểm các trường hợp cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Luật Các TCTD chậm nhất trước ngày 31/3/2015, trừ các trường hợp thực hiện theo phương án tái cơ cấu TCTD đó đã được NHNN hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, TCTD phải phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định có văn bản báo cáo NHNN (Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi TCTD đặt trụ sở chính mà không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng) Kế hoạch xử lý việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn.

Kế hoạch xử lý phải có tối thiểu các nội dung sau: Danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó (nêu rõ mối quan hệ liên quan) đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Luật Các TCTD và số cổ phần, tỷ lệ cổ phần trên vốn điều lệ hiện đang sở hữu tại TCTD…

Dự thảo Thông tư khẳng định, quá thời hạn 31/12/2014 hoặc thời hạn được nêu trong phương án tái cơ cấu đã được NHNN hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu chưa đảm bảo việc sở hữu cổ phần trong giới hạn theo quy định, các tổ chức, cá nhân có liên quan bị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó phải chuyển nhượng cổ phần cho NHNN hoặc TCTD do NHNN chỉ định; Cổ đông, cổ đông và người có liên quan không được quyền biểu quyết đối với số cổ phần sở hữu vượt tỷ lệ quy định; 

Cổ đông, cổ đông và người có liên quan không được đề cử, ứng cử làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của TCTD khi TCTD bầu bổ sung hoặc bầu nhiệm kỳ mới Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát trong thời gian còn sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ.

Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ TCTD không được cấp tín dụng mới cho cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó đang sở hữu cổ phần tại TCTD vượt giới hạn quy định của pháp luật. 

Trường hợp cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn đang có dư nợ tín dụng tại TCTD mà mình đang là cổ đông, TCTD đó phải có biện pháp để sớm thu hồi toàn bộ dư nợ các khoản tín dụng của các đối tượng này chưa thanh toán.

Còn với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định phát sinh sau ngày Luật các TCTD có hiệu lực, Dự thảo Thông tư nêu rõ: Tổ chức, cá nhân có liên quan bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó phải xử lý số cổ phần sở hữu vượt giới hạn quy định trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính.

Các 'ông trùm' ngân hàng Việt Nam sẽ bị siết chặt? (Ảnh minh họa).
Các 'ông trùm' ngân hàng Việt Nam sẽ bị siết chặt? (Ảnh minh họa).

Quá thời hạn trên, nếu chưa đảm bảo việc sở hữu cổ phần của TCTD trong giới hạn quy định của pháp luật, cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó bị áp dụng các biện pháp xử lý như đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn phát sinh trước ngày Luật các TCTD có hiệu lực.

Cổ đông ngân hàng có thể chuyển nhượng cổ phần

Dự thảo Thông tư cũng đưa ra các biện pháp để TCTD, cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó xử lý việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định. 

Theo đó, TCTD có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc phát hành thêm cổ phiếu mới ra công chúng. Tuy nhiên, cổ đông, cổ đông và người có liên quan trong thời gian sở hữu cổ phần của TCTD vượt giới hạn quy định không được thực hiện mua cổ phần do TCTD đó phát hành thêm.

Bên cạnh đó, cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó có thể xử lý số cổ phần sở hữu vượt giới hạn quy định của pháp luật thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư khác hoặc phải chuyển nhượng cổ phần theo chỉ đạo của NHNN. 

TCTD cũng có thể mua lại số cổ phần sở hữu vượt giới hạn của cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó để làm cổ phiếu Quỹ theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định sau khi mua số cổ phần này.

Ngoài ra, TCTD có thể sáp nhập, hợp nhất với TCTD khác hoặc thực hiện tái cơ cấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; hoặc thực hiện các biện pháp xử lý khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế cổ phần, Dự thảo Thông tư nêu rõ: Việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông thường thành cổ đông lớn và ngược lại phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản trước khi tiến hành chuyển nhượng và thực hiện theo quy định của NHNN.

Việc cho, tặng, thừa kế cổ phần của TCTD thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và các quy định sau: Việc cho, tặng cổ phần phải đảm bảo quy định của pháp luật về giới hạn sở hữu cổ phần. 

Trường hợp sau khi nhận cổ phần thừa kế dẫn đến cổ đông hoặc cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó có trách nhiệm xử lý số cổ phần vượt giới hạn trong thời hạn chín mươi (90) ngày kể từ ngày tiếp nhận số cổ phần được thừa kế nêu trên...
Quân Nguyễn (tổng hợp)